Thái Nguyên là trung tâm văn hóa, đào tạo của vùng Việt Bắc, có khu công nghiệp sớm nhất trong cả nước.
Điều không thể phủ nhận là trong những năm qua, đội ngũ trí thức đã có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng trí thức phân bố không đều giữa các vùng miền trong tỉnh, chủ yếu tập trung ở các trường học, sở, ban, ngành của tỉnh, thành phố. Đơn cử như số người tốt nghiệp từ ĐH trở lên ở T.P Thái Nguyên là 9.706 thì ở huyện Phú Bình chỉ có 703 người, Định Hóa 526 người. Điều này cho thấy, ở những vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa cần những trí thức đóng góp trí tuệ xây dựng quê hương là rất thiếu. Nhiều trí thức trẻ mới tốt nghiệp nếu về các huyện công tác sẽ được làm đúng chuyên ngành đào tạo, nhưng họ vẫn bám trụ ở thành phố dù phải làm trái ngành nghề.
Theo anh Nguyễn Văn Việt, công tác tại một sở của tỉnh thì lý do mà anh không về huyện công tác là vì điều kiện làm việc ở đó không tốt. Nghe một vài người bạn đang làm việc tại các huyện phản ánh, dù trình độ có thật, nhưng khi về địa phương không phải ai cũng được coi trọng, vì thế nhiều vấn đề đưa ra không những không được ủng hộ, còn bị coi là đề cao vai trò cá nhân... Vì thế, dù phải làm trái chuyên ngành đào tạo thì với anh, ở thành phố, cuộc sống vẫn dễ chịu hơn.
Tiếp đến là tình trạng “chảy máu chất xám” đang xuất hiện ngày càng nhiều. Chỉ tính riêng trong ngành Giáo dục- Đào tạo của tỉnh, trung bình mỗi năm có từ 3-5 thạc sỹ xin chuyển công tác. Được biết, đó đều là những giáo viên giỏi của ngành hiện đang công tác tại các trường có uy tín trên địa bàn tỉnh. Có người thì chuyển về Hà Nội, có người thì chuyển công tác vào ĐH Thái Nguyên. Một số người lấy lý do là để hợp lý hoá gia đình, nhưng phần lớn là vì chuyển công tác bởi ở đó có thu nhập và điều kiện phát triển hơn.
Khi được hỏi, nhiều học sinh lớp 12 của Trường THPT Chuyên sau khi tốt nghiệp ĐH, CĐ có quay lại tỉnh công tác, hầu hết đều trả lời là nếu có điều kiện sẽ công tác ở Hà Nội, các thành phố lớn hoặc làm trong các công ty liên doanh nước ngoài. Mặt khác, thẳng thắn nhìn nhận cho thấy một bộ phận không nhỏ trí thức thờ ơ đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Một số tuy đã được cơ quan, đơn vị tạo điều kiện đi học sau đại học nhưng họ đang chờ cho đủ thời gian công tác theo cam kết rồi xin chuyển công tác.
Thái Nguyên vẫn chưa có sức hút người tài? Trước thời điểm tháng 9-2007, các chính sách đối với đội ngũ trí thức của tỉnh mới chỉ được lồng ghép trong các chính sách chung về kinh tế- xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo hoặc chiến lược cán bộ mà chưa ban hành thành chính sách riêng. Đơn cử như việc xét tuyển viên chức vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của tỉnh, cũng chỉ căn cứ vào các nghị định 121/2006/NĐ-CP của Chính phủ mà chưa có chính sách riêng của tỉnh, đó là: Những người có học vị tiến sỹ đúng chuyên ngành đào tạo, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng được cộng 20 điểm; người có học vị thạc sỹ đúng chuyên ngành đào tạo, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng được cộng 10 điểm. Người có nhiều loại ưu tiên chỉ được tính một loại ưu tiên điểm cao nhất.
Bên cạnh đó, việc xây dựng chính sách đối với đội ngũ trí thức chưa được coi trọng và chưa mang tính hệ thống, chủ yếu các sở, ban, ngành thực hiện. Vì vậy, các chế độ, chính sách phụ thuộc vào quyền lợi cục bộ, chưa phát huy được nguồn lực trí tuệ, thiếu cơ sở khách quan, chưa lường trước được mọi tác động đến người thụ hưởng chính sách. Chưa kể, hầu hết các chính sách này đều chưa phù hợp với đặc thù lao động sáng tạo trí tuệ, chậm đi vào cuộc sống, chưa đảm bảo sự gắn kết quyền lợi và trách nhiệm với kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Xác định rõ vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức trong việc thúc đẩy sự phát triển của tỉnh, ngày 20-9-2007, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có Kết luận số 57-KL/TU về việc thực hiện chế độ chính sách động viên, khuyến khích đối với cán bộ. Đây chính là động thái tích cực nhằm động viên, khuyến khích cán bộ có phẩm chất tốt, có năng lực cao đến tỉnh công tác, cụ thể: "Đối với cán bộ, công chức đến địa phương công tác có cam kết thời gian từ 10 năm trở lên, nếu có bằng tiến sỹ được trợ cấp một lần là 15 triệu đồng; nếu có bằng thạc sỹ, trước đó tốt nghiệp ĐH chính quy bằng khá được trợ cấp một lần 10 triệu đồng. Đối với sinh viên và nghiên cứu sinh mới ra trường nếu có bằng tiến sỹ hoặc đại học chính quy hạng giỏi, có ngành nghề chuyên môn phù hợp, có nguyện vọng công tác tại tỉnh thì được tuyển thẳng.
Đối với cán bộ, công chức các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh tình nguyện hoặc được điều động đến làm cán bộ công chức cấp xã ở các xã vùng cao, xã đặc biệt khó khăn được trợ cấp hàng tháng bằng mức lương tối thiểu (ngoài tiền lương) theo từng thời điểm cụ thể, thời gian được hưởng 5 năm tính từ khi nhận công tác... Nguồn kinh phí do ngân sách chi trả. Ban Tổ chức Tỉnh uỷ (đối với các cơ quan khối đảng, đoàn thể của tỉnh), Sở Nội vụ (đối với các cơ quan quản lý Nhà nước) có công văn đề nghị UBND tỉnh ra quyết định trợ cấp cho đối tượng được hưởng". Kết luận này được thực hiện từ ngày 1-10-2007.
Đã gần 1 năm trôi qua sau khi có kết luận của Tỉnh ủy, nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy thì khối Đảng, đoàn thể chưa tuyển được nhân tài nào theo Kết luận 57. Bên khối các cơ quan quản lý Nhà nước giao cho Sở Nội vụ cũng vậy! Tuy vậy, qua tìm hiểu chúng tôi được biết trong năm 2007, Sở Nông Nghiệp và PTNT đã tuyển thẳng 1 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi.
Theo đồng chí Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: "Năm 2007, Sở tổ chức xét tuyển viên chức vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Căn cứ vào Kết luận 57 của Tỉnh uỷ, Sở có công văn số 1499/CV-SNN gửi Sở Nội vụ đề nghị xem xét và có ý kiến để Sở thực hiện kế hoạch xét tuyển viên chức. Nhưng chúng tôi không nhận được văn bản trả lời của Sở Nội vụ, mà chỉ nghe lãnh đạo bên đó nói lại là tiêu chí tuyển thẳng đối với sinh viên tốt nghiệp hạng giỏi nêu trong Kết luận 57 của Tỉnh uỷ không có trong Nghị định 116 và 121 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp Nhà nước. Theo Nghị định khi tính điểm xét tuyển, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi chỉ được cộng 10 điểm ưu tiên. Trong khi đó nếu là người dân tộc thiểu số, dù bằng đại học trung bình nhưng được ưu tiên tới 30 điểm, nên người có bằng giỏi cũng không địch nổi trong tuyển dụng.
Có sinh viên tốt nghiệp loại giỏi không được tuyển dụng đã gọi điện cho tôi nói: Ông là Tỉnh ủy viên mà ông chống lại quyết định của Tỉnh ủy. Trong đợt tuyển viên chức cuối năm 2007, Sở quyết định tuyển thẳng 1 trường hợp tốt nghiệp loại giỏi, có ngành nghề chuyên môn phù hợp cho Trung tâm kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hoá nông nghiệp thuộc Sở. Một số anh em làm công tác tổ chức của Sở cũng lo lắng, băn khoăn vì không có hướng dẫn của Sở Nội vụ, nhưng tôi vẫn quyết tuyển và tôi chịu trách nhiệm".
Thiết nghĩ, Kết luận 57 của Tỉnh uỷ để thu hút trí thức giỏi về địa phương công tác. Tuy nhiên, chính sách này đang chậm đi vào cuộc sống vì chưa có hướng dẫn cụ thể của các ngành hữu quan. Trong khi tiếp tục đề ra các chính sách “trải thảm đỏ” để thu hút người tài, thời gian tới tỉnh cần tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho nguồn nhân lực trí thức hiện có. Đồng thời, xây dựng và ban hành những chính sách, cơ chế mới đảm bảo khuyến khích cả về vật chất lẫn tinh thần đủ sức thu hút, quy tụ được nhân tài của giới trí thức, đưa công tác quản lý đội ngũ trí thức vào nền nếp. Đặc biệt coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ trí thức là người dân tộc thiểu số nhằm khắc phục tình trạng thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, không đồng bộ về cơ cấu, chủng loại như hiện nay.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong học sinh, sinh viên về lý tưởng sống và nghĩa vụ đối với quê hương. Chỉ khi nào có môi trường làm việc tốt, chế độ đãi ngộ tương xứng với chất sám đã bỏ ra và được lắng nghe, tôn trọng, đánh giá đúng những cống hiến mới phát huy được lực lượng trí thức đóng góp có hiệu quả vào công cuộc đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.