Nông dân thấy hay thì làm

14:19, 17/08/2008

Không phải lội bì bõm trong bùn, nước. Không lo đạp chân vào khóm lúa. Vốn đầu tư giảm, năng suất tăng, chất lượng gạo cao hơn so với cách thâm canh truyền thống. Đó là hiệu quả từ cách làm: ‘’Ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến’’ trên đồng ruộng huyện Phổ Yên.

Ông Trần Văn Thung, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, Giám đốc Dự án ‘’Ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến’’ cùng chúng tôi… lội nguyên cả đôi giày đen xuống ruộng. Ông giới thiệu: Đây là ruộng của gia đình bà Hoàng Thị Hà, thôn Định Thành, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên. Theo cách canh tác mới như quy trình của Dự án: Lúa cấy 1 rảnh, thưa cây hơn, chân ruộng khô, thân lúa khoẻ, đẻ nhánh mạnh và đem lại năng suất cao hơn so với cách canh tác truyền thống.

Đây là vụ thứ hai Dự án "ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến "được thực hiện trên đồng đất huyện Phổ Yên. Tại vụ mùa này, Dự án xây dựng 12 mô hình tại 2 xã Hồng Tiến và Đồng Tiến, với 10,17ha, trong đó 1,12ha ruộng thí nghiệm, 9,05ha ruộng ứng dụng. Cũng trong vụ mùa này, nhiều hộ nông dân được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa cải tiến, do Chi Cục Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện Phổ Yên tổ chức, qua đó mở rộng được thêm 10,44ha trên 10 xã với 130 hộ nông dân áp dụng biện pháp canh tác lúa cải tiến, riêng xóm Thành Lập (Hồng Tiến), nông dân tự học hỏi các hộ tham gia mô hình ở vụ xuân, và tự thực hiện áp dụng 5ha.

Bà Nguyễn Thị Hợp, xóm Hoàng Vân, xã Đồng Tiến cho biết: Thấy đây là cách làm đạt hiệu quả kinh tế cao, vợ chồng tôi cùng thống nhất dành 8 sào ruộng tham gia mô hình. Đến nay, lúa bắt đầu trỗ đòng, tôi kiểm lại thấy việc đầu tư giảm hơn rất nhiều so với cách làm truyền thống, kể từ mạ cấy, nước tưới, phân bón, thuốc trừ sâu… Còn bà Nguyễn Thị Chín, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên đúc kết: Tại các ruộng thí nghiệm cũng như ruộng áp dụng, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, khả năng đẻ nhánh đạt trung bình từ 9 đến 10 dảnh/khóm; có mô hình đạt trung bình từ 12 đến 14 dảnh/khóm.

Để minh chứng, bà Chín nhổ một khóm lúa ngẫu nhiên, cùng bà con nông dân đếm, 12 dảnh tất cả. Có mặt ở đó, bà Đỗ Thị Yến, Trưởng phòng kỹ thuật tổng hợp Chi cục cho biết thêm: Ban quản lý Dự án có nhật ký ghi chép rất đầy đủ về thời vụ như: Ngày gieo mạ, ngày cấy, tuổi mạ, số lá mạ, thời gian bón lót, bón thúc, rút nước tại các chân ruộng… rồi cùng nông dân thảo luận, thống nhất cách làm.

Một cách làm mới không giống với cách làm lúa nước truyền thống, nên ban đầu nhiều bà con nông dân rất lo ngại khi tham gia Dự án. Ông Trần Văn Quảng, cán bộ khuyến nông huyện Phổ Yên tâm sự: Các cụ dạy "Mạ già, ruộng ngấu chẳng thua bạn điền". Song, canh tác lúa cải tiến lại cấy mạ non từ 9 đến 11 ngày tuổi, số lá mạ từ 2,5 đến 3 lá, sau cấy 15 ngày rút nước lần 1, để cạn từ 4 đến 8 ngày thì bón thúc lần 2, sau nửa tháng rút cạn nước… Đến thời điểm này, bà con nông dân đã nhìn thấy hiệu quả, nên mạnh dạn hơn khi dành đất canh tác lúa cải tiến.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Tiến Dũng, Điều phối viên Chương trình IPM quốc gia (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết: Một số nước như Ấn Độ, Trung Quốc… đã ứng dụng cách làm này từ hơn 15 năm nay. Còn ở nước ta đã có 15 tỉnh tham gia ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến đạt hiệu quả. Riêng Thái Nguyên, chương trình bắt đầu vào huyện Phổ Yên từ vụ xuân năm 2008, tuy mới là vụ thứ hai, nhưng mô hình đã bắt đầu đi vào đời sống sản xuất của nông dân. Tôi rất vui khi biết có hàng chục nông hộ tự học, tự làm theo mô hình này… Giây lát dừng lời, ông cho biết thêm: Việc áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến, tính trên 1 đơn vị diện tích giảm được từ 70 đến 75% lượng giống, và lượng nước tưới cũng giảm được từ 60 đến 70%, cùng đó là giảm được lượng phân bón, ngày công lao động, song bông lúa to hơn, dài hơn, hạt chắc mẩy hơn, năng suất tương đương hoặc cao hơn so với cách làm truyền thống trước đây.

Qua câu chuyện chúng tôi biết, sau nhiều chuyến công tác ở nước ngoài, ông Dũng đã nghiên cứu, học hỏi và "mang" về Việt Nam cho nông dân cách ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến. Khi triển khai ở Phổ Yên, điều ông bất ngờ là nông dân Thái Nguyên rất tích cực khi tham gia Dự án. Nhiều nông hộ mạnh dạn dành phần lớn diện tích đất sản xuất của mình để thực hiện cách làm mới, điển hình như ở thôn Vân Trai (Tân Phú), hộ ông Trần Văn Hảo làm 6 sào; ông Đặng Văn Thái làm 5 sào… nhà ông Lê Văn Trọng, do ít ruộng cũng tham gia làm gần 1 sào.

Trở lại cánh đồng Định Thành, bà Phạm Thị Thuân, cán bộ nông nghiệp xã Tiên Phong cho biết thêm: Trên diện tích m2, số mạ cấy giảm từ 70 đến 75 khóm xuống còn 39 đến 40 khóm; riêng mạ cấy giảm từ 6 đến 7 dảnh xuống còn 1 dảnh... Điều quan trọng là trong canh tác lúa cải tiến, đồng ruộng được cải tạo bằng tăng cường bón phân hữu cơ; đất có thời gian phơi cạn; giảm được các độc tố trong đất; tạo cho cây lúa phát triển hết khả năng; đồng thời tiết kiệm được nguồn tài nguyên nước.