Nước sinh hoạt làm đổi thay bản làng Định Hoá

08:54, 07/08/2008

Các công trình nước sinh hoạt tập trung theo chương trình 134 tại huyện miền núi Định Hóa là hiện thân sinh động của những chính sách đãi ngộ, mang đến cho đồng bào sự đổi thay lớn lao trong công cuộc xây dựng nông thôn mới…

Bà Viên Thị Hoa (Phó chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ chương trình 134 huyện Định Hóa) hồ hởi thông báo, quyết định 134/TTg là chính sách đặc thù với đồng bào dân tộc ít người. Huyện Định Hóa có tỉ lệ gần 70% đồng bào dân tộc thiểu số. Qua 3 năm thực hiện, chương trình 134 đã đem lại hiệu quả rất thiết thực. Bản Bắc, xã Điềm Mặc, có 99% đồng bào là người Tày sinh sống. Công trình nước sinh hoạt tự chảy bản Bắc được khánh thành cuối năm 2007 với tổng giá trị xây dựng trên 900 triệu đồng, trong đó, vốn đối ứng của nhân dân là 5,6 triệu đồng. Ông Đoàn Viết Hưởng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, công trình đã mang nguồn nước, mang sự phấn khởi, niềm vui khôn tả về với 137 hộ gia đình của bản. Thực tế đó đã được những người dân bản chứng minh. Ngay sau khi có nước sinh hoạt tập trung, gia đình ông Nông Đình Thân đã đầu tư xây dựng công trình hố xí tự hoại. Ông Thân tự hào nói, gia đình ông là hộ đầu tiên của bản xây dựng hố xí tự hoại và mang đến cơ hội đó chính là nguồn nước của Nhà Nước đầu tư.

Ở gần nơi đầu nguồn của đường trục chính, từ trên cầu thang nhà sàn bước xuống, cụ bà Ma Thị Viết tiến đến vặn vòi nước với áp lực khá mạnh như có ý “khoe” với chúng tôi, cụ vui vẻ thổ lộ: “Nước sạch lắm, mạnh lắm! Sướng lắm!…”. Cụ Viết kể, từ khi chưa có nguồn nước, hầu hết người dân trong bản đều phải ăn nước giếng. Nước giếng ở gần nhà đã không đảm bảo vệ sinh nhưng nào có đủ dùng, bản Bắc cao lắm nên một năm thì phải có đến 6 -7 tháng giếng cạn. Khi đó, dân bản đều phải đi gánh nước trên khe suối rất xa. Câu chuyện của bà cụ 83 tuổi đã khích lệ chúng tôi tìm đến tận nơi đầu nguồn của dòng nước. Men theo dòng suối, dọc đường đi, chúng tôi được anh Nông Đình Bình và anh Nông Đình Thiết là những người quản lí giới thiệu kĩ càng hơn về công trình. Việc chênh lệch độ cao đã tạo ra áp lực giúp cho nguồn nước được khai thác tự chảy đến từng hộ gia đình hưởng lợi. Tuy nhiên, chỉ tính riêng đường ống trục chính với chiều dài đến 5km thì để cho nước tự chảy mà không bị tắc thì công trình phải gồm nhiều hạng mục như đập chắn lọc nước, bể lắng, bể lọc... Tổ quản lí có trách nhiệm vận hành, tu bổ công trình.

Còn tại xã Bảo Cường, công trình nước sinh hoạt tập trung đã được xây dựng năm 2007 với tổng giá trị trên 820 triệu để phục vụ 128 hộ dân thuộc 2 xóm Chùa 1 và 2. Mặc dù nguồn vốn đối ứng của nhân dân chỉ có 6 triệu đồng nhưng công trình không chỉ đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt mà còn tăng cường cứu hạn hán cho sản xuất nông nghiệp trên vùng đất khát. Ông Đào Duy Hải (Bí thư Đảng ủy xã) cho biết, trước đây, nước luôn luôn là đòi hỏi cấp thiết đối với người dân của 2 xóm Chùa 1 và 2. Khi có công trình nước tự chảy, nhân dân đã thoát được cảnh đi gánh nước xa hàng km. Nhiều người phải mang quần áo đi giặt tận ngoài thị trấn Chợ Chu, cách nhà 3 - 4 km. Đánh giá về tính ưu việt của chương trình, ông Đinh Ngọc Trang, một người dân xóm Chùa 2 khẳng định, chính sách đã đến với tất cả mọi nhà, vừa làm thay đổi tích cực vừa tạo điều kiện cho đồng bào vươn lên phát triển kinh tế. Ông Trang phân tích, có những hộ gia đình ở cách xa đường trục chính đến hàng trăm mét nhưng vẫn được quan tâm đầu tư xây dựng đường ống. Người dân 2 xóm trước đây chỉ biết tận dụng tối thiểu nguồn nước suối bằng cách bắc ống nứa cho nước chảy về hộ dùng để sinh hoạt. Tuy nhiên, nứa sẽ nhanh mục mà lại không thể vận chuyển xa và khối lượng lớn cho sản xuất. Như vậy, công trình nước tự chảy hiện nay rõ ràng không những mang đến dáng vẻ hiện đại cho bộ mặt nông thôn mà còn là điều kiện để thúc đẩy sản xuất phát triển.

Được biết, thực hiện chương trình 134, năm 2007, huyện Định Hóa đã giải ngân gần 7 tỉ đồng xây dựng 10 công trình nước sinh hoạt tập trung. 1126 hộ dân hưởng lợi từ chương trình có tổng số vốn đối ứng là 45 triệu đồng. Không thể tranh luận, con số trên khẳng định hiệu quả thiết thực mà chương trình mang lại với sự hồ hởi, phấn khởi đón nhận của đồng bào. Vấn đề đặt ra hiện nay là việc duy trì hoạt động hiệu quả, ổn định cho các công trình. Ông Hứa Đức Dương (Trưởng BCĐ chương trình 134 xã Kim Sơn, huyện Định Hóa) cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của huyện, các xã đều xây dựng đội quản lý công trình. Đội này có trách nhiệm bảo vệ, bảo dưỡng công trình. Mặt khác, đến cuối tháng, các thành viên của đội quản lý tiến hành thu tiền lệ phí dùng nước của các hộ dân. Về việc thu tiền nước, ông Lý Văn Thao (Đội trưởng đội quản lý công trình nước sinh hoạt xã Kim Sơn) cho biết, hiện nay, xã đang thu mức giá 500 đồng/1mét khối nước. Đây là mức mà hầu hết các địa phương khác trong huyện đang thực hiện. Tuy nhiên, để hạn chế việc sử dụng bừa bãi gây lãng phí nguồn nước, việc thu tiền sẽ tính lũy tiến với mức giá cao hơn cho mỗi mức số lượng. Ông Thao cũng vui vẻ thông tin, công trình nước sinh hoạt tập trung của xã Kim Sơn hiện nay có 56 hộ hưởng lợi. Tổng lệ phí thu được hàng tháng đạt trên dưới 300 ngàn đồng. Số tiền trên sẽ được trích phần trăm để chi trợ cấp cho đội quản lý, phần còn lại do UBND xã quản lý, gây quỹ để sữa chữa, tu bổ công trình.

Năm 2008, BCĐ chương trình 134 của huyện Định Hóa đã và đang nỗ lực sử dụng nguồn kinh phí dự toán trên 6 tỉ đồng để xây dựng thêm 8 công trình nước sinh hoạt tập trung. Sẽ có thêm 750 hộ đồng bào dân tộc thiểu số của 14 xóm bản được hưởng lợi từ chương trình này.