Trong khi các ngân hàng thương mại trên địa bàn đang cạnh tranh gay gắt nhằm huy động vốn và thu hút khách hàng thì có một tổ chức tín dụng ở một huyện vùng cao của tỉnh lại đang thầm lặng lo toan lưng vốn cho người nghèo, ấy là Chi nhánh Ngân hàng chính sách- xã hội huyện Võ Nhai. ‘’Cánh tay’’ của tổ chức tín dụng này đã nối dài tới hầu hết các bản làng vùng cao của huyện nhằm giúp các hộ nghèo vượt qua khó khăn.
Từ năm 2004 trở về trước, khi Ngân hàng chính sách- xã hội chưa ra đời, nguồn vốn vay xoá nghèo được giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT. Do ít vốn lại giải ngân dàn trải nên số lượng tiền cho vay đối với mỗi hộ rất thấp. Lúc này, tại xã Thượng Nung mỗi hộ chỉ được vay từ 300 nghìn đến 400 nghìn đồng. Vì thế, việc xoá nghèo là không thật sự khả thi. Từ năm 2004 đến nay, cơ chế của hệ thống ngân hàng cả nước thay đổi, Chi nhánh Ngân hàng chính sách- xã hội huyện tiếp quản và đảm nhận việc cho vay đối với hộ nghèo. Số lượng vay đã nhiều hơn, lãi suất ưu đãi hơn. Ông Phạm Thế Vinh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách huyện Võ Nhai cho biết: Từ khi nhận bàn giao đến nay, chúng tôi đã triển khai 3 loại hình cho vay, trong đó cho vay hộ nghèo với lãi suất 0,65% và lượng tiền mỗi hộ nghèo được vay tối đa là 15 triệu đồng. Với số tiền này, bà con mới có thể đầu tư mua trâu, bò, máy cày và triển khai các mô hình kinh tế khác được. Hiện nay, tổng dư nợ của Ngân hàng cho vay xoá nghèo trong xã đã là 2,1 tỷ đồng, trung bình mỗi hộ được vay khoảng 10 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn vay xoá nghèo của Chi nhánh Ngân hàng chính sách- xã hội Võ Nhai mà số lượng hộ nghèo của xã đã giảm đáng kể. Trong vòng một năm, từ 2006 đến 2007, toàn xã đã giảm được 51 hộ nghèo. Về vấn đề này, ông Phạm Thế Vinh nhận định: Nếu chỉ dựa trên số liệu thoát nghèo nhờ vay vốn chính sách ở xã thì chưa thuyết phục bởi có không ít trường hợp không muốn thoát nghèo vì tiếp tục muốn được hưởng cơ chế lãi suất ưu đãi của Ngân hàng. Như vậy, thực tế số hộ thoát nghèo ở Thượng Nung có thể sẽ cao hơn con số 51.
Theo ông Lương Khánh Tăng, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Thượng Nung thì sự phối hợp của chính quyền địa phương với Ngân hàng là rất chặt chẽ. Ngân hàng đã cho vay uỷ thác qua 4 tổ chức chính trị, xã hội của xã là: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên. Mỗi tổ chức sẽ phụ trách một khu vực trong xã và chia thành 14 tổ vay vốn ở các xóm, bản. Họ có trách nhiệm tuyên truyền, bình xét đối tượng vay vốn, kiểm tra mục đích sử dụng vốn, đôn đốc nộp tiền lãi theo định kỳ, xử lý nợ quá hạn và tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho hộ nghèo. Hiện nay, toàn xã có 217/229 hộ nghèo được vay vốn. Dựa trên cơ cấu kinh tế của xã, các hộ nghèo được vay vốn đã tập trung đầu tư chăn nuôi đại gia súc, trồng chè, trồng rừng và đầu tư các phương tiện cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp...
Tính đến 31-7-2008, tổng vốn cho vay xoá nghèo toàn huyện của Chi nhánh Ngân hàng chính sách- xã hội Võ Nhai là 47 tỷ đồng, trong đó một số xã khó khăn như: Tràng Xá, Dân Tiến, Bình Long, lượng vốn vay luôn giao động từ 6 tỷ đến 8 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy nguồn vốn vay từ loại hình tín dụng chính sách- xã hội như một luồng gió mới len lỏi đến tận những bản làng vùng cao xa xôi nhất của huyện Võ Nhai, giúp đỡ các hộ nghèo ở đây thoát dần khó khăn, vươn lên khá giả.