Thôn Yên Thông nằm ở trung tâm xã, có 156 hộ với 536 nhân khẩu, trên 50% là người dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là dân tộc Tày. Đời sống của nhân dân dựa vào làm nông nghiệp là chính, một số hộ làm dịch vụ và buôn bán nhỏ. Trong mấy năm qua, thôn đã huy động sức dân để xây dựng nhiều công trình phúc lợi: Tổ chức đào đắp, cải tạo 1,5 km đường liên thôn; đóng góp bồi thường hoa màu trị giá 3,5 triệu đồng để thu hồi 1.700m2 đất làm nghĩa trang; 7 triệu đồng để thu hồi đất làm nhà văn hóa. Riêng năm 2008 đã huy động mỗi hộ đóng góp 600.000 đồng để xây dựng nhà văn hóa, được hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 12/11/2008 với khuôn viên rộng 668 m2, gồm 5 gian nhà cấp 4 lợp tôn, giá trị xây dựng 120 triệu đồng.
Mặc dù là địa phương miền núi, nhưng trên địa bàn của thôn có 1 chợ, 5 cơ quan đứng chân, trong đó có Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú với lượng học sinh khá đông. Dọc tuyến tỉnh lộ 246 chạy qua thôn cũng có gần 100 hộ bán hàng, làm dịch vụ. Vì vậy, lượng rác thải xả ra môi trường không hề nhỏ. Do chưa có bãi rác, nhiều hộ dân và cơ quan đã phải xử lý bằng cách đốt gây nên khói và bốc mùi khó chịu, làm ô nhiễm không khí. Nhiều loại rác không đốt được, mọi người thường đem chôn, đổ trên phần đất của nhà mình, không có nơi chôn lấp tập trung. Một số hộ ở mặt đường không có đất để chôn lấp đành xả rác thẳng ra ngoài hoặc đóng bao rồi chở đi vứt ở ven đường, khu vực xa dân cư. Thực trạng đó đã gây nên bức xúc trong bà con nhân dân.
Ông Nguyễn Tuấn Dung, Trưởng thôn Yên Thông suốt 10 năm qua tâm sự: Với điều kiện của địa phương thì không thể trông chờ vào kinh phí đầu tư từ cấp trên để xây dựng bãi chôn lấp rác hoặc khu xử lý rác, vì Định Hóa là huyện miền núi còn nhiều khó khăn. Cách duy nhất là phải vận động nhân dân đóng góp kinh phí và tự làm. Chủ trương của chi bộ và bà con trong thôn đã được Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân xã đồng tình ủng hộ.
Đồng chí Đào Thế Toán, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Phần kinh phí hỗ trợ thì không được nhiều, nhưng xã đã cử các cán bộ chuyên môn giúp thôn lập dự án, làm các thủ tục bồi thường hoa màu và chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất dự trữ sang đất làm bãi chôn lấp rác của thôn. Khu đất được cấp phép có diện tích 4.200m2, nằm trong một thung lũng nhỏ, xung quanh là đồi cọ, liền kề với nghĩa trang của xóm, cách trung tâm xã khoảng 1,5km. Trước kia, đây là đất của HTX Yên Hoà. Hợp tác xã đã giải thể, nhưng trên phần đất đó các hộ xã viên vẫn đang trồng chè, vì vậy phải có kinh phí đền bù. Theo thoả thuận, số tiền đền bù là 6,78 triệu đồng. Đợt 1, thôn đã chi trả được 2 triệu đồng, đang tiếp tục huy động để hoàn thành việc chi trả đền bù và đầu tư san lấp. Theo dự toán, sẽ phải thuê 2 ca máy xúc để đào hố, đắp đập ngăn, tổng chi phí cho công trình khoảng hơn 10 triệu đồng và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng ngay trong quý I/2009.
Khi được hỏi do đâu mà các chương trình vận động của thôn lại được đông đảo nhân dân hưởng ứng như vậy, bà Lường Thị Quyển, một người dân của thôn vui vẻ bộc bạch: “Là vì thấy có lợi cho tất cả dân mình! Hơn nữa, cách làm lại công khai, dân chủ, vì vậy mọi người rất tin tưởng”. Chúng tôi còn được biết thêm, ở đây đã hình thành cái “nếp” là những việc lớn của các gia đình cũng đều nhờ Trưởng thôn đứng ra điều hành, phân công. Mọi người xúm vào, mỗi người một tay giúp sức, vừa tạo nên sức mạnh tập thể, lại vừa tăng thêm sự đoàn kết, gắn bó tình làng nghĩa xóm…
Đồng chí Nguyễn Thị Luyến, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Mặc dù đã có sự đồng thuận của nhân dân, quyết tâm cao của chi bộ, nhưng chúng tôi cũng còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các hộ là thuần nông, kinh tế còn eo hẹp, thôn lại vừa huy động “tổng lực” để xây nhà văn hóa, do vậy cũng phải thực hiện từng bước. Sau khi xong phần thủ tục chuyển đổi đất và đền bù hoa màu, chúng tôi lại tiếp tục vận động bà con đóng góp để đào đắp, xây dựng hoàn chỉnh bãi rác. Rồi còn cơ chế quản lí, cách thức thu gom, xử lí rác. Dụng cụ thu gom, vận chuyển rác hiện cũng chưa có gì. Giá mà cấp trên hỗ trợ được một cái xe đẩy để thu gom, vận chuyển rác thì tốt quá!
Thôn Yên Thông đang từng ngày khởi sắc, mà một phần quan trọng làm nên sự thay đổi đó chính là nhờ sự tự lực của người dân ở đây, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ thôn. Đoàn kết chung tay xây dựng thôn xóm bình yên, khang trang, sạch đẹp cũng góp phần làm cho đời sống vật chất, tinh thần của mỗi người dân ngày càng được cải thiện. Trong thôn hiện đã có 7 hộ mua được máy cày, nhiều nhà xây dựng 2-3 tầng, 83,5% số hộ đạt “Gia đình văn hóa”. Đặc biệt, mấy năm gần đây, phong trào khuyến học của thôn đã thu hút được nhiều người dân tích cực đóng góp, hưởng ứng (năm 2007 đã thu quỹ được hơn 4 triệu đồng). Đến nay, cả thôn đã có 17 cháu đỗ vào các trường đại học hệ chính quy trong cả nước.
Quay lại vấn đề vì sao thôn Yên Thông làm được bãi chôn rác, điều mà ít thấy thôn, xóm nào trong tỉnh đã làm được? Qua tìm hiểu chúng tôi được biết điểm mấu chốt là phải làm cho mọi người nhận thức đúng đắn về việc bảo vệ môi trường để họ tự giác thực hiện. Gìn giữ, bảo vệ môi trường cũng là góp phần bảo vệ sức khoẻ, mang lại cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho gia đình và toàn xã hội.