Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 22 doanh nghiệp chủ yếu tham gia các mặt hàng xuất khẩu. Thế nhưng, số doanh nghiệp tiếp cận được với vốn tín dụng xuất khẩu không nhiều (năm 2007 là 4 doanh nghiệp, năm 2008 cũng 4 doanh nghiệp).
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, quy định vay vốn tín dụng xuất khẩu cũng tương đối chặt chẽ: Về đối tượng, là nhà xuất, nhập khẩu có hợp đồng xuất, nhập khẩu hàng hoá thuộc danh mục các mặt hàng xuất khẩu do Chính phủ quy định (bao gồm 11 mặt hàng thuộc nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản; 6 mặt hàng thuộc nhóm hàng thủ công mỹ nghệ; 8 mặt hàng thuộc nhóm sản phẩm công nghiệp và nhóm mặt hàng máy tính nguyên chiếc, phụ kiện máy tính và phần mềm tin học). Điều kiện cho vay phải thuộc các đối tượng trên; nhà xuất khẩu đã ký kết hợp đồng xuất khẩu; nhà nhập khẩu có hợp đồng nhập khẩu đã ký kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế Việt Nam; phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả; có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự đầy đủ; nhà xuất khẩu phải thực hiện các quy định về đảm bảo tiền vay, phải mua bảo hiểm tại một Công ty bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản hình thành từ vốn vay thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc trong suốt thời hạn vay vốn; nhà nhập khẩu được Chính phủ hoặc Ngân hàng T.W nước bên nhà nhập khẩu bảo lãnh vay vốn. Mức cho vay tối đa bằng 85% giá trị hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu đã ký hoặc giá trị L/C đối với cho vay trước khi giao hàng hoặc trị giá hối phiếu hợp lệ đối với cho vay sau khi giao hàng; thời hạn cho vay không quá 12 tháng.
Với Thái Nguyên, các mặt hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu là chè, tinh bột sắn (mặt hàng mới đề nghị bổ sung). Đối chiếu với danh mục nhóm các mặt hàng được vay vốn tín dụng xuất khẩu, Chi nhánh đã xây dựng kế hoạch cho vay hằng năm phù hợp với thực tế (và cũng chỉ mới cho vay đối với các nhà xuất khẩu, còn cho vay nhập khẩu chưa thực hiện). Vì vậy, năm 2007 Chi nhánh xây dựng dự nợ bình quân 12 tỷ đồng (đã thực hiện 100% kế hoạch), năm 2008 là 15 tỷ đồng (đã thực hiện đạt kế hoạch). Năm 2009, thực hiện chủ trương đẩy mạnh cho vay xuất khẩu, Chi nhánh đã xây dựng kế hoạch dư nợ bình quân là 20 tỷ đồng. Riêng năm 2008 tuy rất khó khăn về vốn do thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát, giảm hạn mức tín dụng, song Chi nhánh vẫn đáp ứng nguồn vốn vay cho các đơn vị (Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trung Nguyên; Công ty cổ phần Sơn Lâm; Công ty cổ phần chè Hà Thái; Công ty TNHH chế biến nông sản chè Thái Nguyên với dư nợ đến tháng 10-2008 là 12 tỷ 455 triệu đồng, mức lãi suất cho vay tuỳ theo từng thời điểm (cao nhất là 1,35%/tháng; thấp nhất là 0,75%/tháng).
Cùng tham gia cho vay các mặt hàng xuất khẩu trên địa bàn còn có Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển Thái Nguyên cũng đã có cơ chế riêng về lãi suất cho các đơn vị chuyên làm hàng xuất khẩu như Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (sản phẩm may mặc), Công ty chè Tín Đạt (Đại Từ ) và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thái Nguyên (sản phẩm chè)… với lãi suất giảm hơn là 14%/năm (các doanh nghiệp khác là 15%).
\Như vậy, việc các doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn tín dụng xuất khẩu là do các doanh nghiệp chưa có đủ điều kiện nêu trên hoặc chưa tìm hiểu hết thủ tục để tiếp cận dẫn đến "khó" tiếp cận nguồn vốn. Đây là vấn đề các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước khi tham gia các nhóm mặt hàng xuất khẩu Nhà nước khuyến khích, nhằm giảm bớt chi phí của doanh nghiệp.