Bản Quyên bảo tồn văn hóa dân tộc Tày

13:47, 22/12/2008

Tại Bản Quyên, Điềm Mặc, Định Hóa người dân vẫn gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc Tày: Nhà sàn, ngôn ngữ, văn hóa sinh hoạt cộng đồng, công cụ lao động... Những giá trị văn hóa truyền thống này sẽ được bảo tồn và phát huy  phục vụ phát triển kinh tế địa phương.

Làng văn hóa Tày tiêu biểu

Bản Quyên có 158 nhân khẩu sinh sống trong 32 mái nhà trong đó có 15 ngôi nhà sàn được xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống dân tộc Tày. Ngôi nhà sàn của cụ Ma Đình Hàm người dân tộc Tày được xây dựng cách đây đã gần 30 năm là ngôi nhà sàn đặc trưng nhất. Hằng ngày, 4 thế hệ trong gia đình cụ vẫn sinh hoạt trên ngôi nhà sàn này. Ngôi nhà của cụ Hàm được tổ chức đúng như một ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày với sự phân chia nhiều khu vực vào những công việc khác nhau như khu vực thờ tổ tiên, khu vực tiếp khách, khu bếp, khu chứa lương thực, nông cụ...

Nhà được làm từ các chất liệu sẵn có ở địa phương và được xây dựng 5 gian 2 chái với vì kèo nhiều hàng cột kê cao để tránh thú dữ, xung quanh nhà che bằng liếp nứa, sàn nhà rải vầu, 4 mái nhà lợp lá cọ. Qua quãng thời gian dài tồn tại, phần vách, mái và sàn nhà đã được thay mới nhiều lần nhưng những cây cột trụ và vì kèo vẫn còn nguyên và được in dấu thời gian với màu xám đen rắn chắc thậm chí nhiều chỗ đen bóng như vừa được qua tay thợ. Cụ Hàm năm nay đã 77 tuổi, cụ có 11 người con trưởng thành và 10 người con đã ra ở riêng. Một vài người con của cụ khi ra ở riêng cũng gây dựng cho mình một ngôi nhà sàn truyền thống với tâm nguyện gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa ông cha để lại.

Cụ Hàm cho biết: “Ngôi nhà sàn là nơi ghi dấu những sự kiện quan trọng của gia đình và dòng họ vì vậy tôi và con cháu sẽ gìn giữ như là một sự tưởng nhớ đến tổ tiên và để giáo dục truyền thống cho thế hệ sau”. Mỗi dịp xuân về, ngôi nhà sàn của cụ Hàm lại là nơi hội tụ của con cháu để hưởng thụ thành quả sau một năm làm việc và cùng chia sẻ công việc gia đình, kinh nghiệm làm kinh tế.

Không chỉ đặc trưng bởi những nếp nhà sàn truyền thống, nhiều giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể khác cũng được người dân ở đây gìn giữ, phát huy. Tiêu biểu phải kể đến là văn hóa ngôn ngữ giao tiếp, văn hóa ẩm thực và văn hóa sinh hoạt cộng đồng. Tại Bản Quyên, 100% người dân đều biết nói tiếng quốc ngữ nhưng trong sinh hoạt hằng ngày, bà con vẫn sử dụng tiếng Tày như là ngôn ngữ chính thức để giao tiếp. Trong những dịp lễ, hội đặc biệt là lễ Lồng tồng đầu năm, người dân Bản Quyên vẫn thường làm những món ăn truyền thống và biểu diễn nhiều tiết mục hát Lượn, hát Cọi, múa Chầu, đàn Tính, tham gia các trò chơi dân gian như Tung còn, Đánh vật, thi giã bánh dày…

Nhiều gia đình trong xóm Bản Quyên còn giữ lại được các công cụ lao động, săn bắn như cày bừa, dao, cuốc, cung, nỏ, bẫy thú, khung cửi và các công cụ phục vụ sinh hoạt như cối dã gạo bằng gỗ, mâm gỗ, đồ chưng cất rượu… Mặc dù hầu như những công cụ trên đã không còn được sử dụng do không phát huy hiệu quả hoặc có công cụ hiện đại thay thế nhưng những vật dụng này vẫn được gìn giữ như là những nét văn hóa đặc sắc của người Tày Bản Quyên.

Ông, Vũ Văn Thăng, cán bộ văn hóa xã Điềm Mặc cho biết “Người dân Bản Quyên luôn luôn có ý thức gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với quan niệm việc làm đó là để thể hiện sự tôn kính đối với thế hệ trước”. Cùng với đó, người dân Bản Quyên luôn có ý thức xây dựng tập thể, Bản Quyên đã 3 năm liên tục được công nhận Làng văn hóa với trên 70% hộ đạt Gia đình văn hóa; trong cuộc sống, bà con cũng luôn có ý thức giúp đỡ nhau vì vậy mà xóm không có hội dưới nghèo, tỷ lệ hộ ngèo đang giảm mạnh.

Bảo tồn và nhân rộng làng Văn hóa Bản Quyên

Với những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu như trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Bản Quyên là Làng truyền thống tiêu biểu dân tộc Tày đồng thời Bộ cũng ký văn bản thỏa thuận Dự án đầu tư bảo tồn làng văn hóa truyền thống Bản Quyên theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về Văn hóa giai đoạn 2006-2010 của Chính phủ. Dự án này đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình UBND tỉnh xét duyệt. Dự án do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư thực hiện theo từng giai đoạn khác nhau đến hết năm 2015 sẽ hoàn thành toàn bộ.

Theo đó, toàn bộ các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể của Bản Quyên như nhà sàn, nhà văn hóa cộng đồng, nghề thủ công (dệt, thêu, đan lát, mộc…), các nghi lễ, lễ hội, hát dân ca… sẽ được đầu tư tôn tạo, phục hồi. Công trình khi hoàn tất sẽ phát huy giá trị phục vụ bảo tồn văn hóa làng, bản truyền thống tiêu biểu, góp phần nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa, thể thao và quảng bá du lịch, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Theo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mô hình bảo tồn làng văn hóa truyền thống Bản Quyên sẽ là mô hình thí điểm để hướng tới áp dụng thực hiện đối với các làng cổ khác trong tương lai. Tuy nhiên, để dự án thực hiện thành công thì không chỉ cần sự nỗ lực của chủ đầu tư mà còn rất cần sự ủng hộ từ phía nhân dân địa phương bởi người dân chính là đối tượng tham gia dự án và là người phát huy hiệu quả của Dự án.