Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” được triển khai ở huyện Định Hóa từ năm 2006, sau gần 3 năm (2006- 2008) phát động và tổ chức thực hiện phong trào, đã có 679 hộ nông dân đạt tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đạt 21,83% số hộ đăng ký tham gia, trong đó cấp tỉnh 38 hộ, cấp huyện 159 hộ và cấp xã là 482 hộ.
Tuy nhiên, khi trao đổi những khó khăn ban đầu mà Hội Nông dân vận động các hộ tham gia phong trào, anh Triệu Đình Giáp, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Định Hóa cho biết:
Để có được kết quả trên là sự nỗ lực của các cấp chính quyền và Hội Nông dân vì lâu nay người nông dân ở đây chỉ quen với việc sản xuất tự cung tự cấp. Khi vận động họ tham gia vào phong trào chúng tôi mất khá nhiều thời gian. Ban đầu chỉ có vài hộ đăng ký tham gia nhưng sau nhờ tính kiên trì, nỗ lực, cố gắng của Hội, của các ban, ngành, đoàn thể các cấp đi sâu, đi sát đến từng hộ gia đình vận động nên số hộ đăng ký tham gia phong trào cũng từ đó được nâng lên về số lượng.
Nhằm tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất, kinh doanh những năm qua, Hội đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Công ty Cổ phần vật tư nông nghiệp, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật qua các lớp tập huấn, dạy nghề; cung ứng vốn, giống, vật tư và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; xây dựng hàng trăm mô hình trình diễn, hội thảo đầu bờ; tạo điều kiện cho một số hộ đi tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong và ngoài huyện. Ký hợp đồng với Chi nhánh vật tư nông nghiệp huyện, tỉnh và ngoài tỉnh cung ứng phân bón các loại theo phương thức trả chậm.
Hội cũng vận động nông dân tham gia các chương trình dự án Quốc gia, các chương trình, đề án phát triển kinh tế nông- lâm nghiệp của huyện. Nhờ đó, nhiều hộ nông dân đã chủ động liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, công ty ngoài huyện để tìm nguồn vốn, KHKT hỗ trợ đầu tư vào sản xuất kinh doanh, bao tiêu và tiêu thụ sản phẩm. Do đó, phong trào đã phần nào tác động đến nhận thức của các hộ nông dân trong việc nâng cao trình độ sản xuất, năng lực quản lý kinh doanh và khả năng tiếp cận thị trường của người nông dân. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi: Gia đình ông Lưu Đức Chiều xã Quy Kỳ đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang trồng măng tre bát độ, nuôi lợn nái ngoại cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Hay mô hình sản xuất tổng hợp (trồng rừng, nuôi lợn, trâu, bò) cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm của hộ gia đình ông Phan Công Suất, xã Phúc Chu…
Cũng theo anh Giáp, bên cạnh kết quả đạt được, Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi" còn những mặt hạn chế cần khắc phục như: Việc phát hiện, thẩm định, xây dựng các điển hình tiên tiến chưa được quan tâm thực hiện đúng mức; một số hộ nông dân còn e ngại trong việc truyền đạt kinh nghiệm và báo cáo thành tích về kết quả sản xuất, kinh doanh của gia đình mình; thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá không ổn định, phần lớn giá cả bị phụ thuộc vào tư thương; vấn đề an toàn dịch bệnh, vệ sinh, ô nhiễm môi trường chưa được quan tâm triệt để...
Để khắc phục những hạn chế, nỗ lực phấn đấu đạt được các mục tiêu phát động của phong trào Hội Nông dân Định Hóa đã đưa ra các giải pháp: Vận động nông dân phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, tăng cường áp dụng các biện pháp KHKT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề theo hướng sản xuất hàng hoá; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp để tín chấp vật tư, phân bón, giống, vốn, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nông dân; khuyến khích các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, các điển hình tiên tiến để xây dựng mô hình kinh tế trang trại...