Mặc dù Tân Đức là xã miền núi, thuần nông, nằm ở phía Nam của huyện Phú Bình, nhưng vài năm trở lại đây, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên đời sống của người dân đã ấm no hơn nhiều. Đến Tân Đức vào đúng phiên chợ, chứng kiến cảnh nhộn nhịp, tấp nập của người bán, người mua với đủ loại hàng hoá, sẽ cảm nhận cuộc sống của người dân nơi đây đang thay đổi từng ngày.
Khu chợ rộng gần 1ha nhưng chỗ nào cũng kín người bán hàng. Tuy việc sắp xếp khu vực bán hàng không khoa học, quy củ như ở thành phố nhưng người đi chợ cũng không mấy khó khăn khi tìm mua những thứ mình cần. Tôi tò mò len chân đến những cửa hàng bán quần áo, chăn màn, ga đệm. Có lẽ vì gần Tết nên người mua, bán có phần đông hơn ngày thường. Bà Nguyễn Thị Nụ, người dân xã Tiến Thắng, huyện Tân Yên, Bắc Giang cho biết: Nhà tôi chỉ cách Tân Đức 3km nên 1 năm trở lại đây, hầu như tháng nào tôi cũng sang đây đi chợ 3-4 lần. Hàng hoá ở đây vừa rẻ, vừa nhiều lại không bị nói thách. Bà Nụ cầm chiếc áo nhung lên khoe: Chỉ 2-3 năm trước, muốn mua được chiếc áo đẹp thế này thì phải lên chợ huyện. Còn nay, không chỉ có áo quần đẹp, mà ngay cả đồ điện tử, điện lạnh và xe máy cũng có thể mua tại đây.
Quả là, cuộc sống của người dân nơi đây đã đổi thay rất nhiều. Tìm lời giải cho sự thay đổi này, chúng tôi được đồng chí Đào Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đức thông tin: Mặc dù Tân Đức vẫn thuần nông, nhưng vài năm trở lại đây, nhờ áp dụng tiến bộ KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi nên đời sống của người dân đã ấm no hơn nhiều. Hầu hết các gia đình đều phát triển song song trồng trọt và chăn nuôi để giảm chi phí đầu vào: Nuôi trâu, nuôi lợn để lấy phân bón cho cây; trồng ngô, trồng sắn để làm thức ăn cho trâu, bò, lợn, gà. Với những hộ đất chật, người đông thì phát triển thêm nghề phụ. Hiện, trong xã có 115 hộ làm dịch vụ, 50 hộ làm nghề mây tre đan, hơn 30 hộ làm mỳ, bún.
Cùng với đó, xã đã tích cực, chủ động tìm dự án về trồng trọt, chăn nuôi để triển khai tới dân. Điển hình như Dự án Trồng dưa chuột xuất khẩu với Công ty TNHH Vạn Đạt ở tỉnh Hải Dương. Dự án được triển khai năm 2005. Ban đầu có rất ít hộ tham gia vì người dân chưa tin vào hiệu quả mà cây dưa mang lại. Họ sợ cây dưa lại rơi vào tình cảnh không có đầu ra như cây thanh hao hoa vàng. Thế nên, để thuyết phục người dân, lãnh đạo xã đã phải vận động gia đình các cán bộ xã, xóm và đảng viên các chi bộ tiên phong trồng. Qua 1, 2 vụ đầu, thấy hiệu quả mang lại cao (1,7 triệu đồng/sào/3 tháng) mà kỹ thuật chăm sóc lại đơn giản nên nhiều người dân tự tìm đến UBND xã đăng ký mua giống về trồng. Đến nay, gần trăm gia đình trong xã đã tham gia, trồng với diện tích trên 20ha.
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi lợn, gà theo mô hình kinh tế trang trại cũng được xã đặc biệt chú trọng. Để người dân thấy được hiệu quả cũng như cách làm từ việc chăn nuôi theo mô hình kinh tế trang trại, xã đã tạo điều kiện để 5 hộ dân đầu tiên trong xã đăng ký phát triển kinh tế theo mô hình trang trại được vay vốn, đồng thời, phối hợp với Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện giúp đỡ về kinh nghiệm, KHKT. Từ các mô hình kinh tế này, nhiều hộ dân đã học tập, làm theo. Hiện, xã có hơn 300 hộ chăn nuôi với số lượng từ 30-100 con lợn/lứa hoặc thường xuyên có từ 100-300 con gà, cho thu nhập trung bình từ 30-50 triệu đồng/năm. Ngoài ra, Tân Đức còn có 7 lò ấp gia cầm, đủ để cung cấp giống cho người dân trong xã cũng như cho các xã lân cận.
Song song với việc chú trọng phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, công tác xoá đói giảm nghèo cũng là lĩnh vực luôn được các cấp uỷ đảng ở Tân Đức quan tâm. Năm 2007, Tân Đức giảm được 79/465 hộ nghèo; năm 2008, con số này là 75/386 hộ thoát nghèo (giảm 4,3%). Kinh tế ngày một phát triển, người dân vì thế có điều kiện hơn để chăm lo đến việc học tập của con em. Đồng chí Chủ tịch UBND xã Dương Văn Hiển khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi cho biết, trong kỳ thi đại học vừa qua, Tân Đức có tới 29 em thi đỗ nguyện vọng 1 vào các trường đại học chính quy trong cả nước. Các trường: Tiểu học, THCS của xã đều đã đạt chuẩn. Trường Mầm non cũng đang phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2010.
Vẫn biết, từ bao đời nay, cuộc sống của người nông dân vẫn gắn với 2 từ "lam lũ" và Tân Đức cũng không nằm ngoài cái chung ấy. Hiện, xã còn hơn 300 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 16%) nhưng những đổi thay ở nơi đây, đã và đang đánh dấu sự đúng đắn trong việc lãnh chỉ đạo của các cấp uỷ đảng cũng như sự đoàn kết, nỗ lực vươn lên của người dân.