Hàng trăm năm trước, một số hộ dân tộc Sán Dìu từ Quảng Đông, Trung Quốc qua Quảng Ninh, Vĩnh Phúc về xóm Thác Lở, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) cư trú. Qua bao thăng trầm của thời gian, nhờ sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm người dân nơi đây đã có cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc.
Thay vì phải đi trên con đường đất đỏ gồ gề sỏi đá, xe chúng tôi bon bon theo con đường bê tông phẳng phiu vào xóm Thác Lở. Xa xa, những ngôi nhà xây cao tầng khang trang được lăn sơn đủ mầu ánh lên trong nắng ban mai như điểm tô cho miền quê này một vẻ đẹp rất riêng: Vừa hiện đại vừa thôn dã. Đang vào vụ cấy lúa xuân nên trên những cánh đồng của xóm Thác Lở tấp nập người đi lại gánh mạ, bắt nước... Nhìn những đoạn mương đã được bê tông hóa, ngắm chiếc máy cày đang chạy ầm ì trên đồng ruộng, chúng tôi hiểu, cơ khí hóa đã về với bà con nông dân nơi miền quê này.
Chúng tôi đang loay hoay lội xuống mảnh ruộng gần đó chụp ảnh thì một bác nông dân trạc ngoài 50 tuổi tiến đến hỏi thăm: Các chị là nhà báo tỉnh về có phải không? Tôi là Trưởng xóm Thác Lở, các chị muốn lấy thông tin gì, tôi sẽ cung cấp. Nghe bác nói, cô bạn đồng nghiệp cùng đi với tôi nói như reo lên: May quá, chúng cháu đang muốn tìm gặp bác để tìm hiểu về cuộc sống của bà con nơi đây.
Vậy là bờ ruộng thành nơi để chúng tôi trò chuyện cùng bác Chu Viết Sinh, người Trưởng xóm tâm huyết của vùng quê Thác Lở. Bác Sinh trước từng là Thường trực Đảng uỷ xã Cao Ngạn, sau khi về nghỉ, bác lại được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng xóm. Khi nói về quê hương mình, bác Sinh nói rất say sưa, trong ánh mắt bác đong đầy niềm vui: Các chị thấy đấy, cuộc sống của người dân nơi đây đang đổi khác từng ngày. Xóm có 150 hộ dân (137 hộ là người đồng bào dân tộc Sán Dìu) là từng ấy hộ đã xây được nhà kiên cố; trên 80% số hộ có xe máy; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 7 triệu đồng/người (năm 2008), tăng 2 triệu so với năm 2007; 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn để cập nhật thông tin trong tỉnh, trong nước, thế giới…; xóm chỉ còn 7 hộ nghèo. Thấy chúng tôi trầm trồ về những con số mà bác Sinh vừa đưa ra, bác nói: Người dân chúng tôi phải vất vả lắm mới có được thành quả của ngày hôm nay.
Qua lời kể của các cụ già trong xóm, chúng tôi được biết miền quê Thác Lở đã có trên 200 năm tuổi. Ngày ấy, một số hộ đồng bào dân tộc Sán Dìu đã vượt ngàn trùng từ Quảng Đông (Trung Quốc), qua Móng Cái (Quảng Ninh) rồi về chân núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc) lập làng, gây dựng cơ nghiệp. Hồi đó cuộc sống ở Vĩnh Phúc quá khó khăn nên một số hộ dân lại tiếp tục di cư về Thác Lở sinh sống. Đồng đất nơi đây được con sông Cầu thơ mộng bồi đắp phù sa nên màu mỡ đã giữ chân bà con. Đời này nối tiếp đời kia, lớp cháu con ở Thác Lở ngày một sinh sôi.
Tìm hiểu về đời sống kinh tế của bà con nơi đây, chúng tôi hiểu, để có được cuộc sống ổn định như ngày hôm nay, đồng bào dân tộc Sán Dìu nơi đây đã phải chịu biết bao khó nhọc khi xóm có gần 20 ha đất cấy lúa, trồng màu thì có tới một nửa diện tích ấy bị ngập úng khi mùa mưa bão tới, nhưng lại khô hạn mỗi khi đông về. Thêm vào đó, lối canh tác lạc hậu vẫn còn hằn sâu trong tư duy của không ít hộ dân. Bởi thế, 10 năm trước, khó nghèo cứ bám riết lấy bà con. Giống ngô, lúa địa phương được đưa vào gieo trồng chỉ cho năng suất rất thấp: năng suất lúa đạt trên 30 tạ/ha; năng suất ngô đạt trên dưới 20tạ/ha; trồng cây màu vụ đông chưa được các hộ dân chú trọng. Rồi cán bộ khuyến nông huyện về vận động bà con đưa các giống lúa, ngô lai như lúa Khang dân 18, lai hai dòng, Q5, TH 3-3; ngô Biosit, NK 4300, NK66… vào gieo trồng; áp dụng các tiến bộ KHKT vào chăm sóc cây trồng, chăn nuôi. Ban đầu bà con còn nghi ngờ, nhưng thấy gia đình các đảng viên tiên phong trồng và ứng dụng KHKT vào trồng trọt (như gieo cấy mạ khay, gieo sạ), chăn nuôi cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, nên bà con đã đồng lòng hưởng ứng. Nay, năng suất lúa của xóm đã đạt 45-46tạ/ha. Nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư máy cày phục vụ sản xuất góp phần giảm sức lao động. Theo đó, thay vì để đất trống mỗi khi đông về, bà con đã đầu tư trồng cây màu như rau xanh, đậu đỗ các loại, lạc… và đây được coi là vụ sản xuất chính, cho thu nhập cao nhất trong năm của bà con. Để khắc phúc tình trạng không chủ động được nguồn nước tưới, dù lúc đó, đời sống rất khó khăn bà con vẫn đồng lòng bỏ tiền của, công sức ra cùng Nhà nước kiên cố kênh mương dẫn nước từ trại bơm Gốc Vải về xóm nên hôm nay, người dân xóm Thác Lở đã không còn lo thiếu nước cấy, dưỡng lúa, chăm sóc cây màu…
Những năm gần đây, để tăng thu nhập, nhiều hộ dân đã đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô khá lớn thay vì chỉ chăn nuôi để cải thiện bữa ăn gia đình như trước đây. Hiện, trong xóm có khoảng 120 con lợn nái, 580 con lợn bột và 3.000 con gia cầm các loại. Một trong những gia đình phát triển chăn nuôi mạnh của xóm là bác Lê Quang Hải. Mỗi năm, gia đình bác Hải xuất chuồng trên 20 con lợn bột, cho thu nhập trên 10 triệu đồng. Là xóm thuần nông nhưng nhờ thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế nên cuộc sống của người dân nơi đây đã ngày càng ổn định. Kinh tế phát triển, năm 2006, người dân đã có điều kiện đóng góp tiền, ngày công lao động kiên cố được 2,2/3,6km đường giao thông nông thôn, giúp việc đi lại, thông thương hàng hóa dễ dàng nên bộ mặt nông thôn nơi đây ngày một đổi mới.
Khi tìm hiểu về giáo dục ở Thác Lở, chúng tôi thấy người dân ở đây cũng đã có những suy nghĩ rất mới. Theo bác Sinh, trước đây, do suy nghĩ cổ hủ nên nhiều gia đình ở Thác Lở bắt con nghỉ học sớm để ở nhà giúp bố mẹ. Nhưng 5 năm nay, trẻ em trong xóm đến tuổi đều được đi học, các cháu càng học lên cao, càng được gia đình tạo điều kiện về thời gian. Nay trong xóm đã có hàng trăm cháu học hết THPT, trong đó có khoảng 30-40 cháu đã tốt nghiệp hoặc đang theo học tại các trương trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học...
Rời xóm Thác Lở, trong tôi bỗng nhen lên niềm vui khó tả. Vâng! có được cuộc sống no ấm hôm nay chính là nhờ tư duy, nhận thức của đồng bào dân tộc Sán Dìu nơi đây đã đổi thay.