Thực hiện Nghị quyết lần thứ XVII của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh, trong 2 năm trở lại đây, Sở Khoa học và Công nghệ đã khuyến khích, trợ giúp nhiều nông dân để có thêm nghề mới, tăng thu nhập. Sự trợ giúp này bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn xây dựng được mô hình kinh tế cho thu nhập cao...
Hiện tại trong các siêu thị hay chợ đầu mối của 9 huyện, thành, thị rất sẵn những mặt hàng nấm thực phẩm như: Mộc nhĩ, sò, mỡ, linh chi với giá hợp lý nhưng chất lượng đảm bảo. Điều đáng chú ý hơn là khi tìm hiểu qua một số chủ sạp hàng về những mặt hàng này, họ đều thông tin cho chúng tôi biết vài năm trước nhiều loại nấm tươi, nấm khô phải mua từ Lạng Sơn, Vĩnh Phúc hay nhập khẩu từ Trung Quốc với giá cao thì giờ tại thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ), Văn Yên (Đại Từ), Lam Vĩ (Định Hóa), Túc Duyên (T.P Thái Nguyên)... có nhiều hộ chuyên sản xuất nấm nên muốn mua loại nào, số lượng bao nhiêu cứ đến những địa chỉ nêu trên.
Trồng, chế biến một số loại nấm thực phẩm thành công trên địa bàn tỉnh đã được khẳng định bằng việc ra đời các HTX chuyên trồng nấm với hàng trăm xã viên như: HTX trồng, chế biến nấm Chùa Hang, HTX sản xuất nấm linh chi T.X Sông Công, các tổ hợp tác sản xuất nấm ở Đại Từ, T.P Thái Nguyên... Ông Trần Mạnh Hải, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) tâm sự với chúng tôi: Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học được thực hiện ở rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề nhưng những năm gần đây chúng tôi ưu tiên hỗ trợ các hộ nông dân về quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản. Riêng với Dự án trồng các loại nấm thực phẩm, các hộ nông dân tham gia được chuyển giao kỹ thuật miễn phí, một số mô hình điểm còn được hỗ trợ ban đầu về giống, nhà xưởng, chế phẩm sinh học EM để làm phân bón. Dự án phát triển thành công, nông dân có thêm nghề mới để tăng thu nhập và điều đó là niềm vui, sự động viên rất lớn với những người làm công tác khoa học.
Không chỉ có các mô hình trồng nấm thực phẩm thành công mà hiện nay Sở Khoa học và Công nghệ đã, đang trực tiếp giúp đỡ một số hộ nông dân ở Phú Bình, Đồng Hỷ, T.P Thái Nguyên xây dựng mô hình trồng hoa chất lượng cao, mô hình nuôi thủy sản và một số mô hình trồng, nuôi các loại cây trồng, vật nuôi giống mới khác. Những mô hình này đã khẳng định được hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn cho môi trường và có khả năng nhân rộng. Cụ thể từ 5 mô hình thí điểm trồng hoa đồng tiền kép trong nhà lưới tại phường Túc Duyên, xã Quyết Thắng được các cơ quan chuyên môn của tỉnh giúp đỡ nông dân thực hiện từ năm 2007, đến nay, T.P Thái Nguyên đã có gần 30 hộ chuyên sản xuất loại hoa này với thu nhập từ 40 tới 60 triệu đồng/sào/năm. Đặc biệt mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ đã trực tiếp giúp đỡ một số hộ dân ở Đồng Hỷ, T.P Thái Nguyên trồng thành công giống hoa Ly với mức thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng/sào/năm. Theo quan điểm của đồng chí Nguyễn Văn Vị, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thì Nhà nước, nhà khoa học chỉ có thể giúp đỡ nông dân tiếp cận và trực tiếp thực hiện thành công mô hình điểm. Sau đó từ những mô hình điểm sẽ thu hút được các nông dân khác tới học tập kinh nghiệm để nhân rộng.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao và phải thừa nhận để có được những thành công này thì công sức người nông dân bỏ ra là chính. Nhưng có công sức trực tiếp hoặc gián tiếp của các nhà khoa học và việc ghi nhận, biểu dương kịp thời những đóng góp thầm lặng này là hết sức cần thiết.