Thành công do mạnh dạn và năng động

09:45, 21/02/2009

Từ một nông dân chuyên trồng rau xanh phục vụ thị trường thành phố Thái Nguyên, nhờ năng động trong cách nghĩ, cách làm, anh Dương Văn Bằng, xã Huống Thượng, Đồng Hỷ đã chuyển sang trồng hoa cho thu nhập cao, trở thành mô hình kinh tế điển  hình của xã.

 - Hoa Ly ở đâu ra mà đẹp thế, nhiều thế nhỉ?

Đi chợ Tết năm nay, tôi nghe nhiều người thắc mắc như thế khi thấy hoa Ly bày bán tăng nhiều lần so với những năm trước. Chậu hoa Ly 5 cây, 7 cây bán chạy nhất, mỗi cây 50- 60 nghìn đồng.

Tôi đã tìm ra "nguồn" hoa ảnh hưởng mạnh đến chợ Tết Thái Nguyên này, đó là từ gia đình anh Dương Văn Bằng, xóm Cậy, xã Huống Thượng, huyện Đồng Hỷ.

 

Khi tôi có mặt ở nhà anh Bằng, "mảnh đất vàng" vừa "đẻ" ra “đống” tiền đã  được cày lên một lượt, đổ thêm đất phù sa nhằm tăng độ phì nhiêu. Quanh căn nhà xây vững chãi là những luống hoa đồng tiền rực rỡ dưới nắng chiều. Chị Ngát đang tỉa hoa bán giao, mỗi ngày hái tỉa như thế cũng được gần 200 bông, bán buông tay cho hàng hoa bán lẻ, thu về hơn trăm nghìn.

 

Nhìn chị Ngát tươi không kém những bông hoa chị đang ôm trên tay, tôi bỗng thèm là người trồng hoa. Chăm bẵm và nâng niu cái đẹp của thiên nhiên, công việc của người nông dân như thi vị hơn, nhẹ nhàng hơn thì phải.

 

Giờ thì anh chị Bằng đã thành người khá giả. Tiện nghi trong nhà sáng choang, đầy đủ, mấy bình hoa Ly tươi rói đặt trên bàn nước, góc cửa, "của nhà làm ra" có khác.

 

Anh Bằng chẳng giấu bí quyết "thắng" vụ hoa Ly của anh. Mà cũng chẳng có gì bí mật cả: "thấy tôi làm nhà che kín mít, có người bảo tôi giấu nghề, nhưng có phải đâu, vì trời rét quá mà phải làm thế thôi" - Anh kể.

 

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất chuyên trồng rau, anh Bằng cũng kế nghiệp rau màu của gia đình. Thôi thì mùa nào thức ấy: Đỗ Hà Lan, bắp cải, ngô ngọt…, so với cấy lúa thì trồng rau hiệu quả hơn nhưng cũng vất vả. 4 năm trước, một lần đến chơi nhà bạn bè, thấy người ta trồng hoa, anh Bằng nảy ý định trồng hoa. Anh bảo vợ "vét" tiền nhà được 10 triệu đồng đi Lạng Sơn mua 1.500 cây hoa đồng tiền cấy mô giống của Trung quốc. - Lúc ấy là liều lắm đấy- Anh bảo - vì vốn liếng nhà nông chả có mấy, lại chưa trồng hoa bao giờ. Nhưng thị trường T.P lúc đó chưa có Đồng tiền cấy mô (hoa đẹp, tươi màu, bền cây), chỉ sau 5 tháng, 1.500 cây hoa đồng tiền đã khẳng định ưu thế hơn hẳn so với trồng rau: Ít phân, ít tưới, tiêu thụ dễ. Cây đẻ thành khóm, chả mấy chốc anh đã có hơn 2.000 khóm Đồng tiền. Ngày ngày tỉa bán là có trăm nghìn, không giàu nhưng chi tiêu xông xênh, lại nhàn.

 

Nhưng anh Bằng chưa muốn dừng ở đó. Anh lân la tìm hiểu một loại hoa cao cấp là Ly Hà Lan. Anh lại đi Lạng Sơn, mua thử 3 gốc về trồng, hoa nở anh đặt ở góc nhà, ai vào cũng khen hoa đẹp và thơm. Năm 2006, anh cấy thử 100 cây, năm sau anh cấy 300 cây, năm 2008 anh "làm" hẳn 4.000 cây.

 

Rót thêm tuần nước mời khách, anh Bằng bảo: Thú thực, ban đầu tôi định uơm 2.000 cây thôi nhưng chị Mai (cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) động viên tôi tham gia dự án của tỉnh, nếu trồng đến 4.000 cây thì sẽ được nhà nước hỗ trợ 40% tiền giống và 20% chi phí làm nhà trồng hoa. Tôi mừng quá, ký hợp đồng tham gia dự án, mua luôn 4.000 cây hoa giống của Viện Rau quả TW. Rồi tôi mày mò làm nhà ni lông theo bản thiết kế của Viện, xung quanh chăng lưới chống côn trùng. Anh Bằng nhẩm tính: 52 triệu giống cộng với 25 triệu làm nhà, bán trung bình mỗi cây Ly được 35 nghìn đồng, trừ tiền đựơc hỗ trợ còn lãi "ròng" 89 triệu đồng.

 

- Còn chi phí 3 tháng chăm sóc nữa chứ - Tôi nhắc

 

- Trồng hoa Ly không phải chi phí gì nhiều. So với trồng Đồng tiền thì nhàn hơn nhiều vì loại hoa này không bị sâu bệnh, không phải phun thuốc. Chỉ có điều cần tinh ý để hoa nở đúng dịp Tết. Năm nay rét đậm, gần Tết mà nụ hoa chưa dài và ngả trắng như sách dạy, tôi gọi điện về hỏi các kỹ sư Viện Rau quả, các anh ấy bảo cứ bịt thật kín, không cho gió lùa. Tôi vừa bịt cửa, hạn chế ra - vào, vừa thắp điện sưởi cho hoa ngày 4 tiếng, một tuần như thế, nụ hoa dài ra 2 phân và hé trắng. Thợ hoa vào, mua luôn 3 nghìn gốc, còn 1 nghìn gốc bán cho vài mối khác, chỉ 2 ngày là hết veo.

 

Hoa nhà anh Bằng lá tươi rỏng, màu tươi, nở thơm phức ồ ạt đổ ra Thành phố, đánh bạt hoa Đà Lạt đã tái nụ vì rét và vận chuyển xa, đánh bạt hoa để nhà lạnh sáng tươi, chiều tàn và nhạt mùi.

 

Nhìn anh chị Bằng nói chuyện về hoa mà tươi hơn cả hoa, tôi hỏi: Năm nay, nếu không được hỗ trợ anh chị có "làm" Ly nữa không?. - Có chứ, theo tôi nhận định, thị trường vẫn đang chuộng Ly, nhưng làm nhiều hay ít tôi sẽ tham khảo thông tin từ nơi cung cấp giống là Viện Rau quả TW, nếu nhiều người làm thì tôi sẽ điều chỉnh trồng nhiều hay ít và thêm một số loại hoa khác - anh Bằng khẳng định chắc nịch.

 

Vụ hoa Ly của anh Bằng gợi cho tôi nhiều suy nghĩ: Vì sao còn nhiều nông dân tỉnh ta có đất mà vẫn nghèo? Nếu họ chịu khó suy nghĩ, tìm tòi, mạnh dạn và năng động hơn chắc chắn đất sẽ không phụ người. Và hơn nữa, nếu biết dựa vào các tổ chức, các cơ quan của Nhà nước, vào nhà khoa học, họ sẽ có thông tin để lựa chọn cơ hội, bứt khỏi cái nghèo trở thành giàu có.