Nói đến hộ nghèo, trong tôi thường nghĩ đó là những hộ dân ở nhà tranh vách lá. Nhưng khi cùng chị Nguyễn Thị Kim Đĩnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) đến một số hộ nghèo trong phường thì tôi lại có nhận thức khác về hộ nghèo ở đây. Bởi những hộ gia đình mà tôi đến họ đều ở nhà xây cấp 4 và theo chị Kim Đĩnh thì, 100% hộ nghèo ở đây đều đã ở nhà xây như thế.
Ngoài ra, các gia đình hộ nghèo đều có phương tiện nghe nhìn và đa số các hộ đều có xe máy; 80% số hộ đã có điện thoại
Để có được kết quả ấy phường Cam Giá đã xác định từng vùng kinh tế rõ rệt để tập trung sự chỉ đạo đầu tư vốn làm nổi bật thế mạnh từng khu vực: Khu nam, có đông hộ buôn bán nhỏ lẻ; khu tây giáp danh với Công ty Gang thép Thái Nguyên phát triển mạnh các ngành dịch vụ cơ, kim khí; khu đông chủ yếu là các hộ làm nông nghiệp. Đối với các khu vực kinh tế khác, đời sống của người dân khá hơn nên các hộ tự thân vận động vay vốn từ nhiều nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Đối với khu đông chủ yếu là các hộ làm nông nghiệp, đời sống còn khó khăn, để giúp các hộ nghèo ở đây có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên hoà nhập cuộc sống cộng đồng, các tổ chức hội (Phụ nữ, Cựu chiến binh, Nông dân) đã đứng ra tín chấp vay vốn Ngân hàng Chính sách- Xã hội (NHCS-XH) vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp (0,65%/tháng) tạo điều kiện cho các hộ đầu tư cho chăn nuôi.
Để đồng vốn đầu tư đúng mục đích, có hiệu quả, hàng năm, riêng Hội Phụ nữ phường đã xây dựng kế hoạch cho vay vốn về các chi hội, các chi hội báo cáo với cấp uỷ, tổ dân phố để bình xét các hộ nghèo được vay vốn. Các hộ muốn được vay vốn phải tham gia sinh hoạt tổ vay vốn. Đến nay, toàn phường đã có 8 tổ vay vốn, trong đó Hội Phụ nữ quản lý chủ yếu 3 tổ (gồm tổ 12, 13, 14 với trên 100 hộ gia đình). Hàng tháng, các tổ vay vốn duy trì sinh hoạt thường xuyên để nắm bắt tình hình sử dụng vốn; tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Ngoài ra còn trao đổi thông tin thị trường; kinh nghiệm chăn nuôi và lồng ghép các nội dung của hoạt động tổ chức hội. Tổ vay vốn thường xuyên đi kiểm tra tình hình sử dụng vốn của hội viên, giao trách nhiệm cho các hội viên giám sát lẫn nhau trong sử dụng vốn. Nếu sử dụng vốn sai mục đích hoặc chẳng may có rủi trong chăn nuôi phải báo cáo kịp thời với tổ vay vốn để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Vì thế đồng vốn đến tay chị em dù ít hay nhiều (ít nhất được vay 500 nghìn đồng/hộ, nhiều nhất đến 20 triệu đồng/hộ) đều sử dụng vốn đúng mục đích có hiệu quả. Từ năm 2005 đến nay, bình quân dư nợ toàn xã mỗi năm từ 2 đến 3 tỷ đồng nhưng không có hộ nào nợ dây dưa. Hiện tại còn 231 hộ vay với dư nợ 2 tỷ 267 triệu đồng.
Các hộ nghèo được vay vốn ở đây chủ yếu tập trung đầu tư cho chăn nuôi lợn, gà và bò sinh sản. Qua đó, đã có nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Ví dụ như gia đình chị An Thị Nguyệt ở tổ 12, do anh chị mới lập nghiệp, không có vốn làm ăn, gia đình chị được vay 10 triệu đồng từ NHCS-XH đã mua được được 2 con bò sinh sản, sau một năm đã có thêm 2 bò con. Năm 2008, chị chuyển hướng đầu tư chăn nuôi lợn. Trong năm chị đã xuất chuồng được 4 lứa, mỗi lứa trên 2 tấn lợn. Từ đó, gia đình chị đã có thêm tiền xây nhà khang trang hơn và được công nhận thoát nghèo từ cuối năm 2008. Còn gia đình chị Liêu Thị Bưởi, ở tổ 14, con đông (6 đứa con); đất đai ít, vợ chồng thường xuyên đau yếu do bệnh tật, từ năm 2006, được vay 10 triệu đồng nuôi bò sinh sản. Nay gia đình chị cũng đã ổn định cuộc sống…
Qua tâm sự với một số chị em ở phường, chúng tôi được biết, để giúp chị em thoát nghèo, nếu chỉ đứng ra tín chấp vay vốn cho họ thôi thì chưa đủ, mà phải có sự tham gia vào cuộc tích cực, có trách nhiệm của tổ chức hội từ phường đến cơ sở thì mới đạt kết quả cao. Vì thế, cứ từ đầu năm, Hội Phụ nữ phường đều triển khai đến các chi hội; các chi hội rà soát lại hộ nghèo và phân loại để có thứ tự ưu tiên giúp đỡ và hỗ trợ về mọi mặt. Trong đó, đặc biệt lưu tâm đến những hộ có hoàn cảnh khó khăn (ốm đau, bệnh tật thường xuyên, tai nạn, mất sức lao động…). Từ đó đề ra biện pháp giúp đỡ cụ thể đối với từng đối tượng. Bên cạnh việc tổ chức hội đứng ra tín chấp vay vốn ngân hàng, Hội Phụ nữ từ phường đến cơ sở đều vào cuộc bằng việc thường xuyên đến các hộ gia đình nắm bắt từng hoàn cảnh; nguyện vọng của các hộ; động viên giúp đỡ kịp thời khi khó khăn hoạn nạn.
Ngoài ra, Hội còn vận động chị em tham gia xây dựng quỹ để có thêm vốn hỗ trợ cho chị em có hoàn cảnh thật khó khăn vay với lãi suất thấp đầu tư cho chăn nuôi. Hiện số quỹ của 22 chi hội phụ nữ toàn phường đã có 88 triệu đồng. Nhằm giúp chị em phát triển bền vững và đảm bảo an toàn đồng vốn, Hội Phụ nữ phường phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố tổ chức nhiều lớp tập huấn để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho chị em; hướng dẫn chị em chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi như thế nào có hiệu quả. Đối với những hộ còn nhà tranh vách đất, tổ chức hội đứng ra phát động phong trào quyên góp, góp công, góp tiền của để xoá nhà dột nát, xây nhà tình nghĩa hội viên.
Trong những năm qua, Hội Phụ nữ đã vận động quyên góp xây được 2 nhà tình nghĩa cho gia đình chị Ngô Thị Thứ ở Tổ 17 và chị Trần Thị Kẹo ở Tổ 12; cùng các ban, ngành, đoàn thể trong phường vận động quyên góp xoá được 5 nhà tranh tre nứa lá. Vì thế, đến nay, toàn phường không có nhà dột nhà, 100% hộ gia đình dù nghèo cũng đã xây được nhà cấp 4. Đi đôi với các giải pháp trên, Hội Phụ nữ còn khuyến khích chị em nên” tự thân vận động” tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện kinh tế và sức khoẻ của mỗi gia đình. Vì vậy, nhiều chị em đã có ý thức vươn lên, không cam chịu với sự nghèo.
Chị Nguyễn Thị Dung ở Tổ 12 tâm sự: Trước đây gia đình tôi nghèo lắm vì đông con, ruộng nương ít. Nhà ở như một túp lều. Tôi quanh năm đi làm thuê, cuốc mướn để kiếm sống. Song, những năm qua được sự quan tâm của Hội Phụ nữ từ phường đến chi hội những lúc khó khăn, tín chấp cho chị em vay vốn; hướng dẫn cách làm ăn; bản thân tôi cũng tự tìm đến những mô hình nuôi gà, lợn có hiệu quả kinh tế cao học tập và mạnh dạn áp dụng vào chăn nuôi. Vào những tháng gần tết Nguyên đán vừa qua, gia đình tôi đã xuất chuồng 200 con ngan Pháp; 200 con gà siêu thịt Pháp và bán lợn đã cho thu lãi khoảng từ 10- 15 triệu đồng. Hiện gia đình tôi còn nuôi bò sinh sản và tiếp tục mở rộng chăn nuôi các giống gia cầm cao sản. Gia đình tôi cũng vừa được công nhận thoát nghèo”. Cùng chí hướng với chị Dung còn có gia đình chị Đoàn Thị Loan ở Tổ 12, chị Dương Thị Hằng, Tổ 22 cũng đã chuyển dịch cơ cấu vật nuôi theo hướng hàng hoá.
Chị Nguyễn Thị Kim Đĩnh cho biết: Từ năm 2006, toàn phường có trên 400 hộ nghèo/tổng số 2.700 hộ. Đến năm 2008 số hộ nghèo giảm xuống còn 189 hộ. Song, qua rà soát lại đầu năm 2009, số hộ nghèo trong chị em còn 90 hộ (có thêm 19 hộ phát sinh do tai nạn rủi ro, mất sức lao động). Hội đang đề ra chỉ tiêu sẽ xoá nghèo được 30 hộ vào cuối năm nay”.
Với những giải pháp tổng hợp mà Hội Phụ nữ phường Cam Giá đang làm, chúng tôi tin chắc rằng, mỗi năm Hội sẽ mang đến nhiều niềm vui cho các hộ nghèo vì họ đã thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng và góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Điều này đã và đang được minh chứng bằng những công trình hạ tầng cơ sở ở Cam Giá được xây dựng khang trang nhờ các hộ dân có "của ăn của để" mới có đóng góp để xây dựng lên; bằng chính chất lượng cuộc sống của mỗi người dân đang được đổi thay từng ngày, từng giờ.