Hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Tân Đức

08:45, 25/03/2009

5 năm trở lại đây, xã miền núi Tân Đức được nhắc đến là một điển hình của huyện Phú Bình về chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Do biết áp dụng tiến bộ KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi và phát triển dịch vụ, ngành nghề phụ nên đời sống của người dân nơi đây đang có sự thay đổi từng ngày...

Từ năm 2004 đến nay, Nghị quyết hàng năm của Đảng bộ xã Tân Đức đều chú trọng đến việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; phấn đấu đến năm 2010, tỷ trọng giữa chăn nuôi và cây trồng cân bằng nhau; ưu tiên phát triển dịch vụ và ngành nghề phụ một mặt kích thích tiêu dùng trong nhân dân, mặt khác phá dần thế thuần nông của một xã miền núi...

 

Theo đó, đối với cây trồng, xã đã tiến hành rà soát phân loại, phân vùng từng khu đất để đưa loại cây phù hợp vào trồng, mang lại giá trị kinh tế cao. Đến nay, 17 xóm trong xã đã hình thành được những loại cây trồng mang tính đặc thù ngoài cây ngô, cây lúa. Cụ thể: Ở các xóm Ngọc Sơn, Tân Lập, Quẫn trồng nhiều cây dưa bở, dưa chuột xuất khẩu; xóm Lềnh, Quại, Phúc Thịnh trồng nhiều dưa chuột ta; xóm Diễn, Ngoài, Diễn Cầu, Viên, Tân Thịnh trồng chủ yếu lạc, khoai sọ, bí xanh, bí đỏ... So với cây lúa, những cây trồng này mang lại giá trị kinh tế cao hơn từ 5-7 lần. Hiện nay, với hệ số sử dụng đất toàn xã là 3,2 lần (tăng 0,5 lần so với năm 2004) với cơ cấu mùa vụ 2 mầu - 1 lúa hoặc 2 mầu - 2 lúa, 2 lúa - 1 mầu, trung bình mỗi héc - ta đất nông nghiệp của Tân Đức đạt hơn 60 triệu đồng/năm (tăng gấp 1,5 lần so với năm 2004).

 

Qua tìm hiểu, biết được nhiều ưu điểm của loại phân vi lượng hóa lỏng (PTS9) do Viện Khoa học Kỹ thuật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) sản xuất là không gây ô nhiễm môi trường, an toàn, tiết kiệm, giữ bền đất, phòng trừ sâu bệnh tốt nên lãnh đạo xã đã mạnh dạn mua về cung cấp cho bà con. Bên cạnh đó, xã còn phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện như Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông, cán bộ các dự án... tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi đến tất cả các xóm. Trung bình mỗi xóm được tổ chức tập huấn từ 4-5 buổi/năm.

 

Ông Đào Đức Phòng, xóm Lềnh cho biết: Hiện nay, việc lựa chọn cây giống, con giống đều do người dân tự quyết định, song, để người dân mạnh dạn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi thì vai trò của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền xã thường xuyền tổ chức các buổi tập huấn KHKT, giải đáp các vướng mắc trong sản xuất và định hướng phát triển kinh tế cho bà con là hết sức cần thiết. Với gần 10 sào đất nông nghiệp của gia đình, tôi đã trồng nhiều loại cây có giá trị như: rau bí, dưa chuột, lạc... cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm, đảm bảo cuộc sống của các thành viên trong gia đình.

 

Đối với chăn nuôi, đến nay, tỷ trọng ngành chăn nuôi của xã đã ngang bằng với trồng trọt và đang dần chiếm ưu thế. Toàn xã hiện có 25 nghìn con lợn, hàng trăm nghìn con gia cầm, 2 nghìn con trâu, bò. Trong đó, có 376/2.005 hộ chăn nuôi từ 10-250 con lợn thịt; trên 1 nghìn hộ nuôi lợn nái, 6 gia đình có lò ấp trứng sản xuất con giống kinh doanh. Để khuyến khích các gia đình phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chính quyền xã đã tạo mọi điều kiện cần thiết về quỹ đất, tập huấn khoa học kỹ thuật, thủ tục vay vốn... cho 5 gia đình đầu tiên của xã có hướng phát triển kinh tế theo mô hình trang trại. Các mô hình này đều đã thành công, đạt hiệu quả cao, là mô hình để nhiều hộ khác trong xã học tập, mạnh dạn đầu tư, phát triển chăn nuôi. Nhờ đó, toàn xã đã có thêm 10 hộ khác cũng đạt được các tiêu chí của một trang trại.

 

Anh Nguyễn Xuân Quý, xóm Cầu Diễn - chủ trang trại tổng hợp (chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá, cây ăn quả và dịch vụ) khẳng định: Thành công bước đầu trong phát triển kinh tế của gia đình tôi hôm nay trước hết là nhờ chính quyền xã và người dân trong xóm đã giúp đỡ bởi nhờ vừa được đổi, vừa được thuê hàng nghìn m2 đất nên từ mảnh đất manh mún của gia đình, tôi mới có được khu đất rộng hàng chục nghìn m2 phát triển chăn nuôi tổng hợp gồm cá, gia cầm và lợn. Bên cạnh đó, hàng năm, tôi còn được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT trong trồng trọt, chăn nuôi. Các thủ tục để vay vốn ngân hàng, gia đình tôi cũng được chính quyền xã quan tâm, tạo điều kiện. Nhiều năm qua, mỗi năm, thu nhập từ trang trại của gia đình đều đạt hàng trăm triệu đồng/năm (sau khi trừ mọi chi phí).

 

Ngoài cây trồng, vật nuôi, Tân Đức còn dành sự quan tâm đặc đến việc phát triển ngành nghề phụ và kinh doanh dịch vụ. Xã đã tiến hành quy hoạch được trung tâm thị tứ ở 4 xóm và hiện có 10 xóm manh nha hình thành khu thị tứ. Nhờ có trung tâm thị tứ mà hoạt động buôn bán, dịch vụ và các cơ sở sản xuất hình thành ngày càng nhiều. Đường đến trung tâm các xóm hàng năm đều được chính quyền xã chỉ đạo cải tạo, mở rộng, thuận lợi cho việc thông thương. Sản phẩm làm ra của bà con được trao đổi thuận tiện, không bị ép giá. Nhiều hộ có thu nhập khá từ nghề phụ, coi nghề phụ là nghề chính. Năm 2000, Tân Đức mới có 63 hộ làm nghề phụ, 47 hộ sản xuất, kinh doanh thì đến nay, con số này đã lên tới 150 hộ làm nghề phụ và 130 hộ sản xuất kinh doanh.

 

Đặc biệt, từ năm 2004, Tân Đức đã thành lập được hợp tác xã Mây tre đan thu hút gần 50 hộ tham gia, với mức thu nhập ổn định từ 500-600 nghìn đồng/người/tháng và 1 tổ hợp tác làm đồ gỗ mỹ nghệ với gần 30 lao động. Ngay tại Tân Đức hôm nay, người dân có thể mua được đủ mọi hàng hóa cần thiết từ những thứ đồ giá trị như xe máy, ti vi, tủ lạnh. Với những kết quả đạt được trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đời sống của người dân nơi đây đang từng ngày khởi sắc,  số hộ khá, giàu của xã hiện chiếm gần 70%, số hộ nghèo chỉ còn 16% (thấp hơn trung bình chung toàn huyện là 6%).