Khó khăn trong phát triển kinh tế trang trại ở Phú Bình

09:03, 09/03/2009

Huyện Phú Bình hiện có khoảng 150 trang trại chăn nuôi, tăng gần 2 lần so với năm 2006. Tuy nhiên, có một thực tế là các trang trại ở Phú Bình hiện nay hoạt động mạnh, yếu phụ thuộc rất nhiều vào thị trường, và một câu hỏi đang được đặt ra cho người dân nơi đây là  làm thế nào để các trang trại phát triển một cách bền vững?

Phú Bình hiện có trên 2.800 hộ, trong đó có khoảng 2.500 hộ nông nghiệp. Qua khảo sát của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, trong số các hộ nông nghiệp, có khoảng 20% số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ từ 5-10 con lợn, 20-50 con gà; 50% số hộ nuôi từ 15-20 con lợn, trên dưới 100 con gà; số còn lại nuôi từ 20 đầu lợn và trên 200 con gà/lứa trở lên. Trong số này có khoảng 150 hộ đạt quy mô trang trại. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh, hầu hết các trang trại ở Phú Bình có quy mô nhỏ, hẹp, chỉ đáp ứng được 1 trong 2 tiêu chí hoặc về thu nhập (trên 50 triệu đồng/năm) hoặc về số lượng đàn (từ 50 con/lứa đối với lợn thịt; trên 500 con/lứa đối với gà thịt hoặc 200 con gà đẻ. Theo đồng chí Dương Tuấn Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thì trước đây người dân làm kinh tế trang trại chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước, chỉ khi quy mô chăn nuôi đạt chuẩn của trang trại thì lúc đó huyện mới cấp giấy chứng nhận trang trại cho các hộ. Trên cơ sở này, chủ trang trại mới dễ dàng vay vốn với lãi suất ưu đãi của một số ngân hàng.

 

Cũng theo đồng chí Dương Tuấn Hiếu: Một trong những yếu tố quyết định đến quy mô, thời điểm hoạt động của các trang trại trên địa bàn huyện nhiều năm qua chính là giá thức ăn chăn nuôi và giá bán ra của sản phẩm. Nếu giá thức ăn ổn định so với giá bán của sản phẩm thì các trang trại hoạt động sẽ ổn định và dần mở rộng. Ngược lại, nếu giá đầu vào tăng cao, không phù hợp với đầu ra thì lập tức các trang trại sẽ giảm số lượng nuôi hoặc bỏ trống chuồng. Bởi hầu hết các chủ trang trại đều có bước “khởi nghiệp” từ kinh tế nông hộ, với số chủng loại và số lượng nuôi hạn chế. Thêm vào đó, đại đa số lực lượng lao động làm việc trong các trang trại đều là những thành viên trong gia đình chứ không phải thuê ngoài nên các chủ trang trại không nhất thiết phải lo đến việc duy trì sản xuất để giữ chân người lao động. Gần đây nhất là vào những tháng giữa năm 2008, các mặt hàng thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, có lúc tăng gấp 2 lần và lãi suất vốn vay ngân hàng cũng tăng mạnh trong khi giá đầu ra không tăng đã khiến nhiều trang trại giảm đến 2/3 số lượng đàn hoặc bỏ trống chuồng; một số trang trại cố duy trì số lượng đàn với hy vọng đến khi được bán giá sẽ ổn định thì bị lỗ tới hàng trăm nghìn đồng/con lợn, hàng chục nghìn đồng/con gà. Chỉ rất ít trang trại có quy mô lớn, tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ và lấy phân để phục vụ trồng trọt thì lãi suất chỉ bằng 1/4-1/3 lúc bình thường.

 

Ngoài ra, các chủ trang trại còn phải đối diện với khó khăn trong vấn đề phòng, chống dịch bệnh và xử lý môi trường. Trong khi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì được Nhà nước hỗ trợ thuốc, công tiêm phòng (bệnh cúm gia cầm đối với gà, dịch tai xanh đối với lợn, bệnh tụ huyết trùng đối với trâu, bò) thì đối với các trang trại lại phải tự túc hoàn toàn. Điều này khiến một số trang trại bỏ ngỏ việc tiêm phòng. Việc xây dựng chuồng trại cũng có nhiều hạn chế. Đại đa số đều do người dân tự nghĩ ra hoặc học theo một mô hình nào đó mà ít có sự định hướng, hướng dẫn cụ thể của cơ quan chuyên môn (phần do người dân không yêu cầu, phần do quy định và cơ chế của Nhà nước đối với các ngành chức năng để thực hiện công việc này chưa rõ ràng, cụ thể).

 

Giống như các địa phương khác, Phú Bình hiện chưa có khu chăn nuôi tách khỏi khu dân cư nên trong năm 2008, 3 chủ trang trại đã bị dân “kiện” do gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng của các hộ xung quanh. Được biết, Phú Bình đã tính đến việc quy hoạch khu chăn nuôi ra khỏi khu dân cư nhưng để thực hiện được việc này thì cần phải có thời gian và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để các chủ trang trại hiểu được lợi ích, ý nghĩa của việc làm này đối với vấn đề môi trường và với chính các chủ trang trại. 

 

Anh Dương Văn Trường, tổ dân phố Thơm, thị trấn Hương Sơn khẳng định với chúng tôi: Điều đáng lo ngại nhất đối với các chủ trang trại hiện nay chính là vấn đề đề phòng dịch bệnh, giá cả đầu vào, ra và thị trường tiêu thụ. Cuối năm 2008, do mắc bệnh Lép-tô, hơn chục con lợn của gia đình anh lăn ra chết, những con còn lại đã phải bán tống, bán tháo với giá rẻ. Cộng với lứa lợn thịt  60 con hồi giữa năm bị lỗ do giá cám tăng đột biến, tổng thiệt hại năm qua của gia đình anh Trường lên tới hơn 30 triệu đồng. Do lo ngại về dịch bệnh nên hiện nay gia đình anh chỉ nuôi hơn 20 con lợn thịt và 400 con gà đẻ.

 

Anh Trường cho biết thêm: Khi vật nuôi bị mắc bệnh, theo thói quen thông thường, hầu hết các chủ trang trại đều tự mua thuốc về điều trị, đến khi không được thì bán với giá rẻ, chứ ít để ý đến việc phải báo cho các cơ quan chức năng do lo ngại sự can thiệp không kịp thời sẽ gây thiệt hại kinh tế cho gia đình. Khi lợn của gia đình anh ốm, anh không báo cơ quan chức năng vì trước đó không lâu, gần nhà anh 1 gia đình có lợn ốm chết không rõ nguyên nhân, khi gia đình báo với cơ quan chức năng phải mất gần 2 ngày sau mới có cán bộ đến kiểm tra. Từ thực tế này, anh Trường mong muốn các cơ quan chức năng của huyện Phú Bình quan tâm hơn nữa đến công tác phòng dịch; đồng thời có cơ chế chính sách lâu dài, ổn định giúp người dân vay vốn với lãi suất thấp để phát triển sản xuất, có biện pháp can thiệp giúp người nông dân đảm bảo đầu ra, tránh việc các thương lái tự do ép giá...

 

Những mong muốn của anh Trường cũng là mong muốn chung của các chủ trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Bình; đây cũng được xem là tiền đề quan trọng để các trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Bình nói riêng, cả tỉnh nói chung phát triển một cách bền vững, hiệu quả; là yếu tố quan trọng để ngành chăn nuôi phát triển tập trung, theo hướng sản xuất hàng hoá, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của nước ta hiện nay là tăng dần tỷ trọng chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp.