Nghe chuyện làm giàu ở Đông Sinh

10:47, 01/03/2009

Nhà xây, xe máy, ti vi... 100% số hộ của xóm Đông Sinh, xã Hồng Tiến (Phổ Yên) đã mua sắm được. Nhiều nông dân trong xóm còn mạnh dạn đứng ra thành lập doanh nghiệp, hoặc mở các cơ sở sản xuất, dịch vụ, tạo việc làm cho lao động địa phương. Hiện mức thu nhập bình quân đầu người của xóm đạt 1,3 triệu đồng/ người/ tháng, cao hơn mức thu nhập bình quân toàn xã gần 500.000 đồng/người/tháng.

Ông Bùi Xuân Đức, Trưởng xóm cho biết: Người dân Đông Sinh có tiếng chăm chỉ, chịu khó, các gia đình sống có nền nếp, nên con cháu của Đông Sinh dù đi xa, ở gần đều không có người mắc vào các tệ nạn xã hội… Còn bà Nguyễn Thị Síu, 82 tuổi phấn khởi nói: Con cháu của xóm này có nhiều người thành đạt, ra xã hội có người được Nhà nước phong tướng; người làm cán bộ trên tỉnh, trên huyện; ở nhà làm kinh tế có người mỗi năm đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng.

 

Bà Síu là 1 trong những công dân đầu tiên về khai mở đất này lập nên làng. Bà kể: Khi ấy, bà mới ngoài 20 tuổi. Thời đó, đồi đất hoang hóa, loại cây nhiều nhất là cỏ xể và lau, guột. Người tứ chiếng về mưu sinh bằng việc cầm cuốc trồng lúa, đói nghèo triền miên… Tôi hình dung: Làng quê ấy tựa một bản làng trên cao vút biên viễn Cao Bằng, Lào Cai… Cứ 2 hộ một quả đồi, nhà làm tường trình, lợp lá. Ông Đức kể: Khổ cực lắm, cho tới những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, tôi cũng như rất nhiều người trong độ tuổi lao động của làng phải quần túm, áo vá rủ nhau ngược lên các vùng heo hút của Bắc Kạn, Cao Bằng mua sắn về làm lương thực.

 

Rồi… cư dân Đông Sinh đã tự làm thay đổi cuộc đời mình bằng chính nghị lực của mỗi người. Đó là cách sống tiết kiệm, lao động có khoa học hơn và chăm chỉ hơn. Bắt đầu là việc cải tạo đồng đất bằng phân chuồng, phân xanh; làm mương máng dẫn thuỷ nhập điền; thay đổi giống cây trồng và cơ cấu mùa vụ… Đương nhiên vào cuộc còn có định hướng của chính quyền địa phương, sự giúp đỡ tích cực của đội ngũ cán bộ ngành Nông nghiệp. Theo thời gian, bà con đã làm nên một diện mạo Đông Sinh mới. Trên các cánh đồng Bờ Liễu, Đồng Seo và Đồng Trên… nông dân đã làm chắc ăn 2 vụ lúa, 1 vụ màu. Cùng trồng trọt, bà con trong làng còn làm thêm một số dịch vụ như nấu rượu, nuôi lợn, làm đậu phụ… Cuộc sống bận rộn nhưng đổi lại, trai tráng trong xóm không phải ngược đường lên các vùng núi mua đổi sắn về độn cơm. Bà cụ Síu ôn tồn: Dẫn đầu phong trào xóa đói giảm nghèo bấy giờ phải kể tới 2 gia đình ông Bùi Văn Thiệu và ông Bùi Văn Tính, nhờ tần tảo họ đã làm được nhà xây cấp 4 lợp ngói, cả xóm ai nấy nức nở khen. Đến nay, gia đình nào cũng ở nhà xây, mái đổ bê tông có hơn 70% số hộ, trong đó hơn 20 hộ xây được nhà 3 tầng.

 

Ông Bùi Xuân Đức tự hào: Đông Sinh hiện có 204 hộ, 887 nhân khẩu. Ngoài việc mỗi năm sản xuất ra gần 1.500 tấn lương thực, vài chục tấn rau xanh, bà con còn cung cấp cho thị trường mỗi năm hơn 360 tấn thịt lợn hơi, tương đương số tiền 9 tỷ đồng… Giây lát dừng lời, ông Đức cho biết thêm: Điển hình về chăn nuôi có gia đình bà Đỗ Thị Thơm. Bà Thơm lập trang trại quy mô nuôi 200 đầu lợn, vài trăm con gà, vịt và 3 sào ao được gia đình bà xây dựng làm nơi nuôi ba ba, cá chim và cá trê lai. Còn trên đồng ruộng, nhờ canh tác tốt, nhiều diện tích cho thu nhập hơn 60 triệu đồng/ha. Đặc biệt, xóm có hộ ông Nguyễn Chí Kiểm thành lập được Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Vạn Thành, trụ sở đặt ngay trong xóm; gia đình ông Đỗ Văn Môn mở xưởng nấu bia, mỗi ngày xuất xưởng khoảng 2 tấn; gia đình ông Bùi Nguyên Thuỷ mở xưởng cơ khí sửa chữa ô tô. Ngoài ra, trong xóm còn có 2 cơ sở chế biến gỗ; 4 hộ mua xe ô tô làm dịch vụ vận tải hành khách; 2 hộ mua xe ô tô vận chuyển hàng hóa… Các doanh nghiệp và cơ sở dịch vụ này đã tạo được việc làm ổn định cho hơn 200 lao động trong xóm, ngoài xã.

 

Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện hơn trong việc tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Từ năm 2005, toàn bộ hệ thống mương dẫn nước tưới cho các cánh đồng của xóm được xây dựng bằng gạch, vữa xi măng; cuối năm 2008, toàn bộ 1,2 km đường trục chính, đường về các ngõ được đổ bê tông, rộng từ 2,2 đến 2,5 m, dày từ 12 đến 16 cm. Qua tìm hiểu chúng tôi biết: Việc vận động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng các công trình tại Đông Sinh rất thuận lợi, không phải chỉ bởi các hộ có kinh tế vững, mà ở đây bà con nhân dân còn luôn có tinh thần đoàn kết, những người đại diện cho nhân dân nhiệt tình, công bằng và luôn phát huy tốt tinh thần dân chủ. Bởi vậy, nhân dân tin tưởng, sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của để xây dựng quê hương mình ngày một đẹp hơn. Gần đây, bà con Đông Sinh đã xây dựng xong 2 cổng lớn vào xóm, trên đó có dòng chữ đỏ tươi "Làng văn hóa Đông Sinh". Để có tiền, bà con cùng bàn bạc, thống nhất mỗi hộ đóng góp 100.000 đồng. Tuy mức đóng góp được thống nhất như vậy, nhưng 100% số hộ đều tự nguyện đóng góp thêm, điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị Phú ủng hộ thêm 9 triệu đồng. Đặc biệt, những người của xóm ra ngoài làm ăn thành đạt đã tự nguyện ủng hộ được hơn 84 triệu đồng để cùng xây dựng hoàn chỉnh cổng vào xóm.

 

Có thể nói, đây là niềm tự hào của người dân xóm Đông Sinh. Bởi từ một vùng đất thuần nông khó khăn, bà con nhân dân đã đoàn kết cùng nhau làm nên một làng quê no ấm, giàu có cả về vật chất và tinh thần…