Miến Việt Cường đến với mọi nhà

15:35, 06/04/2009

Không ai nhớ chính xác nghề miến ở Việt Cường, Hóa Thượng, Đồng Hỷ có từ bao giờ, chỉ biết người làm miến lâu năm nhất cũng ngót nghét ba, bốn chục năm. Từ khát vọng làm giàu, người dân nơi đây đã tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm để miến Việt Cường hôm nay trở thành thương hiệu có uy tín trên thị trường.

Cách đây khoảng 20 năm, lúc đó điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, chỉ đến ngày Tết nguyên đán, trong mâm cơm gia đình tôi mới có món miến nấu với lòng gà và nấm hương. Mẹ tôi thường bảo: Miến phải gửi mua tận xóm Việt Cường. Miến ở đấy dai sợi, thơm, ngon; nấu từ sáng để đến trưa hâm nóng lại ăn sợi cũng không bị nát. Sau này chúng tôi lớn lên, không cần phải nhờ người mua nữa, vì ở hầu hết các đại lý và siêu thị trong thành phố đều có thấy bày bán sản phẩm miến Việt Cường, được đóng trong bao bì với mẫu mã rất bắt mắt.

 

Một ngày đầu tháng 4, khi cái se lạnh cuối mùa đông vẫn còn vương vít, tôi quyết định tìm đến làng nghề miến Việt Cường tại xã Hoá Thượng (Đồng Hỷ). Làng xóm hiện ra khang trang, trù phú, đường đổ bê tông sạch sẽ đến từng hộ gia đình. Tôi bắt gặp nhiều trai làng phóng những chiếc xe máy loại đắt tiền đi lại trên đường. Nhưng có một điều tôi ngắm nghía, tìm kiếm mãi mà không nhìn thấy, đó là những phên dậu hong phơi miến để chụp một kiểu ảnh thật đẹp về làng nghề. Trong câu chuyện với anh Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm HTX miến Việt Cường, chúng tôi mới biết: Trong thời gian từ tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch, thời tiết mưa nhiều, ẩm ướt, không thuận lợi cho việc làm miến. Từ tháng 5 đến hết năm là lúc người làm miến mới bắt đầu "vào vụ". Những năm trước, việc tiêu thụ sản phẩm còn nhỏ lẻ, chủ yếu bán chạy vào dịp Tết, nên người làm miến chỉ tập trung sản xuất miến vào khoảng 1-2 tháng cuối năm. Nhưng nay, người tiêu dùng có nhu cầu dùng miến ăn quanh năm, thì thời gian làm miến kéo dài hơn.

 

Miến Việt Cường sẽ không có gì để bàn, nếu người làm nghề đã quen với nghề và sống bằng nghề, đời nọ truyền cho đời kia. Nhưng điều đáng bàn ở đây là cái nghề làm miến đã thực sự giúp được người dân Việt Cường thoát nghèo và vươn lên làm giàu hay chưa? Và làm giàu bằng cách nào, khi sản phẩm bán ra còn tính bằng cân, bằng lạng, còn chưa trở thành hàng hoá có thương hiệu trong thời buổi cơ chế thị trường đầy sôi động mà "thương trường" được ví như "chiến trường". Khi quan niệm "rượu ngon chẳng sợ ngõ sâu" đã không còn phù hợp trong thời đại ngày nay, thì người làm miến có vất vả đến đâu, miến làm ra có ngon đến đâu, người lao động cũng có thể chỉ "ráo mồ hôi là ráo tiền". Và anh Nguyễn Văn Sơn,  Phó Chủ nhiệm HTX miến Việt Cường-người thanh niên 32 tuổi - đã dám đứng lên thực hiện bước ngoặt mới cho sự phát triển của nghề làm miến Việt Cường, để người làm miến nơi đây có thể làm giàu được bằng nghề. Bên ấm nước chè xanh, câu chuyện về hành trình đi tìm  thương hiệu cho miến Việt Cường giữa chúng tôi và anh Sơn mỗi lúc một rôm rả và thú vị.

 

Gia đình anh Sơn cũng như hơn 30 hộ dân ở xóm Việt Cường sống bằng nghề làm miến hàng chục năm nay. Miến Việt Cường ngon có tiếng, nhưng từ năm 2005 trở về trước nhà làm nhiều cũng chỉ sản xuất được 15-20kg/ngày, tập trung vào 2 tháng cuối năm, nên cũng chưa có gia đình nào giàu được bằng nghề, mà chỉ là góp phần tăng thêm thu nhập. Không ai nhớ chính xác nghề có từ bao giờ, chỉ biết người làm miến lâu năm nhất ở xóm cũng ngót nghét ba, bốn chục năm. Từ những suy nghĩ, trăn trở và khát vọng làm giàu, anh Sơn đã đi vận động một số gia đình trong xóm cùng góp tiền để đi tìm hiểu, làm hồ sơ, đăng ký xây dựng thương hiệu cho miến Việt Cường; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng rãi trên thị trường, để miến Việt Cường trở thành hàng hoá. Nhưng thật đáng buồn lúc bấy giờ, không có ai ủng hộ cho ý tưởng được xem là "táo bạo" và mất thời gian của anh Sơn. Người dân cho rằng, thương hiệu thì có ích gì, chỉ tốn thêm tiền thêm sức, không có thương hiệu thì từ trước đến nay vẫn sản xuất, vẫn bán hàng bình thường, có ai phải bán đổ bán tháo đâu mà lo. Ngậm ngùi, anh Sơn đành gom góp chút vốn liếng ít ỏi được hơn 10 triệu đồng để làm lộ phí đi lại, tự mày mò, tìm hiểu, nghiên cứu và lập hồ sơ xin đăng ký thương hiệu miến Việt Cường với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); rồi dành thời gian mang sản phẩm đi quảng bá, giới thiệu.

 

Qua hành trình kéo dài suốt từ năm 2002 đến 2007, anh Sơn mới biến được giấc mơ trở thành hiện thực. Miến Việt Cường chính thức được khẳng định thương hiệu và công nhận thương hiệu trên th trường. Bạn hàng trong và ngoài tỉnh tìm đến đặt mua miến ở Việt Cường ngày một đông với số lượng lớn. Miến làm ra không chỉ đơn thuần là cuốn thành cuộn thô, mà đã được cắn xén, đóng gói với bao bì mẫu mã đẹp mắt; khối lượng xuất hàng đã được tính bằng tấn, bằng tạ. Cơ sở sản xuất miến của gia đình anh Sơn đã nâng công suất từ 70-80kg miến khô/ngày lên hơn 300kg/ngày; nâng mức vốn đầu tư cho sản xuất từ 50 triệu đồng lên vài trăm triệu đồng. HTX miến Việt Cường lúc đầu có 9 xã viên nay tăng lên 20 xã viên; có trụ sở giao dịch đàng hoàng với số vốn lưu động khoảng 500 triệu đồng; công việc làm ăn bước đầu thuận lợi, có hiệu quả. Anh Sơn đang tiếp tục đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất, xây dựng nhà xưởng, phấn đấu nâng công suất lên 2 tấn  miến khô/ngày. 

 

Không có thành công nào mà không trải qua những thất bại, gian truân. Con đường dẫn đến thành công của anh Nguyễn Văn Sơn và các xã viên cũng vấp phải nhiều khó khăn, thử thách, nhưng điều quan trọng là anh và mọi người đã vươn lên bằng chính nghị lực và quyết tâm của mình. Anh cho biết: Trong các khâu để sản xuất miến thành phẩm thì khâu nào cũng quan trọng, kĩ thuật càng cao thì sợi miến càng nhỏ ngon. Muốn làm miến ngon, cũng giống như bất kỳ một sản phẩm gì ngon, được bạn hàng ưa chuộng thì chỉ với kinh nghiệm thôi chưa đủ, mà còn phải không ngừng học hỏi, tích luỹ thêm kỹ thuật, đào sâu suy nghĩ, sáng tạo… Sự thành công bước đầu của anh Sơn hôm nay không chỉ mang lại lợi ích cho riêng cá nhân và gia đình anh, mà còn góp phần vào sự thịnh vượng, phát triển của cả một làng nghề, giải quyết được việc làm cho hàng trăm lao động trong tương lai gần. Đó là điều đáng học tập và trân trọng biết bao.