Cuộc sống của người dân Nam Hòa, Đồng Hỷ đã thay đổi rất nhiều so với 5, 7 năm trước, nhưng một thực tế khiến chúng tôi trăn trở đó là số hộ nghèo của xã vẫn còn 780 hộ, số hộ cận nghèo còn 200 hộ; trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức của một bộ phận người dân còn rất hạn chế...
Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có dịp trở lại xã Nam Hòa. Đã khác nhiều lắm so với miền quê Nam Hòa của 5, 7 năm về trước. Thay đổi rõ nét nhất mà chúng tôi cảm nhận được là sự đông đúc, nhộn nhịp kẻ bán, người mua của buổi chợ phiên. Hai bên đường vào trụ sở UBND xã, những xưởng chế biến gỗ chạy re.. re, giường, tủ, bàn, ghế được bày, xếp xung quanh; những cơ sở sản xuất gạch xi măng cũng đang chạy hết công suất để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng…
Trò chuyện cùng anh Trần Thiệu, một trong những cơ sở sản xuất gạch xi măng của xã, chúng tôi được biết: Anh Thiệu đầu tư hơn 40 triệu đồng mua máy ép gạch trị giá trên 40 triệu đồng từ cách đây 2 năm, với công suất 3.000 viên/ngày, giá bán 1.800 đồng/viên, mỗi năm, cơ sở sản xuất gạch của gia đình anh giải quyết việc làm cho khoảng 10 lao động địa phương, thu nhập trên 1 triệu đồng/người/tháng.
Người dân Nam Hòa đã biết phát huy những lợi thế của địa phương như nằm trên trục đường tỉnh 269 thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa, có nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào (hiện xã có 800ha rừng)… để phát triển nghề phụ như sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ… Anh Chu Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã nói với chúng tôi đầy hào hứng: Hiện nay, Nam Hòa đã có 4 hợp tác xã làm mộc và 3 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, giải quyết việc làm cho trên 200 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 8 trăm đến 1 triệu đồng/người/tháng. Khu chợ của xã cũng đã được đầu tư xây dựng, mỗi tháng họp 12 phiên thu hút rất nhiều người dân trong ngoài xã đến giao thương hàng hóa. Năm 2008, giá trị thu được từ dịch vụ, thương mại và sản xuất tiểu thủ công nghiệp của xã đã đạt khoảng gần 8 tỷ đồng.
Dừng lời giây lát, anh Phúc cho biết thêm: Không những dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển mà trong sản xuất nông nghiệp cũng có những chuyển biến đáng kể. Năm 2008, xã gieo cấy 700ha lúa 2 vụ, trồng gần 200ha cây màu vụ đông. Từ năm 2007 trở lại đây, được Nhà nước và Tổ chức Plan tại Thái Nguyên tài trợ hơn 500 triệu đồng, cộng với sự đóng góp của nhân dân xây dựng 3 trạm bơm đưa nước từ sông Cầu về nên hơn 200ha đất của xã đã chủ động được nước tưới, nông dân có điều kiện trồng thêm vụ 3. Nhờ đó, cơ cấu mùa vụ đã được bà con thay đổi theo hướng tích cực: tập trung cấy lúa xuân muộn để tránh rét cho lúa, cấy lúa mùa sớm để kịp thời vụ trồng cây màu vụ đông thay vì bỏ hoang hóa ruộng đất như trước đây. Các giống cây được đưa vào gieo trồng đều là những loại cây có năng suất cao, chất lượng tốt như lúa Lai hai dòng, Khang dân 18; ngô Việt
Nam Hòa hiện có trên 2.140 hộ dân thì có tới 65% hộ là đồng bào dân tộc Sán Dìu, lại thêm không ít lần được nghe về những tập quán canh tác lạc hậu của người dân nơi đây như phá rừng trồng mố, gieo trồng các giống cây địa phương năng suất thấp, trẻ em bỏ học khi mới chỉ học hết cấp tiểu học, THCS… nên khi nghe anh Phúc nói, chúng tôi vẫn còn rất nghi hoặc. Chỉ đến khi được tận mắt chứng kiến những cánh đồng lúa đang kỳ trổ bông, những đồi chè búp tua tủa xanh, những rừng cây keo lá tràm ngút ngàn tầm mắt và trò chuyện cùng với những người nông dân đôn hậu, chất phác, chúng tôi mới dám tin đó là sự thật. Bên cánh đồng lúa cấy bằng giống lúa Khang dân của gia đình mình, anh Tống Văn Thành, người dân tộc Sán Dìu ở xóm Quang Trung vừa nhanh tay nhổ những cây cỏ dại vừa nói chuyện cùng chúng tôi. Anh cho biết: 5 năm nay, người dân Nam Hòa không chỉ tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp như sử dụng máy gieo sạ trong gieo cấy lúa, tích cực thâm canh cây trồng mà còn mạnh dạn chuyển một số chân ruộng không chủ động được nước tưới sang trồng chuyên canh rau màu cho thu nhập cao gấp 2, 3 lần so với cấy lúa.
Còn đó những nỗi buồn
Cuộc sống của người dân Nam Hòa đã thay đổi rất nhiều so với 5, 7 năm trước, nhưng một thực tế khiến chúng tôi trăn trở đó là số hộ nghèo của xã vẫn còn 780 hộ, số hộ cận nghèo còn 200 hộ; trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức của một bộ phận người dân còn rất hạn chế... Đơn cử như trường hợp của gia đình anh Nguyễn Văn Trường ở xóm Ngòi Chẹo, một hộ nghèo của xã, năm 2008, Báo Thái Nguyên đã vận động các nhà hảo tâm được 15 triệu đồng hỗ trợ anh xóa nhà dột nát, nhưng gia đình không có đủ tiền đối ứng để xây nhà vì thế đến nay vẫn phải ở trong ngôi nhà hoang tàn, có thể bị sụp đổ bất cứ lúc nào. Anh Chu Văn Phúc tâm sự: Buồn lắm các chị ạ! Những hộ nghèo ở các địa phương khác khi nhận được tiền hỗ trợ là nhanh chóng xây nhà ngay thì anh Trường được tiền hỗ trợ đấy mà không có tiền đối ứng để làm nhà nên không nhận. Tất cả đều đi ra từ nhận thức, trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, không cố gắng, nỗ lực. Vợ chồng anh Trường đều không biết chữ, có 3 con thì đều học kém và đã bỏ học, kể cả khi các nhà trường, địa phương tạo mọi điều kiện để cho các cháu đi học nhưng với quan niệm "cơm còn chưa đủ ăn nói gì đến chuyện học" nên anh chị để các cháu nghỉ học giữa chừng ở nhà làm việc đồng giúp bố mẹ.
Một điều đáng buồn nữa là đến nay, chỉ có 80% số hộ dân của xã được dùng điện lưới Quốc gia, 20% hộ dân còn lại (chủ yếu là người dân tộc Sán Dìu) ở các xóm Con Phượng, Đồng Mô, Bồ Cóc phải dùng nhờ điện của một đơn vị quân đội đóng trên địa bàn nên chất lượng điện kém. Người dân thường xuyên phải chịu cảnh "Ăn cơm đèn, đi ngủ điện", không có điều kiện đưa phương tiện cơ giới vào sản xuất nông nghiệp nên năng suất cây trồng không cao, kinh tế chậm phát triển. Thêm vào đó, còn nhiều diện tích cấy lúa của địa phương chưa chủ động được nước tưới
Anh Phúc nói với chúng tôi đầy tâm huyết: Chúng tôi luôn mong muốn cuộc sống của người dân Nam Hòa ngày càng khấm khá hơn, nhưng đến thời điểm này, chúng tôi không biết khuyến cáo bà con trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với điều kiện của địa phương. Bởi theo sự hướng dẫn của cấp trên, chúng tôi đã có lần khuyến cáo bà con phá bỏ vườn tạp để trồng cây mơ, nhưng rồi loại nông sản này rớt giá, người trồng mơ lao đao. Thấy cây vải thiều cho thu nhập cao, địa phương lại khuyến khích bà con trồng vải, vậy là nhà nhà chặt cây mơ, trồng cây vải. Nay vải cho sản lượng khá cao nhưng giá bán lại quá thấp nên không ít hộ dân nơi đây đã lại chặt cây vải để tìm hướng đầu tư khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Một đời người trồng 3 lần cây nhưng kết quả thu được vẫn chỉ ở vạch xuất phát. Rất trăn trở, băn khoăn để tìm hướng đi thoát nghèo vươn lên làm giàu cho bà con nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa tìm được lối ra nào an toàn, chắc chắn. Thời gian gần đây, nhiều hộ gia đình trồng rừng kinh tế cho thu nhập khá cao (có hộ thu nhập 100-200 triệu đồng), nhưng chúng tôi cũng không dám khuyến cáo bà con trồng rừng…
Khi chúng tôi đưa ra câu hỏi: Làm gì để Nam Hòa phát triển một cách bền vững. Anh Phúc trả lời: Đảng bộ, chính quyền địa phương cũng đã có rất nhiều cuộc họp bàn bạc về vấn đề này. Thứ nhất, để kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, trước tiên phải nâng cao dân trí cho bà con thông qua việc đầu tư xây dựng các trường học khang trang, vận động nhân dân quan tâm tới sự học của con em mình bởi đầu tư cho học thức chính là đầu tư cho tương lai một cách bền vững nhất. Đến nay, mục tiêu này cũng đã đạt được tương đối cao, cơ sở vật chất của các trường mầm non, tiểu học, THCS đã cơ bản hoàn thiện. Toàn xã hiện có khoảng 1 nghìn người đã tốt nghiệp hoặc đang theo học tại các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Riêng năm học 2008-2009, xã có trên 400 cháu theo học ở bậc THPT. Thứ hai, địa phương rất mong Nhà nước đầu tư xây dựng 2 trạm điện hạ thế ở các xóm chưa được sử dụng điện lưới quốc gia để bà con có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế. Thứ ba, các cấp ngành nên xem xét, xây dựng hệ thống đập thủy ngăn dòng suối Ba Khe (thuộc xóm Đồng Mỏ) thành hồ. Kinh phí xây dựng có thể lên đến vài chục tỷ đồng, 50 hộ dân trong xóm phải di dời khi thực hiện công trình này, nhưng khi công trình hoàn thành sẽ đảm bảo cung cấp nước tưới tiêu cho vài nghìn hộ dân của xã Nam Hòa và xã Văn Hán… Bên cạnh đó, xã sẽ mọi tạo điều kiện cho một số hộ dân sinh sống ở khu vực đường tỉnh 269 có nhu cầu về vốn được vay tiền ngân hàng đầu tư mở rộng kinh doanh dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp … Ngoài duy trì các loại cây trồng như lúa, ngô, rau màu, địa phương cũng đang tìm hiểu, nếu thấy kinh tế đồi rừng thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện về mọi mặt cho người dân về vốn, cây giống, kỹ thuật để bà còn đầu tư sâu vào loại hình kinh tế này. Tuy nhiên, chúng tôi rất mong nhà nước cần có sự thắt chặt của 4 nhà (Nhà nước, Nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) để sản phẩm của người dân làm ra sẽ được tiêu thụ ổn định, có như vậy, đời sống của những người nông dân mới mong được cải thiện.