Nét mới ở Phú Lương

14:15, 09/05/2009

Mấy năm trước, Phú Lương là địa phương gặp nhiều trở ngại trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và luôn bị "ấn tượng" bởi chậm bàn giao mặt bằng tuyến Quốc lộ 3 (đoạn qua địa phận của huyện). Nhưng nay, mọi chuyện đã khác rất nhiều, các nhà đầu tư khi thực hiện dự án tại Phú Lương đều đánh giá cao tiến độ GPMB của địa phương.

Dự án xây dựng Khu công nghiệp nhỏ Đu - Động Đạt do HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công làm chủ đầu tư có diện tích 25ha được triển khai thực hiện và bắt đầu kê khai, kiểm đếm từ tháng 6-2008. Đây là một trong những dự án trọng điểm của huyện Phú Lương, có 47 hộ dân trong diện bị ảnh hưởng. Tháng 12-2008, huyện có Quyết định phê duyệt phương án bồi thường GPMB và tháng 3-2009, công tác chi trả bồi thường đã hoàn tất với tổng số tiền 7,5 tỷ đồng, được giải ngân nhanh gọn trong 3 ngày. Kết quả này là nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương mà đặc biệt là của Ban bồi thường GPMB huyện bởi mức độ phức tạp trong GPMB dự án trên là không nhỏ. Toàn bộ 25ha đất trong Dự án đều thuộc đất của Nông trường Phú Lương giao khoán qua sổ sách cho 47 hộ dân là công nhân Nông trường từ nhiều năm trước. Qua một thời gian dài, hồ sơ lưu trữ bị thất lạc nhiều nên việc xác định diện tích đất bồi thường cho các hộ dân gặp không ít khó khăn. Nhận thấy rõ điều đó, huyện đã kiên trì tổ chức họp dân nhiều lần để bàn các biện pháp thống nhất ý kiến. Cùng với đó, Ban bồi thường GPMB huyện tiến hành niêm yết công khai phương án bồi thường tại trụ sở UBND xã Động Đạt, thị trấn Đu và các nhà văn hóa xóm, tiểu khu nhằm trưng cầu ý kiến đóng góp của nhân dân trước khi trình huyện phê duyệt. Qua đó, có nhiều ý kiến của người dân thắc mắc xung quanh vấn đề giá bồi thường, diện tích, số lượng kê khai, kiểm đếm... Với những ý kiến thắc mắc đúng, huyện tiến hành điều chỉnh, bổ sung phương án kịp thời, hợp lý, những ý kiến chưa đúng, hiểu sai lệch nội dung, cán bộ Ban bồi thường GPMB đến tận nơi giải thích để bà con hiểu, thực hiện theo. Do đó, khi phương án bồi thường được chính thức phê duyệt, 100% hộ dân trong diện ảnh hưởng cùng đồng thuận bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Anh Bùi Văn Hùng, xóm Vườn Thông, xã Động Đạt là một trong những hộ dân chịu ảnh hưởng của Dự án, cho biết: Sau khi nhận thức được tầm quan trọng của Dự án, gia đình tôi đồng ý ngay. Mọi người trong nhà đều đồng lòng bàn giao trên 1ha đất và nhà ở cho Nhà nước. Hiện tôi đang xây dựng nhà, sẵn sàng chuyển sang khi nhà đầu tư đến tiếp quản.

Cùng với Dự án trên, trong thời gian gần đây huyện Phú Lương đã bàn giao mặt bằng sớm và đúng tiến độ cho nhiều dự án: Dự án khai thác quặng sắt, diện tích 15ha tại khu vực xóm Phố Rá, xã Phấn Mễ với 70 hộ dân ảnh hưởng, kinh phí bồi thường 8,9 tỷ đồng; Dự án xây dựng Nhà máy gạch tuy nel và kết cấu thép tại xã Sơn Cẩm, diện tích 1,8ha, có 16 hộ dân bị ảnh hưởng, kinh phí đền bù gần 1 tỷ đồng; Dự án đường 268 từ Quốc lộ 3 qua địa phận xã Yên Đổ dài chừng 3km, trên 60 hộ dân ảnh hưởng. Ngoài ra, huyện còn tổ chức vận động hàng trăm hộ dân hiến đất thực hiện các dự án giao thông quan trọng trên địa bàn như: Quốc lộ 3 Phấn Mễ - Tức Tranh; Quốc lộ 3 Bến Giềng - Vô Tranh; ATK Phủ Lý - Hợp Thành...

Nhận định, GPMB là vấn đề khó và nhạy cảm, nên huyện Phú Lương đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các phòng, ban chuyên môn coi vấn đề tuyên truyền, vận động nhân dân là nhiệm vụ số một. Ông Vũ Thăng Long, Trưởng Ban bồi thường GPMB của huyện cho biết: "Trong quá trình GPMB, ít nhiều sẽ có trường hợp chống đối hoặc chây ì không nhận tiền bồi thường để bàn giao mặt bằng cho Nhà nước. Với những trường hợp này, chúng tôi sẽ kiên trì vận động, tuyên truyền, thuyết phục, có thái độ mềm mỏng nhưng khi cần cũng cương quyết, cứng rắn". Được biết, cùng với đó huyện Phú Lương cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện đúng, đủ các cơ chế, chính sách của Nhà nước trong GPMB, tránh làm thiếu, gây thiệt thòi cho nhân dân. Với những trường hợp vướng mắc kéo dài, hoặc người dân chưa thông hiểu chủ trương thu hồi đất xây dựng các công trình phục vụ dân sinh của huyện thì lãnh đạo huyện sẽ xuống tận nơi trực tiếp vận động, thuyết phục. Ông Nguyễn Vi Hồng, Chủ tịch UBND huyện và một số lãnh đạo huyện đã không ít lần thân chinh xuống cơ sở để "gỡ rối". Bằng uy tín của mình cộng với sự phân tích thấu tình, đạt lý, hầu hết những lần Chủ tịch UBND huyện có mặt ở điểm "nóng", mọi việc đều dần được giải quyết ổn thỏa. Ông tâm sự: "Việc thường xuyên quan tâm, sát sao tới công tác GPMB là trách nhiệm của lãnh đạo địa phương. Chính điều đó là nguồn động viên, khích lệ cán bộ mình làm việc tốt hơn, đồng thời tạo niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng, chính quyền cơ sở". Chính ông cũng là người lãnh đạo quyết đoán, một lúc thay mới toàn bộ nhân sự, chọn những người trẻ, năng động, có trình độ và đầy nhiệt huyết vào làm việc tại Ban bồi thường GPMB của huyện. Chính nhờ điều đó mà công tác GPMB thời gian gần đây trên địa bàn huyện Phú Lương trở nên trôi chảy hơn, hiệu quả hơn.

Hiện nay, khi tỉnh ta đang đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư thì việc mỗi địa phương có được sự năng động, hiệu quả trong công tác GPMB như Phú Lương sẽ là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của toàn tỉnh.