Nói ông Trần Xuân Hà ở xóm Song Thái 3, xã Điềm Mặc (Định Hoá) là người biết "giải phóng" sức lao động quả không ngoa. Ông là một trong những người đầu tiên của xã mạnh dạn đầu tư, đưa phương tiện cơ giới vào sản xuất nông nghiệp. Hiện trong nhà ông có cả chục loại máy nông nghiệp khác nhau, từ máy bơm nước, máy cày, đến máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy đốn tỉa, thu hái, sao… với trị giá gần 50 triệu đồng.
Tóm lại, gần như tất cả các công đoạn sản xuất trong nông nghiệp có thể đưa máy móc, thiết bị vào, ông Hà đều không bỏ qua. Quan điểm của ông là dùng máy móc để tăng năng suất lao động, tăng giá trị sản phẩm và quan trọng nhất là có thể giảm công sức lao động cho các thành viên trong gia đình.
Ông Hà theo gia đình lên Điềm Mặc khai hoang lập nghiệp từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trải qua quãng thời gian dài lận đận lập thân, xây dựng gia đình, giờ đây ông đã ổn định với một cơ ngơi khang trang và cuộc sống khấm khá. Hai đứa con trai của ông đã xây dựng gia đình và cùng lo toan làm ăn với vợ chồng ông. Hằng năm, với gần 2ha chè, trên 3 nghìn m2 ruộng hai vụ và làm thêm các dịch vụ khác, gia đình ông Hà luôn có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Với đặc điểm là vùng chè nguyên liệu, nên các sản phẩm chè ở Điềm Mặc chủ yếu phục vụ các nhà máy chè xuất khẩu trên địa bàn. Nắm bắt rất rõ tính chất này, ông Hà nghĩ ngay đến việc sử dụng máy hái chè, bởi thực tế, dùng máy hái sẽ rút ngắn được thời gian, giảm công lao động. Hơn nữa, do không phải vùng chè đặc sản nên quy trình thu hái không quá cầu kỳ và đòi hỏi phẩm cấp cao, có thể dùng máy hái đại trà. Ngoài ra, chi phí sử dụng máy hái không lớn, khoảng 20 nghìn đồng tiền xăng dầu/ngày. Vậy là không đắn đo suy tính nhiều, bố con ông mang 10 triệu đồng xuống Thái Nguyên mua máy hái chè. Ông Hà cho biết: "Trước đây, 6 lao động của gia đình tôi phải mất khoảng 25 ngày mới hái xong gần 2ha chè, nay dùng máy hái chỉ cần 3 người và mất có 7 ngày". Để có thể sử dụng máy hái trên toàn bộ diện tích chè của gia đình, ông Hà đã mua máy đốn chè. Ông cho hay, phải mất vài vụ dùng máy đốn cho thật phẳng bề mặt cây chè thì mới dùng máy hái được, lúc đó búp chè mới đều.
Cây chè là nguồn thu nhập chính của gia đình nên ông Hà không ngần ngại đầu tư máy móc cho tất cả các công đoạn làm chè. Vào mùa khô, ông thường dùng máy bơm nước từ ao lên tưới chè để đảm bảo một năm có thể thu hái được 7 lứa. Cứ sau mỗi lứa, ông lại dùng máy đốn chè và sử dụng máy phun thuốc bảo vệ thực vật giúp cây chè sinh trưởng, phát triển tốt. Các búp chè sau hái đều được đưa về sao, vò bằng máy và được xuất bán ngay tại nhà. Nhờ máy móc, thiết bị, mỗi năm gia đình ông tiết kiệm được hàng trăm công lao động so với sản xuất thủ công trước đây. Mỗi lứa chè, trừ mọi chi phí, gia đình ông thu về khoảng 6 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm gia đình ông cũng thu xấp xỉ 50 triệu đồng từ làm chè.
Do có đầy đủ máy móc thiết bị, nên mỗi khi đến vụ sản xuất bố con ông thường mang máy đi làm thêm cho các hộ dân trong vùng. Anh Trần Văn Thanh, con trai ông Hà cho biết: Vào vụ cấy, bố con tôi thường cày bừa thuê hoặc làm đổi công cho bà con. Đến mùa gặt lại đáp ứng mọi nhu cầu xay xát và khi chè hết lứa chính vụ gia đình lại mang máy đi đốn thuê. Máy hỏng thì mang sửa, dùng hết khấu hao lại đầu tư máy mới. Một năm cứ tuần tự như thế, gia đình tôi không bao giờ hết việc, thu nhập lại khá cao.
Việc đầu tư hàng chục triệu đồng đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp không còn là việc làm mới và hiếm đối với người nông dân trong tỉnh, nhưng việc biết khai thác và tận dụng triệt để những ưu việt của các phương tiện cơ giới vào sản xuất như gia đình ông Trần Văn Hà ở một xã còn nhiều khó khăn như Điềm Mặc thì thật đáng quý biết bao. Đây là mô hình cần được nhân rộng, chính quyền địa phương nên có những ưu tiên, khuyến khích người nông dân dám mạnh dạn đầu tư máy móc để "giải phóng" sức lao động.