Hàng trăm hộ dân 2 xã: Bàn Đạt, Đồng Liên (Phú Bình) đã ký cam kết tự nguyện hiến hàng chục nghìn mét vuông đất và vui vẻ tự tay thu dọn tài sản trên đất để bàn giao mặt bằng cho chính quyền địa phương thực hiện tuyến đường liên xã Đồng Liên - Bàn Đạt. Mọi người đều hiểu, chỉ khi có đường tốt mới mong diện mạo vùng quê vốn nghèo khó thay đổi, đi lên.
Có mặt trong ngày ra quân làm sạch mặt bằng để chính quyền địa phương bàn giao cho đơn vị thi công vừa qua, chúng tôi cảm nhận rõ tinh thần đoàn kết, sự quyết tâm của người dân nơi đây. 100% các hộ dân thuộc 4 xóm: Đồng Quan, Na Chặn, Đồng Vĩ, Việt Long của xã Bàn Đạt và xóm Bo, xã Đồng Liên - nơi có con đường chạy qua đều có mặt đông đủ, đúng giờ để thu dọn tài sản trên đất và san lấp mặt bằng. Người cuốc, người xẻng, người quang gánh... cả đoạn đường dài vang rộn tiếng nói, cười xen lẫn tiếng cây đổ. Sự có mặt và những lời động viên của các đồng chí lãnh đạo huyện Phú Bình càng làm tăng thêm sự quyết tâm trong mỗi người dân. Chứng kiến việc trao đổi, trò chuyện giữa đồng chí Chủ tịch UBND huyện với người 2 xã về những tâm tư, nguyện vọng xung quanh việc làm đường, chúng tôi thực sự cảm phục trước tấm lòng đầy trách nhiệm của bà con nơi đây. Tất cả đều chung suy nghĩ chỉ mong sao tuyến đường sớm hoàn thành để người dân đi lại đỡ vất vả. Còn việc Dự án không có kinh phí để giải phóng mặt bằng, mọi người đều hiểu, trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Phú Bình nói riêng hiện còn rất nhiều nơi người dân đang phải đi trên những đoạn đường đất gập ghềnh, chật hẹp. Nếu con đường nào cũng phải dành kinh phí để bồi thường giải phóng mặt bằng thì biết khi nào, người dân vùng xa xôi hẻo lánh mới có được đường tốt như người dân nơi đây sắp có. Và nếu nơi nào cũng yêu cầu tiền bồi thường thì Nhà nước lấy đâu kinh phí để hôm nay, người dân nơi đây được đầu tư làm đường...
Trao đổi với đồng chí Chủ tịch UBND xã Bàn Đạt chúng tôi được biết, để người dân hiểu và tự nguyện tham gia hiến đất, các xóm đã phải tiến hành họp dân nhiều lần để phổ biến chủ trương làm đường. Ban đầu, nhiều hộ dân cũng thắc mắc: Tại sao nhiều tuyến đường khác có kinh phí bồi thường mà ở dự án này lại không; nhiều người đồng ý hiến đất nhưng đề nghị được hỗ trợ tiền tài sản trên đất; có nhà giảm đến 500-700m2 đất lo ngại sau này con cái không có đất để xây nhà, sản xuất... Nhưng rồi, khi được phân tích về cái được từ con đường mang lại và sự cần thiết của việc người dân hiến đất, thì chính những người dân lại có ý thức tự vận động lẫn nhau. Vì thế, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, 102 hộ dân thuộc 4 xóm có con đường ngang qua đã đồng thuận hiến trên 13,5 nghìn m2 đất và thu dọn tài sản trên đất.
Ở xã Đồng Liên, việc hiến đất cũng được 100% các hộ liên quan tình nguyện hiến gần 5 nghìn m2. Hộ hiến nhiều nhất là Nguyễn Văn Hiển, Trưởng xóm Bo với trên 1.700m2 đất. Anh Hiển tâm sự: Khi chủ trương của Nhà nước đã hợp lòng dân, mình là cán bộ xóm mà không gương mẫu thì sao vận động được bà con. Anh Hiển cũng cho rằng, việc hiến đất này vừa là vì lợi ích chung của cộng đồng, cũng là vì lợi ích của chính gia đình, việc làm này được anh xem là bài học tốt để giáo dục con cháu có ý thức hơn trong việc thực hiện trách nhiệm với cộng đồng. Học tập anh, 10 hộ dân trong xóm cũng gạt qua mọi thắc mắc để góp công, góp của xây dựng quê hương.
Bà Vũ Thị Phẳng, xóm Bo, xã Đồng Liên vui vẻ tiếp chuyện: Đến giờ, tôi cũng không biết chính xác nhà tôi giảm đi bao nhiêu diện tích chỉ biết rằng đó là khu vườn rộng vài trăm mét vuông, với hàng trăm cây bạch đàn to, nhỏ. Nếu tính thành tiền thì số tài sản bằng cả chục năm gom góp của gia đình tôi. Nhưng cả nhà tôi ai cũng vui vẻ hiến đủ phần đất Nhà nước cần. Có đường rồi, người dân chúng tôi sẽ dễ dàng trong việc thông thương và có điều kiện để phát triển kinh tế, thoát được cảnh cây, con làm ra bị các tư thương ép giá.
Theo thiết kế, tuyến đường liên xã Đồng Liên - Bàn Đạt có nền đường rộng 10m, mặt đường 5,5 m (đường cấp IV miền núi), sẽ được thay thế cho con đường liên thôn nhỏ hẹp trước đây. Đúng như lời ông Hoàng Văn Quyền, dân tộc Sán Dìu, xóm Đồng Quan và ông Dương Đình Tự, xóm Việt Long (xã Bàn Đạt) thổ lộ: Có đường rồi, đời sống của bà con nơi đây sẽ khấm khá hơn; các cháu học sinh không còn phải lo ngã xe hay nghỉ học vào những ngày trời mưa; tình làng nghĩa xóm cũng sẽ thêm gắn bó.