Khi nông dân được tiếp sức

08:11, 14/07/2009

Nhiều nông dân với hai bàn tay trắng, nhưng nhờ có sự cần cù, chịu thương chịu khó, một nắng hai sương đã “biến sỏi đá thành cơm”; nay ngoài điều đó, họ còn được trang bị thêm vốn, kỹ thuật sản xuất tiên tiến… Khi được tiếp sức không ít nông dân đã trở thành ông chủ trên đồng ruộng của mình, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 

Anh Bùi Trọng Khương ở xóm Khe Mo 1, xã Khe Mo (Đồng Hỷ) không bao giờ nghĩ rằng có ngày mình lại trở thành ông chủ của một trang trại phát triển kinh tế theo mô hình tổng hợp V.A.C, được nhiều người trong và ngoài huyện đến thăm quan, học tập kinh nghiệm làm ăn. Vậy mà điều đó lại là sự thật sau gần chục năm vợ chồng anh vật lộn với những cơ cực của cuộc sống. Mới hôm nào, anh phải vắt kiệt sức lao động để đi làm thuê làm mướn mà vẫn chỉ bữa đói bữa no vì không có tư liệu để sản xuất. Có những ngày lao động quá mệt nhọc, tưởng không gượng dạy nổi, nhưng anh tự răn mình không dậy tức là “sống mà như chết”, nên phải cố gắng để vươn lên. Ông trời đã không phụ công người chịu khó lam làm, từ những đồng tiền ít ỏi mà vợ chồng anh gom góp được, anh đã mua được đất để sản xuất. Nhưng anh bảo cũng phải mất 10 lần mua bán, của 10 hộ khác nhau, anh mới “gom” được 15 sào đất. Có đất ắt có cơm, có sắn, gia đình anh thoát dần cảnh túng bấn và trở thành hộ sản xuất giỏi của huyện Đồng Hỷ với tổng thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm (chưa trừ chi phí). Từ chỗ phải đi làm thuê, giờ anh Khương lại thuê người khác về làm việc cho mình. Anh nói: Tôi có được ngày hôm nay là nhờ chăm chỉ lao động, nhưng bên cạnh đó tôi cũng nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng đã tạo điều kiện cho vay vốn làm ăn, hướng dẫn KHKT, định hướng cách làm ăn có hiệu quả, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình mình… 

 

Từ thân phận người làm thuê trở thành ông chủ - đó không còn là chuyện hiếm ở Đồng Hỷ. Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi đã bắt gặp hình ảnh nhiều người nông dân đi làm đồng, thay vì đi xe trâu, xe ngựa, đi bộ, họ đã phóng xe máy đến tận chân ruộng; thậm chí có người còn đi cả ô tô. Trên đồng ruộng, máy cầy, máy bừa đã thay thế sức kéo của trâu, bò. Để khuyến khích và ghi nhận những người nông dân biết sản xuất kinh doanh, từ đầu năm 2008, Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ đã phát động 18/18 cơ sở vận động hội viên nông dân tham gia phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, đã có gần 3.000 hộ nông dân đăng kí tham gia phong trào, chiếm 21,5% tổng số hội viên. Phong trào này đã tạo nên khí thế thi đua sản xuất, kinh doanh sôi nổi trong toàn huyện, người nông dân nâng cao được ý thức trong việc tính toán làm ăn sao cho có hiệu quả cao nhất.

 

Bên cạnh đó, Huyện hội tiếp tục chỉ đạo các cấp hội cơ sở tăng cường công tác chuyển giao KHKT cho bà con nông dân theo nhu cầu và có định hướng. Đồng thời kết hợp giữa hội thảo và thăm quan mô hình thực tế để giúp người nông dân tự đánh giá và đưa ra sự lựa chọn đúng đắn trong việc đầu tư sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt Hội Nông dân huyện đã tập trung triển khai các trương trình tập huấn đưa các giống cây, con mới vào sản xuất như: Hội đã phối hợp với tổ chức INSA (Tây Ban Nha) mở lớp kĩ thuật chăn nuôi nhím tại Thị trấn Sông Cầu; phối hợp với Công ty Rồng Vàng tập huấn, tuyên truyền trồng cây đậu tương; tập huấn thẩm định, triển khai trồng cây mây nếp K83 tại xã Văn Hán… Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2009, Hội đã mở được 134 lớp tập huấn thu hút hơn 5.400 lượt người tham dự; trong đó tổ chức được 16 hội thảo đầu bờ. Thực hiện công tác nhận uỷ thác vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất, tổng dư nợ đến nay đã lên tới hơn 32 tỷ đồng; Hội đứng ra tín chấp, cung ứng hàng nghìn tấn phân bón, vật tư cho nông dân theo phương thức trả chậm thuộc mặt hàng chính sách…

 

Chúng tôi trích lược tâm sự của anh Lê Hồng Tư, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Bà Đanh, xã Minh Lập để kết thúc bài viết này: Xóm Bà Đanh trước kia có số hộ nông dân nghèo nhiều nhất nhì trong xã, xóm có 56 hộ thì hộ nghèo chiếm hơn 50%. Giúp nông dân tìm hướng thoát nghèo, Hội đã phối hợp với ngân hàng cho nông dân vay vốn làm ăn; tích cực chuyển giao KHKT; hướng nông dân đầu tư vào phát triển chăn nuôi lợn nái, trâu, bò; thâm canh chè; đưa các giống cây, con mới vào sản xuất…Chỉ trong vòng có 3 năm trở lại đây, số hộ nghèo trong xóm đã giảm xuống còn 10 hộ; xóm còn duy nhất một hộ phải ở nhà tranh vách đất, kế hoạch cuối năm nay Hội sẽ đứng ra vận động các hội viên đóng góp công sức, tiền của giúp gia đình đó xây dựng một căn nhà mới. Vẫn mảnh đất đó, cánh đồng đó, nhưng giờ đây khi được trợ giúp, định hướng, hướng dẫn…người nông dân có thể làm chủ trên chính luống cầy của mình, đủ sức đầy lùi đói nghèo, lạc hậu.