Cách đây hơn 5 năm, vấn đề đầu tư cho viễn thông ở các vùng nông thôn trong tỉnh gặp nhiều khó khăn bởi các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này chỉ tập trung đầu tư tại các vùng đô thị nhằm nhanh thu hồi vốn. Còn đối với nhiệm vụ viễn thông chính sách ở nông thôn chỉ duy nhất có ngành Bưu chính - Viễn thông tham gia và đây thật sự là một gánh nặng…
Năm 2002, khi ngành Bưu chính - Viễn thông Thái Nguyên công bố đã xóa xong xã “trắng” về điện thoại cố định đã mang lại niềm vui, sự tự hào cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh bởi hồi đó cả nước mới chỉ có 10 tỉnh, thành phố làm được việc này. Đặc biệt là đối với người dân các xã vùng sâu, vùng xa của các địa phương: Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ thì khái niệm điện thoại còn xa vời có thể sử dụng ngay tại điểm bưu điện văn hóa xã. Hình ảnh ông trưởng bản Hạ Sơn Dao của xã Thần Sa (Võ Nhai) khi vừa gọi điện liên lạc xong với người con trai đang làm ăn tại tỉnh Đắk Lắk bước ra khỏi cửa Bưu điện văn hóa Thần Sa năm 2004 với khuôn mặt rạng ngời vì vui sướng khiến chúng tôi vẫn còn nhớ mãi.
Tuy nhiên, việc đầu tư công nghệ máy điện thoại cố định bằng công nghệ vô tuyến CT28 cho các điểm bưu điện văn hóa xã ở miền núi, vùng sâu, vùng xa rất tốn kém vì thiết bị đắt và phải sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị chuyên dụng như bình ắc quy, đầu thu phát. Phức tạp hơn là việc bảo quản và sử dụng máy điện thoại cố định CT28 không dễ dàng vì trình độ của cán bộ cơ sở còn hạn chế và thiết bị thường xuyên bị sét đánh cháy. Do vậy, chỉ trong thời gian ngắn sử dụng công nghệ máy điện thoại cố định CT28, ngành Bưu chính - Viễn thông đã phải bỏ ra rất nhiều tiền để duy tu bảo dưỡng, đội ngũ cán bộ kỹ thuật cũng phải thường xuyên ngược lên các xã vùng cao sửa chữa.
Ông Bùi Văn Hoan, Giám đốc Công ty Viễn thông Thái Nguyên (hồi đó là Phó giám đốc Bưu điện tỉnh phụ trách công tác này) nhớ lại: “Tự hào là một trong những tỉnh đầu tiên xóa xong xã "trắng" về điện thoại cố định nhưng chúng tôi vô cùng vất vả vì những máy điện thoại cố định CT28. Song chính sự khởi đầu khó khăn này đã giúp đơn vị thuận lợi hơn về các chương trình đầu tư cho viễn thông ở nông thôn sau này…”. Không dừng ở việc đưa điện thoại cố định về tới các xã vùng sâu, vùng xa mà từ năm 2004 trở lại, ngành Bưu chính - Viễn thông đã đầu tư máy móc, thiết bị, kinh phí, con người để duy trì hoạt động của dịch vụ internet băng thông rộng tại các điểm bưu điện văn hóa xã trên địa bàn tỉnh. Đây là bước đột phá quan trọng trong quá trình đầu tư công nghệ thông tin - viễn thông ở nông thôn vì với điện thoại cố định, người dân chỉ được hưởng lợi dịch vụ liên lạc nhưng với internet thì việc liên lạc, giải trí, tra cứu thông tin văn hóa, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế đều thực hiện được.
Với vai trò là đơn vị tiên phong trong việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư viễn thông cho vùng nông thôn, nhiều năm qua, ngành Bưu chính - Viên thông Thái Nguyên tiếp tục duy trì mạng lưới hoạt động điện thoại cố định, internet ở 139 điểm bưu điện văn hóa xã (trừ những phường, xã đã có điểm bưu cục hoạt động) nhưng đã thay thế điện thoại cố định từ công nghệ vô tuyến CT28 sang công nghệ cáp hữu tuyến, cải tiến đường truyền để truy cập internet nhanh hơn. Đồng thời không ngừng đầu từ đường cáp, trạm phát sóng BTS, các điểm internet băng thông rộng tại khắp các vùng nông thôn trong tỉnh. Hiện mỗi năm, Công ty Viễn thông Thái Nguyên và Bưu điện tỉnh tiếp tục đầu tư khoảng trên 100 tỷ đồng để phát triển mạng lưới công nghệ thông tin - viễn thông phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn trong tỉnh.
Bên cạnh các đơn vị trực thuộc Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông tại Thái Nguyên thực hiện đầu tư phát triển viễn thông ở vùng nông thôn thì hiện trên địa bàn tỉnh còn có thêm các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này đã, đang tiến hành đầu tư để cùng san sẻ gánh nặng như: Chi nhánh Công ty Viễn thông Quân đội, Công ty Viễn thông điện lực… với tổng số vốn lên tới chục tỷ đồng/năm.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh cùng đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin - viễn thông ở nông thôn nên hiện lĩnh vực này đã đạt nhiều kết quả: Mạng lưới các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ nhu cầu sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông liên tục được xây dựng; 100% số xã trong tỉnh có đường cấp quang và trạm phát sóng BTS (một số xã còn có tới 2, 3 trạm BTS); mật độ điện thoại trong tỉnh ở mức 46,37 máy/100 dân (điện thoại cố định 15,31/100 dân, điện thoại di động 31,06/100 dân); tổng số có 19.207 thuê bao sử dụng internet… Với các kết quả trên, tỉnh đã hoàn thành trước kế hoạch về chỉ tiêu phát triển công nghệ thông tin - viễn thông so với chỉ tiêu Nghị quyết lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh đề ra.
Bên cạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin - viễn thông đầu tư các dịch vụ viễn thông về nông thôn để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, các ngành chức năng của tỉnh cũng nên tăng cường kiểm tra, giám sát hơn nữa về chất lượng cung cấp dịch vụ, vấn đề an ninh viễn thông…