Được biết tôi muốn đến một số hộ nông dân vừa được vay vốn ngân hàng theo chương trình kích cầu của Chính phủ, chị Dương Thị Miền, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Bình (NHNoPB) mong muốn chúng tôi tự lựa chọn và đến các hộ ngân hàng đã cho vay để thấy được việc cho vay vốn của ngân hàng là khách quan, đúng mục đích.
Tôi đã lựa chọn gia đình anh Vi Văn Thọ ở xóm Bla, xã Tân Kim- đây là hộ đầu tiên của huyện và cũng là hộ đầu tiên của cả tỉnh được vay vốn đầu tư mua máy móc phục vụ sản xuất theo Quyết định 497, ngày 17- 4-2009 của Thủ tưởng Chính phủ, về việc hỗ trợ lãi suất (HTLS) vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng ở khu vực nông thôn.
Con đường đến xóm Bla dài có 5 km tính từ UBND xã Tân Kim, nhưng chiếc ô tô đưa chúng tôi đi phải vật lộn đến đúng nửa tiếng đồng hồ mới vào được đầu xóm vì đường quá xấu. Chiếc xe ô tô cứ dềnh lên, chúi xuống để tránh những hố lầy, nếu lái xe chỉ bất cẩn một chút là bánh xe sẽ nằm gọn dưới hố sâu, phải nhờ xe cẩu mới kéo lên được. Xe đến Nhà văn hóa xóm lại phải đỗ ở đó để chúng tôi đi bộ vào nhà anh Thọ. Rất may, anh Thọ lại có ở nhà (vì chúng tôi không liên lạc trước với anh để thông báo). Nhìn cơ ngơi nhà anh, tôi nghĩ, gia đình cũng không hẳn là hộ nghèo: gà, vịt nuôi hàng trăm con; nhà xây, trong nhà có đủ các vật dụng cần thiết để dùng. Điều này được anh xác nhận: gia đình cũng là một trong số ít hộ có kinh tế khá của xóm. Ngoài những gì tôi nhìn thấy, anh cho biết, gia đình còn có 2 ha rừng, 3 ao thả cá, trong chuồng lợn thường xuyên nuôi từ 5 đến 6 con. Chị Hoàng Thị Nông, Trưởng phòng Tín dụng của NHNoPB đi cùng tôi phân trần: Lúc đầu, anh Thọ đến Ngân hàng đề nghị được vay 100 triệu đồng để chăn nuôi. Nhưng khi vào gia đình thẩm định, cán bộ tín dụng thấy quy mô chăn nuôi của gia đình chưa phù hợp với mức đề nghị xin vay vốn. Trong khi đó, gia đình vừa mua ô tô với trị giá trên 200 triệu đồng, còn nợ 80 triệu đồng, chiếc xe anh vừa mua có đầy đủ thủ tục để được HTLS nhưng anh lại không đề nghị vay vốn mua ô tô. Cán bộ tín dụng đã phổ biến chính sách mới cho gia đình và hướng dẫn gia đình làm thủ tục vay vốn mua ô tô, sẽ được HTLS và được giải quyết cho vay đến 80 triệu đồng. Nhờ được vay vốn HTLS (lãi suất bằng o%), được vay trong thời gian 24 tháng, nên anh đã yên tâm làm ăn và bước đầu có hiệu quả. Anh Vi Văn Thọ vui mừng cho biết: Tôi muốn đầu tư mua xe tải nhẹ để vận chuyển vật liệu xây dựng, vừa là để tăng thêm thu nhập cho gia đình; vừa để phục vụ nhu cầu của bà con trong xóm. Vì thấy được nhu cầu hiện nay của bà con các hộ dân xóm Bla rất lớn: các hộ chủ yếu đều có rừng đang vào thời kỳ khai thác (hộ trồng nhiều cũng 5 ha, trồng ít cũng 1 ha); bên cạnh đó, nhu cầu xây dựng cũng tăng. Trong khi đó cả xóm chưa ai có ô tô nên tôi đã quyết định mua. Đến nay, mới được 3 tháng (vay từ tháng 5-20090, tôi thấy bước đầu đã mang lại hiệu quả tốt. Điều mà tôi tâm đắc là vốn vay không phải lãi suất, thời hạn dài, sẽ giúp tôi có điều kiện làm ăn có hiệu quả cao hơn".
Qua danh sách các hộ đã vay vốn mua máy móc, tôi tiếp tục đề nghị được đến gia đình anh Nguyễn Văn Khương, ở xóm Náng, Nhã Lộng (Phú Bình). Đây là hộ cũng được NHNoPB vừa giải quyết cho vay mua máy cày trong tháng 7/ 2009. Anh rất vui khi chỉ vào chiếc máy cày: Trước đây, chưa có máy cày, gia đình tôi phải mất một công lao động để chăn trâu. Đó là chưa kể lúc trâu bị bệnh, thời tiết rét đậm cứ phải lo lắng trâu chết. Được Ngân hàng cho vay 10 triệu đồng, gia đình đã tiết kiệm được công lao động chăn trâu, chi phí cũng rất rẻ (mỗi mẫu chỉ mất 3 lít dầu). Bên cạnh đó, còn tiết kiệm được thời gian; ngoài việc cày ruộng của gia đình kịp thời, trong vụ mùa này, anh còn cày thêm được 3 mẫu ruộng cho bà con trong xóm, mỗi mẫu cũng thu được 800 nghìn đồng. Anh bảo: nhu cầu của bà con trong xóm rất lớn, nhưng do không có lao động để cày, nên một mình anh chỉ làm được đến thế. Nếu có 3 người cùng làm thì chẳng mấy chốc anh sẽ trả được vốn vay ngân hàng.
Còn anh Nguyễn Văn Huyến ở xóm Trại Điện, xã Kha Sơn cũng rất tâm đắc khi được nhà nước cho vay HTLS để mua máy móc. Anh bảo: Nhờ được vay 25 triệu đồng, lãi suất bằng 0%, thời hạn 24 tháng, anh đã có điều kiện mua bộ máy xát liên hoàn mới (trị giá cả bộ máy là 27 triệu đồng) với công suất 850kw/h. Bộ máy xát này có ưu điểm hơn so với các loại máy xát cũ (công suất 700kw/h) là hạt gạo rộng, đẹp hơn; tỷ lệ tấm và cám ít hơn; tỷ lệ gạo đạt cao hơn (1 tạ thóc xát ra đạt 70% gạo; loại máy cũ chỉ đạt 66 đến 67% tỷ lệ gạo) nên đã thu hút được khách hàng đến xát gạo nhiều hơn. Ngoài ra, anh còn tận dụng được cám rơi, đầu mày để chăn 2 lợn nái, 2 con bò, 10 con lợn bột. Nhờ đó giảm được chi phí vận chuyển đi lại, chi phí sát thóc, nghiền ngô; công trộn; tiết kiệm được thời gian và chủ động được mọi công việc trong gia đình.
Có thể kể ra nhiều mô hình được vay vốn HTLS mua máy móc phục vụ sản xuất kinh doanh ở Phú Bình đang phát huy hiệu quả khá tốt. Được biết: Tính đến hết tháng 7/2009, Chi nhánh NHNoPB đã cho 2.745 khách hàng vay vốn HTLS ngắn hạn, trung hạn và dài hạn với số tiền 68 tỷ 550 triệu đồng. Riêng cho vay theo Quyết định 497 (mới triển khai từ tháng 5/2009), tuy cho vay theo gói kích cầu này có khăn khăn hơn do hạn chế về đối tượng cho vay (theo chính sách HTLS thì khống chế về trọng tải, dung tích máy, xuất xứ nguồn hàng - phải là hàng sản xuất trong nước, hàng có thương hiệu mới được HTLS - nhưng Chi nhánh NHNoPB đã có nhiều cố gắng phổ biến, triển khai, hướng dẫn Quyết định đến dân. Nên đến 31/7, Chi nhánh là một trong hai Chi nhánh NHNo cấp huyện (cùng với NHNo Đồng Hỷ) trên địa bàn tỉnh có hộ được vay sớm nhất, với nhiều món vay nhất (tổng số 17 món vay đầu tư mua máy móc, với tổng dư nợ 1,381 tỷ đồng.Trong đó, có 5 máy cày, 9 xe tải nhẹ, 1 máy xát, 1 máy cưa, hỗ trợ làm được 1 nhà ở (50 triệu đồng). Song theo chị Dương Thị Miền thì: Hiện nay, khó khăn lớn nhất của Chi nhánh chính là nhu cầu vay vốn của các hộ dân là rất lớn nhưng nguồn vốn lại có hạn. Do là huyện nghèo nên khả năng huy động tại chỗ thấp, hàng năm Ngân hàng chỉ đáp ứng được 70% vốn cho vay tại chỗ, còn 30% vẫn phải hỗ trợ từ Ngân hàng cấp trên. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, thực hiện 3 gói kích cầu của Chính phủ, Chi nhánh đã thực hiện miễn giảm tiền lãi HTLS cho khách hàng vay với số tiền 527 triệu đồng, nhưng Chi nhánh mới được cấp bù 191 triệu đồng, nên vốn đã thiếu lại càng thiếu. Ngoài ra, thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng cấp trên, từ tháng 7/2009 đến cuối năm nay, các Chi nhánh ngân hàng phải hạn chế cho vay, trong đó, Chi nhánh chỉ được phép duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức 32% (đó là trong điều kiện toàn hệ thống NHNo cân đối được vốn). Đây cũng là khó khăn khi các gói kích cầu của Chính phủ đang mở ra; nhu cầu vốn của người dân đang rất cần nhiều vào cuối năm thì lại phải hạn chế. Vì vậy, Ngân hàng cũng rất cần sự chia sẻ của khách hàng.