Hiệu quả ứng dụng công nghệ bơm thuỷ luân ở Định Hoá

11:16, 19/08/2009

Đầu tư không lớn lại không tốn chút nhiên liệu nào, nhưng hiệu quả tưới tiêu rất cao, đó là công nghệ bơm thuỷ luân đang được ứng dụng tại thị trấn Chợ Chu và xã Tân Dương (Định Hoá). Từ chỗ phải đóng tiền thuê bơm tưới, nguồn nước thất thường và chỉ canh tác được hai vụ, hiện nay bà con nông dân nơi đây đã chủ động được nguồn nước tưới, có thể sản xuất ba vụ/năm.

 

Bơm thuỷ luân là công nghệ sử dụng tuốc-bin, lợi dụng sức nước để vận hành máy bơm. Bởi vậy, khi sử dụng công nghệ này, nhất là với khu vực miền núi, vùng cao - nơi có độ dốc dòng chảy sông suối lớn - sẽ rất phù hợp, hiệu quả. Đầu tư ban đầu cho hệ thống bơm thuỷ luân gồm một đập tràn, máy tuốc-bin và hệ thống kênh đầu mối. Công nghệ này không cần thiết phải xây hệ thống trạm bảo vệ, không tốn điện hay xăng, dầu như các trạm bơm thông thường khác. Công việc của người quản lý hệ thống bơm thuỷ luân đơn giản, chỉ là động tác đóng, mở van xả nước mỗi khi cần. Chính bởi vậy, được sự giúp đỡ của tổ chức BORDA (Cộng hoà liên bang Đức) và Viện Thuỷ điện và Tái tạo năng lượng (Viện Khoa học thuỷ lợi - Bộ Nông nghiệp và PTNT), Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng tại Định Hoá 2 công trình bơm thuỷ luân từ năm 2005-2006.

 

Những ngày gần đây, chúng tôi đã thực tế khảo sát tại hai công trình bơm thuỷ luân ở thị trấn Chợ Chu và xã Tân Dương để thấy được tính ưu việt của công nghệ này trong sản xuất nông nghiệp. Người nông dân đầu tiên chúng tôi tiếp xúc là bà Đào Thị Hoa, xóm Bãi Á 1, thị trấn Chợ Chu. Gia đình bà có trên 1.000 m2 đất nông nghiệp. Trước đây, khi chưa có công trình bơm thuỷ luân, gia đình bà cũng như nhiều hộ nông dân khác trong xóm phải thuê bơm nước từ suối Chợ Chu lên ruộng. Nhưng từ ngày có hệ thống bơm tưới mới, ruộng của gia đình bà luôn đủ nước. Bà Hoa cho biết: Trước đây, vào mỗi vụ lúa cả gia đình đều lo lắng chạy vạy đi thuê người bơm nước. Vì trong xã có rất ít máy bơm nên gia đình thường phải đặt thuê trước hàng chục ngày. Thuê được rồi phải bố trí người khênh máy ra đồng, đêm hôm phải thức để trông máy. Giá thuê bơm nước cũng khá cao: Bơm nước làm ải đất là 50 nghìn đồng/sào, bơm dưỡng lúa là 40 nghìn đồng. Tính ra, chỉ có khoảng 3 sào lúa thôi nhưng mỗi vụ gia đình tôi cũng mất mấy trăm nghìn tiền bơm nước. Còn hiện nay, cả năm chỉ phải đóng 10 nghìn đồng tiền bảo quản và vận hành công trình. Hơn thế nữa, đang từ hai vụ, hiện nay gia đình tôi đã làm được 3 vụ/năm (hai lúa, một mầu).

 

Gia đình ông Lương Văn Thu, xóm Tân Tiến, xã Tân Dương có khoảng 7.000m2 đất ruộng hai lúa. Thời gian qua, toàn bộ số diện tích trên đều chủ động được nguồn nước nhờ hệ thống bơm thuỷ luân của xã. Ông tâm sự: Trước đây cả xóm chúng tôi phải góp dầu, thuê máy bơm về tưới lúa, cây mầu. Đặc biệt, vào mùa khô, cả xóm nhà nào nhà nấy thường đôn đáo tìm thuê máy bơm nước. Do công suất máy bơm nước nhỏ nên nhiều gia đình khi đến lượt thì cây trồng đã úa gần hết. Còn hiện nay, khi đến vụ sản xuất, chúng tôi không còn lo lắng về nước tưới nữa mà tập trung thời gian cho việc phòng trừ sâu bệnh, bón phân cho cây trồng.

 

Hai công trình bơm thuỷ luân tại huyện Định Hoá được đầu tư theo hình thức kết hợp các nguồn vốn khác nhau. Đối với công trình tại thị trấn Chợ Chu, nguồn vốn chủ yếu do nhân dân địa phương đóng góp, mức đầu tư gần 600 triệu đồng. Diện tích tưới của công trình này là 35ha lúa của gần 80 hộ dân xóm Đồng Chùa và các xóm lân cận. Công trình bơm thuỷ luân xã Tân Dương, mức đầu tư gần 1 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135, phục vụ tưới cho khoảng 50ha lúa của nhân dân 3 xóm trong xã. Ông Lý Chí Pẩu, người trực tiếp được giao quản lý công trình bơm thuỷ luân Tân Dương cho hay: Việc vận hành công trình bơm thuỷ luân không phức tạp như hệ thống máy bơm tưới khác. Cứ khi nào cần nước tưới thì mở cống để vận hành. Công việc thường xuyên nhất của tôi là nạo vét kênh mương đầu mối và thu gom rác quanh đập nước. Bởi vậy, tôi vẫn có thể vừa quản lý điều hành công trình bơm nước vừa chăm sóc tốt cho 5 sào lúa của gia đình.

 

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh một lần nữa khẳng định tính hiệu quả của hai công trình nói trên. Bà cho biết: Theo tính toán từ thực tế, việc sử dụng bơm thuỷ luân tại hai địa phương nói trên sẽ góp phần tăng năng suất lúa lên từ 10-15% so với trước. Hiện nay, ngoài huyện Định Hoá còn có một công trình đang vận hành tại huyện Đồng Hỷ, đó là công trình bơm thuỷ luân xã Hoá Thượng. Tới đây sẽ có thêm một công trình bơm nước thuỷ luân nữa tại xã Phú Thịnh (Đại Từ). Được biết, Hội Nông dân tỉnh đang triển khai Dự án xây dựng mô hình tưới nước thâm canh bằng bơm thuỷ luân. Mục tiêu của Dự án là phổ biến, nâng cao kỹ năng, kỹ thuật vận hành máy bơm thuỷ luân, giúp nông dân miền núi tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn nước để thâm canh cây trồng và thành lập được các tổ hợp tác sử dụng nước…