Kỳ I: Lập lại trật tự quản lý khoáng sản

10:51, 27/08/2009

Sức ép của sự phát triển đã nảy sinh tính phức tạp trong các mối quan hệ xã hội, đòi hỏi công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền càng phải trở nên quyết liệt hơn. Với Thái Nguyên, tính quyết liệt được cụ thể hoá bằng 3 nhóm giải pháp chính, thể hiện cô đọng trong cụm từ: "5 đẩy, 4 quản, 3 chống". Nhóm giải pháp "4 quản" bao gồm: Quản lý Nhà nước về khoáng sản, về tài nguyên rừng, về đất đai và về đô thị.

 

Một thời gian dài công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn, trở ngại: Tình trạng lộn xộn, tranh mua, tranh bán giữa các cá nhân với nhau diễn ra phổ biến; việc cấp mỏ khai thác khoáng sản thiếu tính quy củ, cảm tính dẫn tới lãng phí tài nguyên; cấp chính quyền cơ sở dường như đứng ngoài cuộc… Tuy nhiên, thời gian gần đây thực trạng này đã cơ bản được giải quyết, trật tự trong quản lý nguồn tài nguyên quý giá này đã được lập lại.

 

Một thời nóng bỏng

 

Mỏ sắt Trại Cau (Đồng Hỷ) từng là tâm điểm của nạn khai thác khoáng sản trái phép. Từ năm 2001, rất nhiều đối tượng là người dân quanh khu vực thị trấn Trại Cau và các xã lân cận đã coi việc đào bới, khai thác trộm quặng sắt là việc làm mang lại thu nhập chính cho gia đình. Năm 2007, khi Công ty Gang thép Thái Nguyên - đơn vị chủ quản của Mỏ sắt Trại Cau - có chủ trương bán lại đất quặng nghèo tại những điểm mỏ đã khai thác cho một số doanh nghiệp vào tận thu thì tình trạng khai thác trái phép ở Trại Cau càng trở nên nóng bỏng hơn. Lợi dụng việc vận chuyển, khai thác bừa bãi của các doanh nghiệp, nhiều đối tượng (cả ở bên Bắc Giang sang) đã đổ xô đi đào quặng trộm. Thời điểm đó, Mỏ sắt Trại Cau giống như một tụ điểm gây mất an ninh trật tự nhất của huyện Đồng Hỷ. Lực lượng bảo vệ Mỏ thường xuyên làm việc hết công suất, nhiều khi phải đối đầu trực tiếp với "quặng tặc". Không ít trường hợp bảo vệ mỏ bị hành hung phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện khi đang thực hiện nhiệm vụ.

 

Cũng một thời nóng bỏng không kém vùng mỏ Trại Cau, khu vực mỏ titan Cây Châm, xã Động Đạt (Phú Lương) được biết đến với những bưởng quặng có máu mặt. Năm 2005 là mốc thời gian mà tình trạng khai thác trái phép quặng titan Cây Châm ở cao trào nhất. Lúc đó, nhiều bưởng quặng là người địa phương đã ngang nhiên đến mức dùng cả máy xúc, máy ủi, xe vận tải lớn vào Mỏ khai thác trái phép. Có bưởng nhờ làm quặng lậu mà thành lập cả công ty riêng, xây nhà cao tầng, mua ô tô con để tiện cho việc "giao dịch". Chính quyền cơ sở lúc đó biết mười mươi nhưng dường như chỉ "khoanh tay đứng nhìn". Có lẽ cũng bởi một trong những người tiếp tay, bao che cho bưởng quặng lại chính là bí thư chi bộ của xóm (?!).

 

Gần đây nhất, từ đầu năm 2008, tình trạng khai thác vàng trái phép ở khu vực xã Thần Sa (Võ Nhai) một lần nữa lại bùng phát trở lại sau một thời gian dài yên ắng. Các bưởng từ nhiều nơi đổ về khu vực núi đá Tau Lườn tổ chức đội hình, lập lán trại, nổ mìn phá đá, xuống hang đào đãi vàng trái phép. Khu vực Tau Lườn, Kim Sơn, Xuyên Sơn của xã Thần Sa lại trở nên sôi động như một tụ điểm với đầy dẫy tệ nạn xã hội phát sinh. Tình trạng đào đãi vàng trái phép ở đây diễn ra hàng năm trời nhưng chính quyền cơ sở vẫn làm ngơ. Ngay cả lãnh đạo huyện Võ Nhai khi phóng viên Báo Thái Nguyên đem sự việc này trao đổi mới giật mình vì "không được cấp dưới báo cáo".

 

Những vấn đề trên cho thấy, một thời gian dài công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản ở các địa phương bị buông lỏng. Sự vào cuộc, phối hợp của các cấp chính quyền, các ngành liên quan trong quản lý tài nguyên khoáng sản còn rất lỏng lẻo…

 

Trật tự được lập lại

 

Trước thực trạng trên, tỉnh đã lên kế hoạch thực hiện các giải pháp tức thì và mang tính lâu dài về đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Đây là một trong những nội dung được triển khai sớm của nhóm giải pháp "4 quản" mà tỉnh đã đề ra. Một trong những biện pháp mạnh tay nhất nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép chính là chủ trương cấm vận chuyển quặng sắt ra ngoài tỉnh. Song cùng với đó là đình chỉ việc khai thác tận thu quặng sắt của các doanh nghiệp nhỏ tại khu vực Mỏ Trại Cau. Bởi đây chính là nguyên nhân cơ bản nảy sinh tình trạng lộn xộn, tranh mua, tranh bán, mất an ninh trật tự ở khu vực này nhiều năm qua. Khi tiến hành các biện pháp này, một thực tế diễn ra là quặng sắt của các tập thể, cá nhân sau khai thác còn để tồn đọng rất nhiều, nếu không xử lý sẽ tiếp tục gây ra lộn xộn về sau. Do đó, tỉnh đã quyết định xử lý toàn bộ số quặng tồn tại khu vực này.

 

Đối với điểm nóng về khai thác quặng titan tại Phú Lương và khai thác vàng trái phép tại Võ Nhai, tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức các đợt truy quét, giải toả dứt điểm. Sau giải toả, khu vực mỏ được bàn giao lại cho doanh nghiệp có đủ năng lực, thẩm quyền khai thác theo hướng công nghiệp quy củ. Hiện nay, toàn bộ khu vực mỏ titan Cây Châm đã bàn giao lại cho 3 doanh nghiệp của tỉnh khai thác, chế biến công nghiệp; một số mỏ vàng ở Thần Sa cũng đã giao lại cho các doanh nghiệp khai khoáng của tỉnh quản lý, tận thu. Một trong những giải pháp được xem là mang tầm chiến lược, bền vững trong công tác quản lý khoáng sản của tỉnh chính là quy hoạch, xác định trữ lượng từng loại khoáng sản và cấp mỏ cho những doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy chế biến sâu.

 

Phản hồi từ cơ sở

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Tế Hanh, Chủ tịch UBND xã Động Đạt nói: Có sự vào cuộc đắc lực từ các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện và xã nên trật tự tại khu vực mỏ titan Cây Châm đã được lập lại. Địa phương thực sự yên tâm khi mỏ đã được giao lại cho các doanh nghiệp có đủ năng lực quản lý. Còn ông Trần Văn Tập, Chủ tịch UBND xã Thần Sa cho hay: Để việc khai thác vàng trái phép xảy ra, lỗi lớn thuộc về chính quyền cơ sở. Chúng tôi đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm ngay sau khi điểm nóng được giải toả. Ông Bùi Công Thành, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, người trực tiếp chỉ huy giải toả và lập lại trật tự ở vùng vàng Thần Sa bày tỏ: Đối với những điểm nóng như vậy, chúng tôi phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Có thế, sự việc mới được giải quyết nhanh chóng, triệt để và ổn định lâu dài. Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, ông Dương Văn Lành khẳng định: Việc tăng cường quản lý khoáng sản của tỉnh thời gian qua đã mang lại hiệu quả rất lớn. Trên địa bàn huyện giờ đây không còn điểm nóng về nạn khai thác khoáng sản trái phép nào. Khu vực mỏ Trại Cau đã trở lại bình yên. Nhiệm vụ của huyện bây giờ là duy trì sự ổn định và tăng cường quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này. Đại diện cho các doanh nghiệp khai khoáng, ông Nguyễn Huy Quý, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long tâm sự: Sự bình yên trở lại của các điểm mỏ khoáng sản đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chúng tôi phát triển ổn định. Cộng đồng các doanh nghiệp khai khoáng rất ủng hộ và đồng tình với chủ trương quản lý khoáng sản hiện nay của tỉnh…

 

(Còn nữa)