“Cuộc chiến” nóng bỏng bảo vệ rừng chưa đến hồi kết. Đó là thực tế không thể phủ nhận, nhất là khi các vụ phá rừng, hành hung kiểm lâm… vẫn từng ngày diễn ra. Tài nguyên rừng, đặc biệt là rừng gỗ quý hiếm của Thái Nguyên đang ngày một cạn kiệt. Trước thực trạng đó, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã và đang được huy động để cùng lập lại trật tự, tiến tới bảo vệ rừng bền vững.
Rừng đang “chảy máu”
Thời gian qua, hàng loạt vụ phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép đã diễn ra trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các địa bàn nóng bỏng như: Võ Nhai, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Lương. Cả tỉnh hiện có trên 168 nghìn ha rừng, trong đó có gần 100 nghìn ha rừng tự nhiên với nhiều loại gỗ quý hiếm. Võ Nhai là địa phương gần như duy nhất của tỉnh còn nhiều loại gỗ rừng quý hiếm, tập trung chủ yếu ở 6 xã phía Bắc của huyện là: Thượng Nung, Cúc Đường, Thần Sa, Nghinh Tường, Sảng Mộc, và Vũ Chấn. Đây cũng là tâm điểm của các vụ phá rừng, hành hung lực lượng chức năng thi hành công vụ. Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tình trạng phá rừng, chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng đang có chiều hướng gia tăng và phức tạp.
Xin nêu một vài vụ "điển hình" xảy ra trong thời gian gần đây tại huyện Võ Nhai để minh chứng cho những nhận định trên. Đầu tiên phải kể đến là vụ hơn 40 thanh niên ngang nhiên cướp xe ô tô chở gỗ trái phép là tang vật đang tạm giữ tại Trạm Kiểm lâm Nghinh Tường hồi tháng 5/2008. Tiếp đó, ngày 17/9/2008, các cán bộ Hạt Kiểm lâm Võ Nhai phát hiện một số gỗ nghiến tròn và nghiến xẻ chuyên chở trái phép trên xe công nông tại xóm Nà Lẹng, xã Nghinh Tường. Tuy nhiên khi các cán bộ Kiểm lâm tiến hành thu giữ thì đã bị các đối tượng dùng đá chống trả quyết liệt khiến một cán bộ của Hạt bị thương khá nặng. Gần đây nhất, tháng 4/2009, các đối tượng khai thác gỗ trái phép tại xã Nghinh Tường đã đuổi theo cán bộ Kiểm lâm hơn 8km, dùng dao hành hung, đập phá xe máy và lấy đi một số tài sản. Ông Vũ Văn Toản, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Cúc Đường cho biết: Các đối tượng khai thác gỗ trái phép ngày càng tinh vi và liều lĩnh hơn. Lực lượng Kiểm lâm lại mỏng nên nhiều khi không áp chế nổi, nhất là trong những trường hợp đột xuất, bất ngờ.
Ngoài ra cũng phải kể đến một số vụ câu kết phá rừng trên diện rộng xảy ra thời gian qua ở Võ Nhai. Điển hình là vụ phá rừng đầu nguồn hồ Quán Chẽ, xã Dân Tiến. Rừng ở đây có diện tích gần 3.000ha, thuộc hệ sinh thái đầu nguồn hồ Quán Chẽ, tuy nhiên trong một thời gian dài đã bị tàn phá nặng nề. Hàng chục ha rừng bị lâm tặc ngang nhiên đốn hạ. Chính quyền địa phương dường như không hay biết hoặc có biết cũng khoanh tay làm ngơ. Theo thống kê sơ bộ, trong hai năm trở lại đây, trên địa bàn Võ Nhai có tới hàng chục vụ khai thác, tàng trữ gỗ rừng trái phép với quy mô lớn. Đó là vụ lợi dụng trồng rừng mới để phá rừng ở Sảng Mộc, vụ phá rừng để khai thác vàng ở Thần Sa, vụ tàng trữ trái phép trên 10m3 gỗ quý hiếm tại xã La Hiên… Ông Nguyễn Hồng Thụ, Chủ tịch UBND xã Vũ Chấn phân trần: Xã chúng tôi là một trong những trọng điểm của nạn vận chuyển gỗ lậu. Vậy nhưng việc kiểm tra, thu giữ gặp nhiều khó khăn. Đụng đâu cũng là người làng, người xã, nên anh em cũng có những nể nang nhất định?!
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2009, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng phát hiện, xử lý 616 vụ vi phạm Lâm luật, tịch thu gần 580m3 gỗ quy tròn các loại và 182 phương tiện vi phạm. Trong đó, riêng ở huyện Võ Nhai, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản 116 vụ, tịch thu trên 26m3 gỗ quý hiếm, xử phạt hành chính trên 40 triệu đồng. Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động của tỉnh, người trực tiếp xử lý nhiều vụ vi phạm Lâm luật, ông Ngô Thanh Sơn khi trò chuyện với phóng viên Báo Thái Nguyên đã không giấu diếm: Chúng tôi thường xuyên phải giả trang thành dân thường, đi xe khách, xe mô tô mới có thể phát hiện và bắt quả tang các đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Tuy vậy, cũng chưa thể xử lý và ngăn chặn hết được các trường hợp lén lút vi phạm Lâm luật đang diễn ra từng ngày…
Giải pháp bảo vệ rừng tận gốc
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương, đặc biệt là huyện Võ Nhai, thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn không để tình trạng khai thác rừng trái phép tái diễn. Trực tiếp lãnh đạo UBND tỉnh đã nhiều lần xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo thực hiện. Ngành Kiểm lâm đã triển khai, bố trí lại lực lượng và ráo riết thực hiện các giải pháp "mạnh tay". Ông Nông Văn Trân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Chúng tôi đã tăng cường cán bộ Kiểm lâm địa bàn, xác định trọng điểm là 6 xã phía Bắc của huyện Võ Nhai. Trước đây mỗi xã chỉ có một cán bộ Kiểm lâm phụ trách, nay tăng lên 3 cán bộ. Tập trung lực lượng bổ sung cán bộ Kiểm lâm từ các đơn vị tuyến dưới lên công tác "nghĩa vụ" tại huyện Võ Nhai, luân chuyển mỗi năm một người. Chúng tôi cũng đã thành lập 6 chốt kiểm tra tại các khu vực được coi là trọng điểm gồm: Nghinh Tường, Sảng Mộc, Dân Tiến (Võ Nhai), Khe Mo, Văn Lăng (Đồng Hỷ), Yên Lạc (Phú Lương) và một tổ cơ động đóng tại phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên). Cũng theo ông Nông Văn Trân, thời gian qua ngành Kiểm lâm đã phối hợp với ngành Công an tăng cường kiểm tra giấy đăng ký phương tiện giao thông, hộ tịch, hộ khẩu, tạm trú tại các địa phương từng là điểm nóng về nạn khai thác lâm sản trái phép. Tiến hành kiểm tra và yêu cầu các cơ sở chế biến lâm sản ký cam kết không có các hành vi như tiếp tay, chứa chấp, tiêu thụ lâm sản bất hợp pháp. Tổ chức xây dựng mạng lưới cung cấp thông tin trong quần chúng nhân dân. Ngoài ra, Chi cục cũng đã ra quyết định xử lý 5 cán bộ Kiểm lâm địa bàn ở Võ Nhai vì thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; kiểm điểm, phê bình lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện…
Đối với huyện Võ Nhai - trọng điểm của nạn khai thác rừng trái phép - hàng loạt các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng được địa phương này thực hiện. Trước tiên, huyện cho thành lập Đội phản ứng nhanh do UBND huyện trực tiếp chỉ đạo, Công an huyện là đơn vị thường trực. Nhiệm vụ của Đội phản ứng nhanh là sẵn sàng lên đường, trực tiếp xử lý các trường hợp vi phạm Lâm luật. Cùng với đó là khoanh vùng điểm nóng, tổ chức giao ban công tác quản lý, bảo vệ rừng trên toàn huyện tại khu vực nóng nhất về tình trạng phá rừng. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Võ Nhai, ông Vũ Văn Phán cho biết: Để tránh tình trạng tiêu cực trong lực lượng Kiểm lâm, Hạt đã tiến hành làm phiếu thăm dò, đánh giá chất lượng cán bộ kiểm lâm địa bàn trên cơ sở xin ý kiến đánh giá, nhận xét từ các xã. Nếu cán bộ Kiểm lâm nào bị cơ sở đánh giá thấp thì Hạt sẽ có những phương án và hình thức xử lý phù hợp. Ông Nông Xuân Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai khẳng định: Huyện cũng nghiêm khắc xử lý lãnh đạo cấp xã nếu xã đó để xảy ra mất rừng. Thực tế đã có nhiều trường hợp lãnh đạo xã bị nhận các hình thức kỷ luật khác nhau. Cụ thể, lãnh đạo các xã Dân Tiến, Liên Minh, Nghinh Tường đã chịu hình thức kỷ luật khiển trách và kiểm điểm tại cơ sở vì thiếu trách nhiệm làm mất rừng.
Một điểm rất mới mà theo chúng tôi đã, đang và sẽ có tác động tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng tận gốc đó là việc Chi cục Kiểm lâm thống nhất phương án phối hợp đăng danh sách các đối tượng vi phạm Lâm luật trên Báo Thái Nguyên. Việc làm này có tác dụng hạn chế các chủ hàng thuê người đứng ra nhận hộ trách nhiệm; tránh được các trường hợp tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm lâm, đồng thời có tác dụng răn đe, ngăn chặn các đối tượng tái phạm hoặc có chủ định vi phạm…
Khi những giải pháp này được thực thi mạnh mẽ, triệt để và hiệu quả, tin chắc vấn đề quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh sẽ được cải thiện rõ rệt. Cuộc chiến bảo vệ rừng chắc hẳn sẽ bớt cam go hơn. Tuy vậy, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là sự gắn kết và vào cuộc thực sự của chính quyền cấp xã còn nhiều hạn chế. Do vậy, cần tuyên tuyền nâng cao nhận thức về vai trò chủ rừng của chính quyền cơ sở.