Kỳ III: Quản lý đất đai còn nhiều nan giải

08:40, 29/08/2009

Cũng giống một số lĩnh vực, công tác quản lý đất đai đang được xem là một lĩnh vực "nhạy cảm". Do tính chất đặc thù đó mà công tác quản lý Nhà nước về đất đai luôn chứa đựng sự phức tạp và không kém phần nan giải. Với Thái Nguyên, vấn đề này cũng đang được dư luận đặc biệt quan tâm, các cấp, các ngành vào cuộc mong muốn sớm cải thiện tình hình.

 

Vi phạm nhiều, xử lý ít

           

Quang Vinh là một trong những phường nội thị của T.P Thái Nguyên. Thời gian qua cũng như nhiều phường, xã khác, tình trạng vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn phường Quang Vinh vẫn còn tiếp diễn. Trường hợp điển hình phải kể đến là việc lấn chiếm đất công, xây dựng công trình trái phép của gia đình chị Lý Thị Phương, tổ Mỏ Bạch 1. Gia đình chị Phương đã lấn chiếm hàng trăm m2 đất sát bên suối Mỏ Bạch. Mặc dù UBND phường đã nhiều lần vận động, tuyên truyền nhưng gia đình chị vẫn cố tình vi phạm. UBND T.P Thái Nguyên cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 12,5 triệu đồng, buộc gia đình trả lại đất lấn chiếm, nhưng đến nay mọi việc vẫn không mấy biến chiển. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Công, Chủ tịch UBND phường Quang Vinh cho biết: Đây là trường hợp điển hình của địa phương. Chúng tôi đã đề nghị UBND Thành phố xem xét giải quyết nhưng đến nay chưa thấy hồi âm. Thực tế cho thấy có nhiều trường hợp biết sai nhưng vẫn cố tình vi phạm. Tới đây, phường sẽ tăng cường phối hợp với Thành phố rà soát lại toàn bộ hiện trạng sử dụng đất trên địa bàn để có biện pháp xử lý hiệu quả hơn.

 

Theo UBND T.P Thái Nguyên, tình trạng vi phạm Luật Đất đai đang diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các phường, xã. Đặc biệt, tỷ lệ vi phạm nhiều nhất tập trung ở các phường trung tâm như: Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng, Đồng Quang, Quang Trung… và các khu vực đông dân cư khác. Ước tính Thành phố hiện có tới hàng trăm trường hợp vi phạm, nhưng tỷ lệ xử lý dứt điểm lại chỉ là vài chục trường hợp. Thời gian qua, ngoài phần lớn các trường hợp vi phạm là cá nhân, hộ gia đình còn có không ít trường hợp là cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vi phạm. Từ năm 2007 đến nay, Sở Tài nguyên - Môi trường đã lập các đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra quá trình sử dụng đất của các doanh nghiệp trên địa bàn. Kết quả, qua kiểm tra đã phát hiện nhiều doanh nghiệp sử dụng đất sai mục đích, Sở đã kiến nghị thu hồi đất của hàng chục doanh nghiệp. Gần đây, tỉnh tiếp tục ra quyết định thu hồi đất của 3 doanh nghiệp với tổng diện tích gần 4.000m2 gồm: Công ty liên doanh nước khoáng, Công ty cổ phần thương mại và Công ty VINACONEX. Tại T.P Thái Nguyên hiện nay còn một số trường hợp cơ quan Nhà nước cho cá nhân thuê đất sử dụng vào mục đích kinh doanh nước giải khát làm mất mỹ quan đô thị và gây mất trật tự nơi công sở. Đó là trường hợp của Rạp chiếu bóng tỉnh, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Trường mầm non 19-5…

 

Cùng với sử dụng đất công không đúng mục đích, tình trạng sử dụng đất lãng phí cũng rất phổ biến. Thời gian qua, chúng tôi cũng đã phản ánh về tình trạng một số vị trí đất đất "đắc địa" của Thành phố đang bị các doanh nghiệp bỏ phí. Đó là trường hợp của Công ty cổ phần Thương nghiệp 1, có trụ sở tại phường Trưng Vương. Doanh nghiệp này đã dùng tới 6.200m2 đất mặt đường, cạnh Chợ Thái làm trụ sở và kho bãi từ nhiều năm nay. Trường hợp tiếp theo là của Công ty cổ phần Dược và Vật tư y tế, cũng sử dụng trên 2.500m2 đất ở trung tâm Thành phố (Ngã tư Đồng Quang) làm trụ sở và kho bãi. Đây được xem là một trong những vị trí đẹp nhất của Thành phố, phù hợp với phát triển thương mại, dịch vụ vì ở gần chợ Đồng Quang và Bến xe khách Thái Nguyên. Đây chỉ là hai trong hàng chục doanh nghiệp sở hữu đất tại những vị trí "đắc địa" để lãng phí hoặc không phát huy hiệu quả trên địa bàn T.P Thái nguyên. Thường những trường hợp này rơi vào các doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa.

 

Với T.P Thái Nguyên là như vậy, còn các địa phương cũng trong tình trạng tương tự. Ngay như hai huyện miền núi, vùng cao của tỉnh là Định Hóa và Võ Nhai, tỷ lệ vi phạm cũng hơn mức tưởng tượng. Với Định Hóa, trong khoảng 5 năm trở lại đây toàn huyện có tới gần 1.240 trường hợp vi phạm Luật Đất đai, trong đó đáng lưu ý có 42 cán bộ, 140 đảng viên và 65 gia đình cán bộ, đảng viên. Đến nay, huyện mới tiến hành xử lý vi phạm hành chính được 661 trường hợp.

 

Còn với Võ Nhai, tình trạng làm nhà xuống ruộng đã thành phổ biến, tập trung nhiều nhất ở thị trấn Đình Cả, các xã Lâu Thượng, Phú Thượng, La Hiên. Báo Thái Nguyên cũng đã có nhiều bài phản ánh về thực trạng này và đề nghị chính quyền địa phương, các ngành chức năng tiến hành xử lý, nhưng dường như vẫn chưa thấy chuyển biến gì nhiều. Hầu hết các gia đình sử dụng đất sai mục đích, làm nhà trên đất thổ cư đều vẫn không tiến hành tháo dỡ, bàn giao lại hiện trạng. Có chăng, việc xử lý chỉ là xử phạt vi phạm hành chính với mức rất thấp, vài trăm nghìn đồng/trường hợp.

 

Theo thống kê sơ bộ, mỗi năm trên địa bàn tỉnh cũng có tới hàng trăm vụ vi phạm trật tự về đất đai, trong đó trên 90% số vụ liên quan đến các cá nhân, hộ gia đình, số còn lại thuộc về các tổ chức, doanh nghiệp. Qua đây cũng cho thấy, công tác quản lý Nhà nước về đất đai của ngành chức năng và các địa phương còn lỏng lẻo, chưa thực sự hiệu quả.

 

Giải pháp đồng bộ

 

Trong nhóm giải pháp về quản lý đất đai của tỉnh, yếu tố quan trọng được đưa lên vị trí đầu tiên chính là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục chính sách pháp luật về đất đai tới rộng rãi quần chúng nhân dân. Cụ thể là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương (Báo Thái Nguyên, Đài PT-TH Thái Nguyên, Đài TT-TH huyện, thành, thị và tại các cụm loa truyền thanh cấp xã). Ngoài ra, UBND các cấp còn phối hợp với MTTQ và các tổ chức đoàn thể địa phương vận động tuyên truyền. Nhiều địa phương đã tổ chức cho nhân dân ký cam kết không vi phạm Luật Đất đai. Chúng tôi được biết, đã có không ít địa phương đang thực hiện giải pháp nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp về quản lý và xử phạt vi phạm đất đai.

 

Cụ thể như huyện Định Hoá đã coi việc chấp hành Luật Đất đai của nhân dân là một tiêu chí để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ tại các chi, đảng bộ, các tổ chức đoàn thể cơ sở. Bà Viên Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đây là một trong những giải pháp quan trọng được huyện chỉ đạo thực hiện nghiêm túc thời gian qua. Bởi vậy, trong năm 2009 này, số trường hợp vi phạm đất đai phát sinh mới trên địa bàn huyện không nhiều như trước, khoảng 90 trường hợp. Nội dung được quan tâm nữa chính là việc tổ chức công bố công khai bản đồ quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hàng năm đến rộng rãi quần chúng nhân dân. Có như vậy, người dân mới biết và không vi phạm quy hoạch. Cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đất đai cũng là mấu chốt của việc giải quyết phát sinh tiêu cực, tránh rườm rà, mất thời gian.

 

Một giải pháp không thể thiếu đó là tăng cường công tác xử lý vi phạm pháp luật về đất đai. Trong đó, coi trọng việc kiểm tra, giám sát đối với cấp uỷ, chính quyền cơ sở. Giám sát việc tổ chức ký cam kết giữa lãnh đạo cấp xã với lãnh đạo cấp huyện và cấp tỉnh trong việc ngăn chặn các trường hợp vi phạm Luật Đất đai. Nếu đơn vị nào để xảy ra trường hợp vi phạm mà không ngăn chặn, xử lý dứt điểm thì người đứng đầu đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các địa phương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Kiên quyết xử lý dứt điểm và sẵn sàng tổ chức cưỡng chế đối với những trường hợp cố tình vi phạm hoặc không chấp hành theo quy định. Ông Nguyễn Tô Vũ, Đội phó Đội Quản lý Xây dựng, Đô thị T.P Thái Nguyên đề xuất: Trong xử lý vi phạm, cần có sự vào cuộc thực sự của cấp chính quyền cơ sở. Có như vậy, tình trạng vi phạm và cố tình vi phạm mới có thể giải quyết nhanh chóng, triệt để. Ngoài ra, để tăng cường công tác quản lý đất đai hiệu quả cũng cần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ địa chính phường, xã vì đây là lực lượng nòng cốt trong quản lý đất đai ở cơ sở…

 

Được biết, với tình trạng sử dụng đất không hiệu quả, Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ kiểm tra, rà soát và kiến nghị với tỉnh thu hồi lại, giao cho đơn vị khác có đủ năng lực hơn. Theo suy nghĩ của chúng tôi, với các doanh nghiệp sử dụng đất lãng phí thì cần nhanh chóng có phương án liên kết đầu tư, khai thác triệt để nguồn đất. Với các trường hợp sử dụng đất trong công sở để cho cá nhân thuê kinh doanh kiếm lời, theo chúng tôi phải có biện pháp giải tỏa, chấm dứt tình trạng lộn xộn, mất mỹ quan.

 

Với những giải pháp mang tính đồng bộ này hy vọng vấn đề quản lý sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh thời gian tới sẽ có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để có được kết quả tốt nhất rất cần sự đồng lòng, chung sức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, sự đồng thuận, nghiêm chỉnh chấp hành Luật Đất đai của các tổ chức, tập thể, cá nhân và của toàn dân.

 

(Còn nữa)