Xã Vũ Chấn đã từng là một điểm nóng của huyện Võ Nhai về tình trạng khai thác rừng, đặc biệt là rừng núi đá trái phép với những địa danh như bản Khe Nọi, bản Na Cà… Những năm gần đây, người dân Vũ Chấn đã không còn phá rừng, mà đã tham gia trồng rừng keo để phát triển kinh tế.
Năm 2000, xã Vũ Chấn bắt đầu tham gia Dự án trồng rừng keo 661. Mặc dù được hỗ trợ một phần về giống, kỹ thuật… nhưng phần nhiều người dân chưa hiểu nên chưa mạnh dạn đăng ký trồng keo. Vì vậy, toàn xã chỉ trồng được khoảng 10ha bao gồm cả rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Sau một năm, diện tích keo phát triển khá tốt đã tạo được niềm tin của nhiều hộ dân xã đã trồng mới thêm được 15ha keo. Liên tục các năm sau đó, diện tích trồng keo của Vũ Chấn tăng đều đặn mỗi năm từ 10 đến 20ha. Riêng năm 2008, xã Vũ Chấn trồng được tới 60 ha. Năm 2009, xã đã hoàn thành kế hoạch trồng mới được 76 ha rừng keo sản xuất, đưa tổng diện tích rừng keo ở Vũ Chấn lên trên 200ha.
Ông Hoàng Văn Tuyết, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Quản lý Dự án trồng rừng 661 xã Vũ Chấn đưa chúng tôi đến xóm Na Vang, một trong những xóm có diện tích rừng keo lớn nhất xã.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn rộng rãi, ông Triệu Tiến Hiện, 42 tuổi, người dân tộc Dao hồ hởi “khoe” vừa mới tiếp một người khách đến để đặt mua lại diện tích keo đã trồng từ năm 2002. Nhưng, ông không bán mà để dành cho xưởng bóc gỗ xuất khẩu của gia đình. “Chỉ trong năm nay, tôi sẽ thu về cả trăm triệu đồng từ rừng” - Ông nói. Để minh chứng cho lời mình, ông Hiện đưa chúng tôi ra rừng keo của gia đình. Trên diện tích 1,6 ha, hơn 3 nghìn cây keo 7 năm tuổi chuẩn bị cho thu hoạch được chăm sóc chu đáo và đốn tỉa gọn gàng. Trung bình, mỗi chu vi cây keo đạt từ 40 đến 60 cm tương đương với khoảng 0,1 m3 gỗ mỗi cây. Tính sơ sơ với giá thị trường từ 400 đến 600 nghìn đồng/m3 gỗ keo mua tại rừng thì với hơn 3,2 nghìn cây keo, ông Hiện đã thu về trên dưới 160 triệu đồng.
Dời xóm Na Vang, chúng tôi đến các xóm: Na Đồng, Khe Nọi, Đồng Đình… Qua nơi nào cũng bắt gặp hình ảnh rừng keo xanh mướt. Đến thăm gia đình ông Triệu Tiến Lâm, xóm Khe Nọi, chúng tôi được biết, gia đình ông có tổng cộng 3ha rừng keo trồng các năm 2005, 2006. Mặc dù chưa diện tích nào cho khai thác nhưng cây keo trên đất nhà ông sinh trưởng rất tốt, chu vi bình quân mỗi cây đã đạt từ 15 đến 25 cm. Ông Lâm cho biết: “Cây keo dễ trồng mà chi phí đầu tư cũng vừa phải hơn nữa lại tốn ít công chăm sóc vì vậy mà rất thuận lợi cho người dân mở rộng diện tích trồng”. Đồng tình với ý kiến ông Lâm, ông Bàn Phúc Kim, xóm Khe Nọi nói: “Hơn 2 ha diện tích trồng rừng keo sản xuất gia đình tôi trồng năm 2005 không có công chăm sóc nhiều nhưng vẫn phát triển tốt, dự kiến sẽ cho khai thác sau 3 năm nữa”. Nhưng đường giao thông vào khu vực này đi lại chưa thuận lợi nên tôi rất lo lắng giá thành cây keo sẽ giảm vì bị tư thương ép giá…
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Tuyết cho biết đây cũng là khó khăn chung của nhiều hộ gia đình trồng rừng sản xuất ở xã Vũ Chấn. Trong một vài năm tới, hàng trăm ha rừng keo trên toàn xã đến tuổi khai thác. Xã sẽ tăng cường vận động người dân góp sức tu sửa, mở rộng đường giao thông để thuận lợi cho việc buôn bán khai thác rừng sản xuất và giao thương, của người dân ở các xóm, bản.