Đào tạo nghề để chuyển dịch cơ cấu kinh tế

11:53, 14/09/2009

Lực lượng lao động của Thái Nguyên hiện nay là trên 643 nghìn người (chiếm 57,2% dân số), trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề mới chiếm gần 17%. Do vậy, để có lực lượng lao động đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp, 5 năm gần đây, ngoài sự quan tâm, giúp đỡ thường xuyên của bộ, ngành Trung ương, Thái Nguyên đã có nhiều chính sách đầu tư cho công tác  đào tạo nghề…

 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra chỉ tiêu bình quân mỗi năm sẽ đào tạo nghề cho 13 nghìn lao động trở lên. Thực hiện sự chỉ đạo này, UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan đã triển khai nhiều giải pháp nhằm huy động các nguồn lực để đầu tư cho công tác đào tạo nghề như: Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và toàn thể nhân dân về việc đào tạo nghề; xây dựng Đề án dạy nghề cho người nghèo tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2006-2010; Điều chỉnh mức kinh phí dạy nghề ngắn hạn cho các đối tượng chính sách xã hội từ 120 nghìn đồng/người/tháng lên 300 nghìn đồng/người/tháng, hỗ trợ lao động đi xuất khẩu lao động với mức 500 nghìn đồng/người (diện chính sách); xây dựng Đề án quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù; đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các trung tâm dạy nghề thuộc tỉnh quản lý…

 

Với những chính sách nêu trên và đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề nên đến nay, trên địa bàn Thái Nguyên đã có 47 cơ sở đào tạo nghề (bao gồm 12 cơ sở dạy nghề do Trung ương quản lý và 35 cơ sở dạy nghề thuộc tỉnh quản lý) với khả năng đào tạo nghề từ trình độ sơ cấp nghề tới cao đẳng cho trên 30 nghìn người mỗi năm (trên 60% là người Thái Nguyên). Đội ngũ giáo viên tham gia công tác dạy nghề trên địa bàn hiện có 2.098 người và 100% giáo viên đạt chuẩn theo quy định của Nhà nước. Lực lượng này có phẩm chất đạo đức tốt, yêu nghề, luôn mong muôn học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ.

 

Việc đầu tư trang thiết bị chuyên dụng, cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cũng được các bộ, ngành cấp trên, Tổng cục Dạy nghề và tỉnh Thái Nguyên thường xuyên thực hiện. Chỉ tính từ năm 2002 đến nay, nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề đã đầu tư cho các cơ sở dạy nghề thuộc tỉnh quản lý trên 16,7 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị dạy nghề. Các cơ sở dạy nghề thuộc Trung ương quản lý cũng đã thu hút được hàng trăm tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề.

 

Cơ sở vật chất, trang thiết bị tương đối đồng bộ, đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn nên công tác dạy nghề tại địa bàn Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Hiện, các cơ sở dạy nghề đang đào tạo trên 30 nghề khác nhau như: cơ khí; may công nghiệp, may dân dụng; luyện kim; khai thác khoáng sản… Trong vòng 7 năm qua (2002-2008), các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã đào tạo được 131 nghìn người, chiếm 20% so với tổng số lao động của tỉnh và điều đáng mừng là trên 90% số người đã qua đào tạo nghề đều có việc làm hoặc tự tạo việc làm. Riêng năm 2008, số lao động là người Thái Nguyên đã qua đào tạo là trên 22 nghìn người (các cơ sở dạy nghề thuộc các bộ, ngành Trung ương đào tạo khoảng 8 nghìn lao động, các cơ sở của địa phương đào tạo trên 13,8 nghìn lao động).

 

Mặc dù trong công tác dạy nghề cho người lao động trên địa bàn đã đạt được một số kết quả, song để nguồn nhân lực của Thái Nguyên đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương. Theo đồng chí Dương Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: “Tỉnh đang phấn đấu đến hết năm 2010 sẽ có khoảng 22% lao động được đào tạo nghề, tương đương 25 nghìn người và đến năm 2020 sẽ có khoảng 50% người lao động trong tỉnh được đào tạo nghề”.

 

Để đạt được mục tiêu này, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Kết luận số 77 về công tác đào tạo nghề. Trong đó, tập trung chỉ đạo một số nội dung  quan trọng như:  Rà soát, điều chỉnh một số mụ tiêu về tỷ lệ người lao động qua đào tạo nghề;  tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của việc đào tạo nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập; bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề, trong đó chú trọng tăng cường đầu tư cho các cơ sở dạy nghề trọng điểm, các cơ sở dạy nghề ở nông thôn; điều tra, khảo sát để có kế hoạch đào tạo, tuyển dụng giáo viên dạy nghề bảo đảm về số lượng, chất lượng; tăng cường quản lý Nhà nước về đào tạo nghề, qua đó kịp thời phát hiện, đánh giá các mô hình mới, điển hình để nhân rộng ra toàn tỉnh; khuyến khích việc liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề và cơ sở sản xuất nhằm phục vụ cho công tác đào tạo; huy động các nguồn lực của tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh để đầu tư phát triển các cơ sở dạy nghề trên địa bàn.