Hiệu quả từ vốn vay ngân hàng

08:42, 19/09/2009

Những năm gần đây, qua tín chấp của các tổ chức đoàn thể, hàng trăm hộ dân trong xã Hóa Thượng, Đồng Hỷ đã được vay vốn, hộ ít thì 5 - 10 triệu đồng, những hộ vay nhiều có thể lên đến 20 - 30 triệu đồng … Các hộ dân này đã đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; thâm canh cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao

 

Chúng tôi đến xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) vào đúng hôm trời đổ mưa tầm tã. Dù vậy, tại trụ sở UBND xã, người dân vẫn đứng kín hội trường. Anh Dương Văn Vỹ, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hôm nay là ngày Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện về giải ngân nguồn vốn cho học sinh, sinh viên nghèo vay. Đợt này, toàn xã có khoảng 50 hộ nghèo có con đang theo học tại các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học được vay với mức 4 triệu đồng/cháu/kỳ học. Quan điểm của xã là: tạo điều kiện cho người dân vay vốn ngân hàng chính là biện pháp giúp họ thoát nghèo. Vì thế, chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện về các thủ tục hành chính để người dân nhanh chóng được vay vốn của các ngân hàng khi có nhu cầu. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách - Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, nhiều hộ nghèo trên địa bàn đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.

 

 Gia đình bệnh binh Trần Duy Đảm ở xóm Văn Hữu. Trước đây, do thường xuyên đau ốm, con cái nheo nhóc, lại thiếu vốn làm ăn nên gia đình ông Đảm gặp rất nhiều khó khăn. Được Hội Cựu chiến binh xã đứng ra tín chấp, ông mạnh dạn vay hàng chục triệu đồng của Ngân hàng Chính sách - Xã hội để đầu tư phát triển cây chè, làm dịch vụ cho thuê bát đĩa… nên đã có thu nhập ổn định và thoát nghèo từ năm 2002. Đặc biệt, hàng chục hộ dân trong xã sau khi vay vốn để đi xuất khẩu lao động không những đã thoát nghèo mà còn trở thành hộ có đời sống kinh tế khá giả như gia đình anh Diệp Văn Long ở xóm Tam Thái. Trước kia, gia đình anh phải sống trong ngôi nhà tranh, vách đất lụp sụp, đời sống rất khó khăn, ăn bữa nay, lo bữa mai, nhưng từ khi vợ anh đi lao động ở Đài Loan, gia đình đã xây được nhà khang trang, mua được các tiện nghi sinh hoạt như xe máy, ti vi…

 

Không chỉ tạo điều kiện cho các hộ dân được vay vốn của ngân hàng, địa phương còn quan tâm vận động người dân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Với đặc điểm là xã thuần nông, đời sống của người dân phần lớn phụ thuộc vào cấy lúa, trồng màu nên để bà có thu nhập ổn định, hàng năm, xã khuyến khích các hộ dân cấy hết 150ha lúa vụ xuân, trên 300ha lúa vụ mùa và trên 150ha ngô cả năm. Theo đó, xã còn vận động bà con đầu tư thâm canh các loại cây trồng như: đưa các loại giống lúa, ngô có năng suất ổn định (lúa Khang dân, Lai Hai dòng; ngô ĐK 888, ĐK 999…) vào gieo trồng thay cho giống lúa, ngô địa phương  năng suất thấp… Nhờ đó, năng suất lúa bình quân cả năm của xã đạt 45- 47tạ/ha, tăng khoảng 4-5tạ/ha so với 5 năm trước; năng suất ngô bình quân đạt 44 tạ/ha, tăng hàng chục tạ/ha so với năm 2005.

 

Anh Dương Văn Vỹ cho biết thêm: Do duy trì được diện tích lúa, ngô và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên tổng sản lượng lương thực cây có hạt hàng năm của xã đều tăng từ 4-6%, do đó, an ninh lương thực trên địa bàn luôn được giữ vững. Ngoài ra, hàng năm, địa phương duy trì ổn định 67,5ha chè, năng suất ước đạt 80 tạ/ha; trên 30ha lạc, đỗ các loại… Các loại cây trồng này cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân. Hiện tại, một số gia đình còn chủ động chuyển dịch một phần diện tích đất canh tác sang trồng các loại rau ngắn ngày, hoa cho thu nhập cao gấp 2, 3 lần so với cấy lúa… Bên cạnh đó, các hộ dân cũng duy trì phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định với khoảng 7.800 con lợn và 34 nghìn 600 con gia cầm các loại. Kinh tế phát triển ổn định nên 6 tháng đầu năm 2009, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 600 nghìn đồng/người/tháng; số hộ nghèo còn 120/2.991 hộ dân của xã, giảm khoảng 20 hộ so với đầu năm…

 

Nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển, mục tiêu của xã trong thời gian tới là tiếp tục vận động nhân dân tiếp nhận có hiệu quả các nguồn vốn vay; mở rộng diện tích lúa lai; gieo trồng hết diện tích đất canh tác và tăng hệ số sử dụng đất để đảm bảo tổng sản lượng lương thực trên địa bàn; Cùng với đó là triển khai có hiệu quả Dự án Chăn  nuôi trâu, bò thịt để duy trì và tăng đàn gia súc trên địa bàn; phòng, chống dịch bệnh kịp thời…