Xóm Phú Yên, xã Thanh Ninh, Phú Bình có 66 hộ dân, với 290 nhân khẩu. Là xóm thuần nông nhưng nhờ biết áp dụng khoa học vào sản xuất nên đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Cùng với phát triển kinh tế, người dân Phú Yên còn tích cực xây dựng đời sống văn hóa, đã 9 năm liên tục xóm đạt danh hiệu Làng văn hoá.
Nhiều năm nay, cứ đến chiều mùng 1 âm lịch, người dân xóm Phú Yên, xã Thanh Ninh (Phú Bình) lại đến đặt lễ, thắp hương tại ngôi miếu nhỏ thờ Thành Hoàng làng cạnh nhà văn hoá xóm để nguyện cầu về một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Sau đó, bà con ngồi lại với nhau tại nhà văn hóa để chuyện trò, tâm sự, thông tin cho nhau về những vấn đề có liên quan đến đời sống kinh tế, xã hội của địa phương. Ban đầu, đây là hoạt động của những người cao tuổi nhưng dần đã trở thành hoạt động chung của tất cả các hộ dân trong xóm. Nhận thấy đây là một buổi sinh hoạt tập thể mang nhiều ý nghĩa, lại đông đủ các hộ dân nên xóm Phú Yên đã lấy đây là ngày họp xóm.
Ông Phạm Thái Hải, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận xóm Phú Yên cho biết: Cách tổ chức họp xóm này ở Phú Yên đã được nhiều địa phương trong và ngoài huyện đến học tập, trao đổi kinh nghiệm. Tính đến nay, Phú Yên đã có 9 năm liên tục đạt danh hiệu Làng văn hoá. Xóm hiện có 66 hộ dân, với 290 nhân khẩu. Trước nay, nguồn thu nhập của hầu hết các hộ dân đều từ sản xuất nông nghiệp, nên người dân trong xóm luôn có ý thức ứng dụng tiến bộ KHKT để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Phú Yên luôn là xóm đi đầu của xã Thanh Ninh trong các chương trình đưa cây, con giống vào trồng thử nghiệm. Nhiều loại cây đã trụ được và mang lại hiệu quả kinh tế cao, gấp từ 5-7 lần so với trồng lúa như: ngô ngọt, dưa chuột và ớt xuất khẩu. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi lợn, gà, trâu, ngựa (trong đó nhiều nhất là lợn) cũng được các hộ dân nơi đây đặc biệt quan tâm, phát triển và coi đó là nguồn thu nhập có thể làm giàu. Hầu hết các gia đình đều chăn từ 30-50 con lợn/năm. Trong đó có hơn 10 hộ mỗi năm xuất chuồng từ 200-400 con lợn. Từ nguồn thu trong nông nghiệp, một số hộ đã mạnh dạn đầu tư mua sắm các phương tiện, máy móc để kinh doanh, làm dịch vụ. Hiện, Phú Yên có 6 hộ có ô tô chở khách và chở hàng, 16 hộ có máy sát gia đình và kinh doanh, 3 hộ có máy cày kinh doanh, 20 hộ có tủ lạnh, 100% gia đình có ti vi màu, nhiều hộ có từ 1-3 chiếc xe máy. Hiện nay, số hộ có cuộc sống khá giả của xóm chiếm tới 74%, hộ trung bình chiếm 12%, còn lại là hộ nghèo. Theo kế hoạch cũng như từ thực tế thu nhập của người dân, cuối năm 2009 này, 5/9 hộ nghèo của xóm sẽ được công nhận thoát nghèo…
Cuộc sống ổn định nên người dân có điều kiện tham gia các hoạt động mang tính cộng đồng. Từ năm 2002, xóm đã có quy ước Làng văn hóa được UBND huyện Phú Bình phê duyệt. Theo đó, vào ngày lễ, Tết như Ngày Thương binh - liệt sỹ, Ban công tác Mặt trận của xóm lại tổ chức cho bà con đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách từ nguồn kinh phí do các hộ dân đóng góp; ngày mùng 2 Tết Nguyên đán, lại tổ chức lễ chúc thọ cho các cụ trong chi hội người cao tuổi; đồng thời vận động các tổ chức, đoàn thể và các nhà hảo tâm xây dựng Quỹ vì người già. Số Quỹ này dùng để thăm hỏi một số cụ già cô đơn, gặp rủi ro trong cuộc sống… Cũng theo ông Phạm Thái Hải: để nhận được sự tham gia hưởng ứng của người dân trong các phong trào tập thể, Ban công tác mặt trận cũng như các chi hội, đoàn thể của xóm đều chú trọng và thực hiện tốt quy chế dân chủ. Các quy định của địa phương hoặc nghị quyết của cấp trên đều thông tin đến 100% các hộ dân trong xóm. Người dân được bàn bạc, kiến nghị và được tham gia kết luận vào các quy định của địa phương trong các cuộc họp xóm. Sau đó, Ban công tác Mặt trận thực hiện theo nghị quyết cuộc họp.
Cũng như bao thôn, xóm khác trong quá trình thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", không sinh con thứ 3 được xem là tiêu chí khó thực hiện nhất. ý thức được điều này, Phú Yên đã thành lập câu lạc bộ "Mẹ hiền dâu thảo" và "Không sinh con thứ 3". Hai câu lạc bộ này thu hút trên 80 người tham gia. Các thành viên 2 câu lạc bộ thường trao đổi, thông tin, giới thiệu cho nhau những vấn đề có liên quan. Cách đây 3 năm, một thành viên trong xóm do sinh con 1 bề nên có ý định "vỡ kế hoạch". Nắm được tâm tư này, các thành viên trong câu lạc bộ "Không sinh con thứ 3" đã tuyên truyền, thuyết phục, động viên. Trước tác động đó, cả vợ và chồng thành viên đó đều vui vẻ từ bỏ ý định sinh con thứ 3 và chuyên tâm vào việc nuôi dạy các con, chăm lo phát triển kinh tế. Theo chị Phạm Thị Dung, cộng tác viên dân số của xóm thì để duy trì và thực hiện tốt Pháp lệnh dân số, ngoài tinh thần trách nhiệm của những cộng tác viên dân số như chị đòi hỏi sự tham gia của tất cả các thành viên khác của xóm, đặc biệt là ý thức trách nhiệm của mỗi người trong tập thể.
Ngoài ra, Phú Yên còn được biết đến là xóm hàng chục năm qua không có người mắc các tệ nạn xã hội; không có người hành nghề mê tín dị đoan, không có người vi phạm pháp luật và đi đầu trong phong trào làm nhà văn hóa. Từ năm 2002, ngoài đóng góp ngày công, mỗi hộ dân nơi đây còn đóng hơn 1 triệu đồng để xây nhà văn hóa rộng 135m2, trong khuôn viên rộng 350m2. Xóm hiện có 1 sân bóng đá, 1 sân bóng chuyền, 4 sân cầu lông, với 4 câu lạc bộ: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, kéo co thu hút 93 thành viên tham gia. Các câu lạc bộ này thường xuyên luyện tập, tích cực tham gia các phong trào, giải đấu của địa phương, làm phong phú thêm đời sống tinh thần và tăng cường tình đoàn kết trong nhân dân.
Với rất nhiều thành tích nổi bật đó, Phú Yên đã vinh dự được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của các các cấp, ngành. Và đây cũng là 1 trong số ít xóm được huyện Phú Bình đề nghị UBND tỉnh trao tặng Bằng khen 20 năm thực hiện phong trào xây dựng Làng văn hóa.