Từ giữa tháng 4 trở lại đây, trong khi giá đầu vào vẫn giữ ở mức cao, còn giá bán ra liên tục giảm mạnh đã khiến người nông dân nói chung, người chăn nuôi nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Lời giải cho vấn đề này đã được đề cập nhiều nhưng để thực hiện được lại không hề đơn giản.
Phú Bình hiện có 28,6 nghìn hộ chăn nuôi trong tổng số 33,7 nghìn hộ trên địa bàn. Trong số này có 170 hộ được công nhận có quy mô chăn nuôi theo mô hình trang trại; hàng nghìn hộ khác chăn nuôi với số lượng 20-30 con lợn, vài ba trăm con gia cầm, còn lại là những hộ chăn nuôi có quy mô nhỏ lẻ. Một thực tế hiện nay khiến người chăn nuôi đang gặp khó khăn chính là trong khi giá đầu ra xuống thấp "kỷ lục" thì giá đầu vào vẫn giữ ở mức cao. Chỉ cách đây 3-4 tháng, giá một kg thịt gà ta hơn là 60-70 nghìn đồng thì nay giá chỉ bằng một nửa; giá thịt lợn hơi cũng đang từ 24-25 nghìn đồng/kg cũng giảm còn 21-22 nghìn đồng/kg. Và so với cùng thời điểm này năm 2008 thì giá bán các sản phẩm trong nông nghiệp đều thấp hơn: 10-15 nghìn/kg gà; 3-5 nghìn đồng/kg thịt lợn hơi. Trong khi giá cám lại tăng hơn từ 15-17%. Thực tế này đang khiến người chăn nuôi nuôi càng nhiều lỗ càng lớn.
Ông Phạm Văn Hổ, xóm Giàn, xã Tân Hoà cho biết: Nuôi một con lợn 15kg đến lúc được 85-90kg điểm cách đây 3-4 tháng đến nay sẽ lỗ từ 150-200 nghìn đồng. Ông Hổ nhẩm tính: tiền giống mất khoảng 300 nghìn đồng, 8 bao cám với trọng lượng 25kg/bao hết 1,3 triệu đồng, trong khi đó còn phải mua thuốc phòng bệnh và một số chi phí kèm theo như tiền điện, tiền nước vệ sinh chuồng trại, xăng dầu để đi mua thức ăn… nhưng giá bán chỉ được từ 1,7-1,8 triệu đồng. Đó là chưa kể công chăm sóc… Đối với gà, trung bình mỗi con từ lúc bé đến lúc được bán hiện cũng lỗ từ 5-10 nghìn đồng. Ngoài chăn nuôi, ông Hổ còn mở đại lý kinh doanh cám. Khách hàng chủ yếu là người dân trong xã và mấy xóm lân cận của xã Tân Thành, thường mua theo phương thức trả chậm. Cũng từ thực tế chăn nuôi gặp khó khăn nên mấy tháng nay, số khách hàng nợ quá hạn của ông nhiều gấp 3 - 4 lần so với thời điểm tháng 4 trở về trước. Ông Hổ giải thích thêm: Thường thì người mua cám đăng ký mua chịu từ 3-4 tháng để người bán có cơ sở tính tiền lãi mà người mua phải chịu cho mỗi bao cám. Sau mỗi lứa chăn nuôi, khách hàng đến trả nợ rất đúng hẹn. Nhưng đó là vào lúc "ăn nên, làm ra". Còn bây giờ do bị lỗ nên nhiều khách hàng mặc dù vẫn thanh toán trả theo hẹn nhưng xin nợ lại 5-10 triệu phần mà người nuôi bị lỗ. Gia đình tôi cũng chăn nuôi, biết được thực tế như thế nên cũng phải vui vẻ đồng ý. Lúc này, còn lúc khác.
Lỗ vốn nên người chăn nuôi phải tìm cho mình giải pháp để thích nghi với thực tại. Theo đồng chí Dương Tuấn Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình thì đa số người chăn nuôi giảm số lượng đàn nuôi thậm chí nhiều trang trại để trống chuồng. Nhưng có một cách khác mà chỉ bắt gặp ở những người có kinh nghiệm trong chăn nuôi và dám "liều" đó là họ lại tăng số lượng đàn nuôi với hy vọng thời gian tới nhu cầu về thịt sẽ tăng mạnh để phục vụ cho các đám cưới, đám cỗ, hội hè và như thế sẽ bù lại được những thua lỗ mà người chăn nuôi đã và đang gặp phải. Và với trang trại của ông Phạm Văn Hổ là một ví dụ cụ thể. Hiện trang trại của ông đang có 160 con lợn bột, 6 con lợn nái, 200 con vịt, 500 con gà thịt (nhiều hơn khoảng 20% so với trước đó).
Đồng chí Dương Tuấn Hiếu cho biết thêm: 6 tháng đầu năm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại trên địa bàn huyện đạt khoảng 10 nghìn tấn thì sản lượng 6 tháng cuối ước chỉ đạt một nửa. Đây được xem là hiện tượng trái quy luật, vì thường mọi năm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm đạt 30-40% tổng sản lượng cả năm, nhưng năm nay thì ngược lại. Với thực trạng rớt giá hiện nay thì chỉ tiêu về thịt hơi của Phú Bình chỉ có thể hoàn thành được kế hoạch 15 nghìn tấn, chứ ít có khả năng vượt như dự đoán hồi đầu năm. Biện pháp nào giúp người nông dân nói chung, người chăn nuôi nói riêng vượt qua được khó khăn hiện nay? Đồng chí Dương Tuấn Hiếu cho rằng, với chức năng, nhiệm vụ của huyện thì chỉ có thể làm tốt một số việc như quản lý tốt dịch bệnh, tăng cường nguồn đầu tư hỗ trợ để người dân được tiếp cận nhiều nhất, tốt nhất với các nguồn vốn kích cầu của Chính phủ. Còn về các giải pháp mang tính chiến lược như bao tiêu sản phẩm, định hướng phát triển loại vật nuôi… thì cần sự vào cuộc của cấp, ngành cao hơn.
Không phải bây giờ người chăn nuôi mới rơi vào tình trạng thua lỗ, chỉ có điều khác với các năm, người chăn nuôi hiện nay bị lỗ quá nhiều, nhiều hơn so với các năm khác. Ai cũng hiểu, một trong những nguyên nhân sâu xa, cơ bản là do chúng ta chưa có được một định hướng rõ ràng; các sản phẩm trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là trên địa bàn tỉnh ta chưa hình thành theo hướng sản xuất hàng hoá. Hầu hết vẫn trong tình trạng "mạnh ai lấy làm" và cũng không mấy người, mấy sản phẩm tìm được "bà đỡ" và có sự ràng buộc nào đó để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Rất nhiều người khi được hỏi về một công việc và thu nhập cho hiện tại và tương lai đều mong muốn người nông dân được tiếp cận nhiều hơn với các ngành, nghề, với nhiều loại vật nuôi, cây trồng - nghĩa là từ nhiều nguồn khác nhau chứ không phải chỉ có cây lúa, cây màu, con gà, con lợn. Làm được việc đó, nếu tình trạng chăn nuôi tiếp tục rơi vào thực trạng như hiện nay thì người nông dân sẽ được "chia sẻ" và không bị ảnh hưởng quá nhiều.