Khó khăn trong sản xuất nông nghiệp; giao thông đi lại không thuận tiện đã ảnh hưởng đến cuộc sống của 138 hộ dân ở xóm Già, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ). Hiện, xóm vẫn còn 12 hộ nghèo , 6 hộ cận nghèo và không có hộ khá, giàu…
"Chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã úng"
Người dân xóm Già vẫn dùng cụm từ ấy để nói về những khó khăn của miền quê này. Nằm gần con sông Cầu thơ mộng, những tưởng ruộng vườn sẽ được bồi đắp phù sa cho cây cối tốt tươi, vậy nhưng một thực tế đang hiện hữu trong cuộc sống của người dân nơi đây là khi dòng sông cuộn mình sau những trận mưa liên tiếp ở đầu nguồn thì 80% nhà dân và đất đai ở khu vực này sẽ bị ngập chìm trong nước. Ngược lại nếu trời lâu ngày không có mưa, ruộng đồng, vườn bãi nơi đây lại khô nứt nẻ vì thiếu nước.
Anh Lục Văn Lôi, Trưởng xóm Già cho biết: Nước từ sông Cầu theo 2 con ngòi nhỏ chảy vào hồ của xóm vẫn được giữ bởi con đập Cửa Mương và Hủm Soan. Tuy nhiên, 2 con đập này được đầu tư xây dựng từ cách đây 10 năm nên đến nay đã xuống cấp. Qua các trận mưa lũ, nước đã làm xói lở thân và chân đập khiến cho nước bị thất thoát nên việc trữ nước không bảo đảm phục vụ đủ nhu cầu của bà con. Năm nào, bà con trong xóm cũng đắp và gia cố cho 2 con đập này nhưng hễ có trận mưa lớn, nước lên cao là những phần tu sửa lại bị cuốn trôi. Đây là một nghịch lý song nó lại đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân xóm Già. Mỗi khi trời mưa to, nước sông Cầu dâng cao, nhiều hộ dân ở dưới thấp phải di chuyển đồ đạc lên để nhờ những nhà trên cao hơn. Năm nào mùa mưa đến sớm, nước sông dâng cao nhanh hơn mọi năm là năm ấy bà con mất mùa.
Đưa chúng tôi đi thăm những cánh đồng lúa, anh Lôi nói: Các chị có thấy những cánh đồng lúa ở đây khác gì với các nơi khác không? Câu nói của anh khiến chúng tôi chú ý bởi có nhiều ruộng lúa phía xa đã đỏ đuôi, trong khi ở khoảng ruộng trước mặt lúa mới cao hơn một gang tay. Sau khi nghe chúng tôi nói về những phát hiện của mình, anh Lôi giải thích: Vào mùa mưa (thường là tháng 6, 7, 8), nước sông Cầu lên cao nên những chân ruộng ở dưới thấp mặc dù được bồi đắp nhiều phù sa song không cấy được vì luôn bị ngập trong nước. Nay nước rút, bà con tận dụng đất để cấy lúa những mong có thêm thóc để không phải chịu cảnh ăn đong những ngày giáp hạt. Nhưng cũng có năm được, năm mất vì thời tiết "đỏng đảnh" như thiếu nữ mới lớn, có năm đến đầu tháng 11 vẫn còn mưa to (như năm 2008) nên nhiều ruộng lúa đang chuẩn bị cho thu hoạch bị ngập nước, thóc rụng hết cả… Nghe giọng nói trùng buồn của anh Trưởng xóm, chúng tôi càng hiểu và thông với với những vất vả của người dân nơi đây. Mưa nhiều úng ngập đã vậy, còn nếu trời không có mưa nhiều ngày, bà con lại thiếu nước để phục vụ sản xuất. Cách đây 3 năm, xóm đã phải huy động nhân dân góp tiền bơm nước từ sông Đào (Phú Bình) đổ vào 2 con ngòi đưa về hồ của xóm phục vụ cấy lúa xuân. Cũng bởi thế nên năng suất lúa ở đây rất bấp bênh mặc dù trình độ dân trí cao, người dân tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt. Năng suất lúa của trên 430 sào vụ xuân của xóm chỉ đạt 1,4tạ/sào; năng suất lúa của 640 sào vụ mùa cũng chỉ đạt bình quân 1,2tạ/sào, thấp hơn so với bình quân chung của xã khoảng 40-50kg/sào.
Nắng bụi, mưa lầy
Theo con đường gồ ghề với nhiều ổ voi, ổ gà, chúng tôi biết, việc đi lại của bà con nơi đây cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Với nhiều nỗ lực, xóm đã bê tông được 1,7km trên tổng số 6km đường giao thông theo phương châm huyện hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp tiền, ngày công lao động. Dù thế, với những đoạn đường chưa bê tông, việc đi lại vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Bác Trần Bá Sửu, một công dân của xóm cho hay: Những hôm trời mưa, đường đi rất lầy lội, những hôm trời nắng, đường vào xóm bụi mù mịt đất đỏ. Đó là chưa kể vào mùa mưa, nước sông Cầu lên cao, đường xóm bị ngập, việc đi lại của người dân đã khó khăn càng khó khăn hơn. Tôi nhớ cách đây 3 năm, do đường bị ngập nên nhiều gia đình đã phải để hỏng cả chục sào mía vì tư thương không vào mua được, còn người dân cũng không thể mang ra chợ để bán. Hồi đó, 6/20 gia đình trồng mía đã bị mất trắng, gia đình chị Nguyễn Thị Mùi mất trắng 4 sào, gia đình anh Lê Quang Hải mất trắng 3 sào… thiệt hại hàng chục triệu đồng. Đường sá đi lại khó khăn nên các mặt hàng nông sản của người dân làm ra luôn bị tư thương ép giá. Vì thế, bà con cũng không dám đầu tư nhiều cho chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Để việc đi lại thuận tiện, người dân xóm Già đang tiếp tục bê tông các nhánh đường giao thông của xóm (trong tháng 9 này sẽ bê tông 400m), nhưng do dân cư thưa thớt nên nhiều gia đình phải đóng góp tiền làm đường với mức rất cao (1,2 triệu đồng/nhân khẩu). Nhiều gia đình không có tiền đã phải vay ngân hàng gần chục triệu đồng để đóng góp làm đường. Bác Nguyễn Huy Đáp tâm sự: Đời sống của gia đình tôi cũng còn nhiều khó khăn lắm nhưng vẫn phải cố gắng để đóng góp làm đường. Hy vọng sau khi đường sá đi lại thuận tiện, kinh tế sẽ phát triển, cuộc sống của người dân chúng tôi sẽ khấm khá hơn.
Tiềm năng cần đánh thức
Anh Dương Trọng Văn, Chủ tịch UBND xã Huống Thượng nhận định: Xóm Già có rất nhiều tiềm năng, song tiềm năng đó bà con không thể tự đánh thức mà cần có sự giúp đỡ của các cấp, các ngành chức năng. Xóm có hồ nước khá rộng, diện tích mặt nước lên đến 30ha không chỉ phục vụ tưới tiêu cho 200ha đất nông nghiệp của xã mà còn có tiềm năng phát triển chăn nuôi thuỷ sản, khu du lịch sinh thái. Bởi vậy, chúng tôi rất mong huyện kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này để một mặt nâng cấp và hoàn thiện hệ thống giao thông cho xóm, mặt khác cải tạo lại hồ đập, tạo cảnh quan đẹp, thu hút khách du lịch gần xa. Tôi tin sẽ có nhiều khách đến đây nếu hồ xóm Già được cải tạo nâng cấp vì cảnh quan ở đây "sơn thuỷ hữu tình", lại khá gần với trung tâm T.P Thái Nguyên.
Theo chúng tôi, khi hồ được nâng cấp sẽ không chỉ thu hút được khách du lịch, mà kéo theo đó, một bộ phận người dân trong xóm sẽ được chuyển đổi nghề nghiệp, được giải quyết việc làm, có thu nhập và cuộc sống ổn định hơn.