Có gia đình chú tâm vào chăn nuôi, trồng rừng, nhưng cũng không ít hộ lại chọn giải pháp sản xuất hàng thủ công, kinh doanh nhỏ… Họ là những hội viên nghèo của Chi hội nông dân xóm Bãi Lềnh, xã Bảo Cường (Định Hoá). "Bà đỡ" của họ không đâu xa lạ chính là tổ chức Hội Nông dân và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách - Xã hội của huyện.
Khi đặt vấn đề về cách thoát nghèo của hội viên nông dân, ông Lèng Ngọc Tân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Cường nhắc ngay đến Chi hội Bãi Lềnh, bởi theo ông đây là một trong những chi hội có tỷ lệ hội viên vượt nghèo nhiều nhất năm vừa qua của xã. Để chứng minh, ông trực tiếp đưa chúng tôi vào xóm Bãi Lềnh, đến thăm một vài gia đình hội viên nông dân tiêu biểu.
Hộ đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là gia đình anh Hứa Văn Kim, dân tộc Tày. Chúng tôi đến đúng vào thời điểm gia đình anh đang tập kết vật liệu xây dựng chuẩn bị xây nhà mới. Trong ngôi nhà gỗ dựng tạm (trong lúc chờ xây nhà), hai vợ chồng anh Kim đon đả pha nước mời khách. Sau tuần trà và những lời giới thiệu thân mật, chúng tôi được anh Kim kể cho nghe quãng thời gian lận đận vượt nghèo của gia đình. Cả nhà có 5 sào lúa, 2 sào chè, nên trong một thời gian dài loay hoay gia đình anh cũng chỉ đủ ăn. Nhưng dù nghèo, anh chị cũng quyết tâm nuôi con ăn học, nên cuộc sống càng trở nên khó khăn hơn. Mỗi tháng ngoài chi tiêu tằn tiện trong gia đình cộng với khoản tiền nuôi hai đứa con, một đang học phổ thông, một đang học tại Trường cao đẳng Thương mại và Du lịch Thái Nguyên cũng mất tới gần triệu bạc.
Anh Hứa Văn Kim tâm sự: "Tôi lúc nào cũng suy tư, nếu mình không nghĩ cách vươn lên làm kinh tế thì con mình sẽ phải nghỉ học, mà như vậy thì chẳng có tương lai gì. Bởi thế, hai vợ chống quyết tâm thoát nghèo". Hai năm trước, cùng với hàng trăm hội viên nông dân nghèo khác của huyện Định Hoá, gia đình anh được vay 7 triệu đồng từ Chương trình vay uỷ thác giữa Ngân hàng Chính sách - Xã hội với Hội Nông dân huyện. Sau khi có vốn, anh chị quyết định đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản, nuôi gà, ngan, vịt và tập trung trồng, cải tạo chè. Hiện tại, con trâu sinh sản của gia đình đã đẻ lứa đầu tiên, anh dự định sẽ giữ lại để tiếp tục nhân giống. Anh cho biết: Từ tháng 6 vừa qua, gia đình tôi đã trả được cả gốc và lãi cho Ngân hàng rồi. Với số tiền chắt chiu được từ chăn nuôi, làm chè cộng với hỗ trợ xoá nhà dột nát của Nhà nước, chúng tôi đang chuẩn bị xây nhà. Có chút vốn liếng, tài sản rồi, hai vợ chồng quyết định xin rút khỏi danh sách hộ nghèo của xã trong năm nay.
Gia đình tiếp theo chúng tôi đến thăm là nhà hội viên Lục Văn Linh. Khác với cách làm của anh Hứa Văn Kim, anh Linh lại dùng khoản tiền vay uỷ thác qua Hội Nông dân để mua máy cưa gỗ về xẻ thuê và đóng hàng nội thất phục vụ bà con trong xã. Cách đây ba năm gia đình anh được vay 5 triệu đồng từ tổ vay vốn xóa đói, giảm nghèo của xóm. Lúc đó, anh nghĩ ngay đến chăn nuôi bò sinh sản và nuôi lợn thịt để có thu nhập cao. Ngoài ra, anh sử dụng chút lưng vốn còn lại đầu tư chăm sóc 6 sào lúa đặc sản bao thai Định Hóa. Năm 2008, khi tổ chức Hội Nông dân đứng ra vay vốn ủy thác giúp đỡ hộ nghèo phát triển sản xuất, anh đăng ký và được vay 3 triệu đồng.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Linh nhớ lại: "Cầm trong tay 3 triệu đồng tôi nghĩ, nếu đầu tư cho chăn nuôi thì số tiền này không thấm vào đâu, chi bằng mình thêm ít tiền mua máy xẻ gỗ, vừa xẻ thuê, vừa đóng đồ tại nhà thuận tiện và hiệu quả hơn. Trong xóm Bãi Lềnh cũng chưa có ai làm cả nên tôi thấy mình đầu tư máy xẻ là hợp lý". Nói là làm, anh mua máy về, cùng vợ dựng xưởng xẻ gỗ ngay sát nhà. Anh thường nhận xẻ gỗ tạp đóng giường tủ, bàn ghế, xẻ cốppha, rui, mè, đòn tay làm nhà... Hiện nay, xưởng xẻ của gia đình anh luôn bận việc. Người dân Bãi Lềnh và nhiều người của xã Bảo Cường đã đến xẻ gỗ thuê tại xưởng xẻ của anh. Từ ngày có nghề phụ đến nay cuộc sống gia đình anh được cải thiện, khá giả hơn lên. Các khoản vay từ ngân hàng cũng đã được gia đình thanh toán dứt điểm. Năm 2008, qua bình xét, gia đình anh được công nhận gia đình hội viên nông dân thoát nghèo.
Gia đình ông Phan Văn Thư cũng là một trong những điển hình về nỗ lực thoát nghèo của Bãi Lềnh. Từng là đối tượng nghiện hút ma túy, sau khi cai và tái hòa nhập cộng đồng, ông Thư quyết tâm làm lại từ đầu, sớm thoát ra khỏi cảnh nghèo đói nhiều năm qua. Được vay vốn thông qua tổ chức Hội Nông dân, ông tập trung đầu tư vào chăn nuôi dê và trồng rừng. Thời gian qua, thu nhập của gia đình ông tăng lên từ gần 10 triệu đồng/năm lên vài chục triệu đồng/năm. Hiện nay, gia đình ông không còn trong diện đối tượng nghèo của xã, nên ông lại tiếp tục vay vốn theo diện khác (10 triệu đồng) để phục vụ kinh doanh nhỏ.
Theo ông Ma Văn Chiến, trưởng xóm Bãi Lềnh thì hiện tại cả xóm có 76 hộ dân, trong đó có 54 hộ là hội viên Hội Nông dân. Hiện nay, toàn xóm có 28 hộ nghèo thì 20 hộ nghèo là hội viên Nông dân. Thời gian qua, nhờ được vay vốn phát triển sản xuất nên đã có hàng chục hộ hội viên nông dân của xóm thoát nghèo. Khi được vay vốn, bà còn thường đầu tư chăn nuôi trâu, bò, trồng rừng, thâm canh chè và mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ông Lèng Ngọc Tân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Cường cho biết: 5 năm qua, tỷ lệ hộ hội viên nông dân của xã thoát nghèo thông qua vay vốn ủy thác đạt khoảng 28%, trong đó Bãi Lềnh là một trong những xóm chiếm phần đông. Chúng tôi đang duy trì 4 tổ vay vốn tiếp tục triển khai ở hầu hết các xóm, bản trong xã để từng bước giúp đỡ các hộ nghèo vượt khó khăn.
Qua thực tế về việc các hội viên nông dân ở Bãi Lềnh vượt khó đi lên, từng bước thoát khỏi đói nghèo thông qua sự giúp sức của tổ chức Hội Nông dân và Ngân hàng Chính sách và Xã hội đã phần nào chứng minh cho vai trò quan trọng của "bà đỡ" cho nông dân.