Khai thác tiềm năng để phát triển CN - TTCN

08:19, 27/10/2009

Đồng Hỷ là địa phương có nhiều tài nguyên, khoáng sản như các mỏ đá, quặng sắt, chì, kẽm… nên thuận lợi cho phát triển công nghiệp chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng. Ngoài ra, các ngành, nghề phụ như chế biến mỳ, bún, chè… cũng khá phát triển. Với nhiều tiềm năng, thế mạnh này, những năm qua, huyện luôn quan tâm, đầu tư đẩy mạnh phát triển CN-TTCN trên địa bàn.

 

Mạnh dạn trong phát triển kinh tế, gia đình bà Nguyễn Thị Vân (thị trấn Chùa Hang) đã đầu tư hàng tỷ đồng để thành lập xí nghiệp Sản xuất gạch hoa và gạch si-li-cát. Hiện, Xí nghiệp của gia đình có 4 máy ép gạch, 1 ô tô vận chuyển gạch tới tấn công trình (kể cả khách hàng ngoài tỉnh), doanh thu đạt trên 300 triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm ổn định cho 15 lao động với mức thu nhập trên 1 triệu đồng/người/tháng. Gia đình bà Vân chỉ là một trong hơn 1.000 hộ sản xuất sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đang phát triển khá ổn định.

 

Cùng với các hộ cá thể, huyện còn có 85 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) chuyên sản xuất các mặt hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), tập trung vào các ngành nghề như: sản xuất, chế biến vật liệu xây dựng; khai thác tận thu, chế biến khoáng sản; chế biến nông, lâm sản; dịch vụ cơ khí. Trong đó, các ngành nghề có tiềm năng, thế mạnh là sản xuất gạch nung, xi măng, khai thác và chế biến đá xây dựng, khai thác cát sỏi; chế biến chè, hoa quả, thực phẩm, đồ gỗ; chế biến sâu các sản phẩm từ khoáng sản tận thu, giải quyết việc làm cho khoảng 9.000 lao động. Theo đó, năm 2008, giá trị sản xuất CN-TTCN, xây  dựng trên địa bàn đạt 397 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất CN-TTCN ước đạt 277 tỷ đồng. Năm 2009, giá trị sản xuất CN - TTCN, xây dựng ước đạt 560 tỷ đồng, trong đó, giá trị sản xuất CN - TTCN chiếm khoảng 60-70%. Từ năm 2006 đến nay, mức tăng trưởng CN-TTCN hằng năm của huyện đạt 15,4%/năm.

 

Để đẩy mạnh phát triển CN-TTCN, 4 năm qua, Đồng Hỷ đã  phối hợp với Sở Công Thương và chủ đầu tư lập xong quy hoạch chi tiết các cụm Công nghiệp : Nam Hòa với diện tích 35ha; Quang Sơn, diện  tích 75ha; Đại Khai, xã Minh Lập, diện tích 25ha. Ngoài ra, huyện cũng đã lập Dự án Xây dựng làng nghề sản xuất miến dong tại xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng. Hiên, huyện đang từng bước triển khai xây dựng các làng nghề: sản xuất nấm linh chi ở thị trấn Chùa Hang; sản xuất mỳ ở Nam Hòa; sản xuất, chế biến chè ở xóm Trại Cài (Minh Lập).

 

Khi các cụm công nghiệp đi vào hoạt động, các làng nghề chính thức được công nhận chắc chắn sẽ mở ra cho Đồng Hỷ nhiều cơ hội hơn nữa trong phát triển CN - TTCN, góp phần rất lớn vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ, nông, lâm nghiệp của địa phương. Cùng với đó, từ năm 2006 đến nay, huyện Đồng Hỷ đã làm tốt công tác thu hút đầu tư. Cụ thể, huyện đã tạo điều kiện về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng cho dự án sản xuất CN-TTCN đầu tư vào địa phương, trong đó có 2 dự án đã đi vào sản xuất; 7 dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng; tổng vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân vào địa phương đến hết năm 2008 đạt khoảng 700 tỷ đồng. Hiện nay còn 3 dự án là: xây dựng Nhà máy Luyện gang tại xóm Trí Son (Nam Hòa) của Công ty cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên; Nhà máy Sản xuất gạch tuy-nel tại thị trấn Sông Công của Công ty cổ phần Thái Sơn; Nhà máy Sản xuất gang thép tại cụm Công nghiệp Nam của của HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công đang tiếp tục được triển khai. Nhằm đẩy mạnh phát triển CN-TTCN, thời gian qua, huyện còn phối hợp với Trung tâm Khuyến công (Sở Công thương) lập dự án và đã hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX sản xuất CN-TTCN trên địa bàn số tiền 600 triệu đồng…

 

Theo đồng chí Trần Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện, với mục tiêu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông, lâm nghiệp, trong đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư các cụm công nghiệp trên địa bàn để đáp ứng kịp thời yêu cầu về mặt bằng cho sản xuất của các nhà đầu tư và tốc độ phát triển công nghiệp như: công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, luyện kim, phát triển sản xuất các sản phẩm CN-TTCN, xây dựng, khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng (đá ốp lát, tấm lợp, xi măng, gạch, cát sỏi) trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục tạo mọi điều kiện cho các ngành công nghiệp của Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn phát triển, tập trung giải quyết tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án, xây dựng môi trường thân thiện với các doanh nghiệp…

 

Từ nay đến năm 2010, Đồng Hỷ tiếp tục khai thác các thế mạnh để phát triển CN-TTCN; từng bước chuyển dịch lực lượng lao động nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010 đạt tỷ trọng 52,6%, dịch vụ 30,6%, nông nghiệp 16,8%, phấn đấu tốc độ tăng trưởng CN- TTCN giai đoạn 2006-2010 bình quân đạt 28%, giá trị sản lượng đạt 700 nghìn tỷ (theo giá cố định năm 1994), lao động trong các ngành nghề CN-TTCN ngoài quốc doanh đạt khoảng 9.500 người…