Khó khăn khi nuôi con "đặc sản"

15:42, 04/10/2009

Xuất phát từ nguyện vọng của những người thích nuôi hươu, năm 2001, Hội Nuôi hươu huyện Phú Bình đã được thành lập. Đến nay, số người tham gia Hội đã tăng và các con vật nuôi cũng đa dạng hơn. Vì thế, Hội đổi tên là Hội Nuôi hươu và các động vật đặc sản. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Hội đã và đang gặp phải một số khó khăn.

 

Hội Nuôi hươu được UBND huyện Phú Bình ra quyết định thành lập năm 2001. Hội đã được UBND huyện tạo điều kiện cho vay 200 triệu đồng bằng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện. Để các hội viên thuận tiện tham gia sinh hoạt, Hội đã chia thành 4 cụm, mỗi cụm từ 12-17 người, ở 3-5 xã. Theo quy định của từng cụm, cứ 2-3 tháng, các thành viên trong cụm lại tổ chức sinh hoạt 1 lần để trao đổi, thông tin về các vấn đề có liên quan như cách chọn giống, phòng trừ bệnh, đầu ra của sản phẩm. Đối với cấp Hội, mỗi năm tổ chức gặp mặt 2 lần. Ngoài ra, từng hội viên cũng thường xuyên giữ mối liên lạc với nhau để trực tiếp trao đổi nếu gặp khó khăn trong quá trình chăn nuôi. Tiếng là chia cụm sinh hoạt, nhưng trong Hội, thành viên nào đến ngày cắt nhung hươu hay có việc gì liên quan đều được thông tin đến các thành viên để ai có nhu cầu sẽ tìm đến mua. Nhờ đó, sản phẩm của các thành viên trong Hội luôn được bán hết.

 

Ngoài con vật chủ lực là hươu, các hội viên còn mạnh dạn đi đầu trong việc đưa các con vật đặc sản khác vào nuôi, như: nhím, kỳ đà, dúi, rắn và mới đây nhất là lợn rừng. Hiện, toàn Hội có hơn 120 con hươu, trong đó, hộ nuôi nhiều nhất 10 con của anh Trần Văn Câu, xã Kha Sơn; anh Nguyễn Văn Cao, xã Tân Khánh nuôi 8 con, còn lại trung bình nuôi từ 1-3 con. Cùng với hươu, trong Hội hiện có  8 hộ nuôi kỳ đà, 3 hộ nuôi dúi, 5 hộ nuôi rắn, 5 hộ nuôi nhím và 6 hộ nuôi lợn rừng. Ban đầu, những con vật này đều chỉ do 1-2 thành viên nuôi. Thấy tiềm năng và hiệu quả, các hội viên này đã phổ biến kiến thức và kinh nghiệm cho các hội viên khác.

 

Ông Dương Văn Lê, xóm Đồng Chúc, xã Tân Kim, Hội trưởng Hội nuôi hươu và các động vật đặc sản huyện Phú Bình cho biết: ngoài 2 con hươu, đầu năm 2009, sau khi được nghe anh Nguyễn Văn Quý, thành viên của Hội giới thiệu về cách thức nuôi lợn rừng cũng như tiềm năng của con vật này, tôi đã quyết định đầu tư 16 triệu đồng để mua 2 đôi lợn từ miền Nam đã phối giống về nuôi. 3 tháng sau, lợn đẻ. Qua tìm hiểu, nhu cầu về lợn rừng ngay trên địa bàn tỉnh hiện nay rất lớn, giá bán lại cao, gấp 3-4 lần lợn thường, trong khi thức ăn khá đơn giản chỉ là rau, củ, quả sống trộn với thức ăn tinh bột đã được nấu chín. Hiện, gia đình tôi đã có 11 con lớn, nhỏ. 

 

Trong những con vật mà các thành viên trong Hội đang chăn nuôi, chỉ có kỳ đà là có chế độ ăn "tốn" hơn cả. Thức ăn của loại vật nuôi này chủ yếu là cá, vịt, trứng các loại. Còn các loại con vật nuôi: hươu, nhím, dúi, lợn rừng đều khá dễ tính, từ khâu chăm sóc đến nguồn thức ăn. Thức ăn chủ yếu là các loại rau, củ, quả dễ trồng, dễ kiếm trong đời sống hàng ngày, nhất là khu vực nông thôn, như quả: sung, doi, mướp, ổi, mít, khế, chuối, lá ngô, cỏ, các loại rau xanh…, Bên cạnh đó, những con vật này cũng ít khi mắc dịch bệnh, lại cho thu nhập tương đối cao (đối với hươu, khoảng 6-7 triệu đồng/con/năm từ việc lấy nhung; với nhím từ 7-10 triệu đồng/năm/con trưởng thành cho sinh sản 1-2 lứa…). Các hội viên đều có cuộc sống ổn định, nhiều người có thu nhập 50-70 triệu đồng/năm.

 

Tuy nhiên, một trong những băn khoăn, cũng là khó khăn mà các hội viên lâu nay gặp phải đó chính là đầu ra của sản phẩm và kiến thức về cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, nhất là khi một số hội viên có nhu cầu phát triển số lượng và chủng loại vật nuôi. Trước nay, mặc dù sản phẩm của các hội viên đều được bán hết, thậm chí có lúc còn "cháy" hàng nhưng không có tính bền vững trong việc tiêu thụ, khiến giá cả lên - xuống thất thường, đặc biệt là ở những hội viên có ít mối quan hệ và mới bắt đầu chăn nuôi. Các sản phẩm bán ra mới chỉ được "quảng bá" thông qua việc người này giới thiệu đến người kia mà chưa có được một thị trường đầu ra ổn định.

 

Trong cách chăm sóc và phòng trừ bệnh tật cũng vậy, các hội viên đều phải tự mò mẫm, tìm tòi tài liệu và những tài liệu này thường rất hiếm, ít tìm thấy trên địa bàn tỉnh. Do vậy, khi vật nuôi có biểu hiện bệnh, người chăn nuôi phải tự phán đoán và chữa trị theo kinh nghiệm ở những loại vật nuôi khác. Vì thế, hiệu quả thường không cao. Mới đây, không hiểu vì nguyên nhân gì mà 4 con hươu của 3 gia đình hội viên tự nhiên chết, gây thiệt hại hàng chục triệu đồng cho các gia đình. Hội đã nhiều lần đặt vấn đề với một số phòng, ban chức năng huyện để nhờ tư vấn hoặc cung cấp tài liệu nhưng được cho biết là không có cán bộ chuyên môn về lĩnh vực này. Đây được xem là bước cản để các hội viên nói riêng, người chăn nuôi nói chung mạnh dạn đầu tư vào những vật nuôi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngoài những con vật truyền thống như lợn, gà…

 

Thiết nghĩ, việc các hội viên Hội Nuôi hươu và các con vật đặc sản huyện Phú Bình đã tự mầy mò, tìm kiếm được loại vật nuôi phù hợp, cho thu nhập cao là điều rất đáng quý, cần thiết nhận được sự ủng hộ, quan tâm và tiếp sức của các cấp, ngành chức năng. Bởi thực tế cho thấy, không ít các mô hình, dự án trong nông nghiệp mặc dù được Nhà nước đầu tư khá nhiều kinh phí nhưng vẫn không mang lại hiệu quả, hoặc hiệu quả thấp. Do đó, từ những khó khăn mà Hội Nuôi hươu và các con vật đặc sản huyện Phú Bình đã và đang gặp phải, mong rằng, các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện sẽ lưu tâm hơn đến việc định hướng phát triển cơ cấu vật nuôi trong ngành nông nghiệp; đưa ra cách thức tổ chức và biện pháp thực hiện, lựa chọn loại vật nuôi phù hợp, cho thu nhập cao, cùng với đó là đào tạo cán bộ, chắp mối bao tiêu sản phẩm, chọn địa bàn triển khai cũng như có định hướng về quy mô, số lượng cho hợp lý… để đa dạng, phong phú các sản phẩm trong nông nghiệp, từ đó giải quyết được việc làm, tăng thu nhập, giúp người nông dân không chỉ giảm nghèo mà còn có điều kiện làm giàu ngay tại gia đình họ mà ở nhiều địa phương khác đã và đang thực hiện.