Tình trạng người dân làm nông nghiệp thiếu đất sản xuất đang rất phổ biến nhưng việc hỗ trợ thêm đất sản xuất lại gặp nhiều trở ngại vì quỹ đất công không còn, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách quá thấp so với thực tế giá đất tại các địa phương. Để ổn định đời sống cho người dân nông thôn nói chung, người nghèo nói riêng, nhiều địa phương trong tỉnh đã tăng cường việc hỗ trợ đào tạo nghề…
Khi T.P Thái Nguyên xây dựng Đề án giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 đã đưa ra mục tiêu sẽ hỗ trợ đất sản xuất cho 474 hộ nghèo ở nông thôn đang thiếu hoặc không có đất sản xuất. Tuy nhiên, sau hơn hơn 3 năm thực hiện Đề án này, Thành phố chưa hỗ trợ được đất sản xuất cho hộ nghèo nào với lý do quỹ đất công không còn, giá đất sản xuất tại các địa phương quá cao trong khi nguồn kinh phí dự kiến hỗ trợ thấp. Không phải chỉ riêng T.P Thái Nguyên gặp khó khăn trong việc hỗ trợ đất sản xuất cho hộ nghèo mà hầu hết các địa phương trong tỉnh cũng vướng khi thực hiện nội dung này.
Đồng chí Viên Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: “Các nội dung trong Quyết định 134 của Chính phủ chúng tôi thực hiện tương đối hiệu quả nhưng riêng nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thì các xã trên địa bàn đều báo cáo là khó thực hiện. Về quỹ đất, huyện tăng cường tuyên truyền chắc chắn các hộ dân ngay tại địa phương sẽ nhượng lại một phần đất canh tác cho hộ nghèo thiếu quỹ đất nhưng phí hỗ trợ của Nhà nước chỉ có 6 triệu đồng/ha trong khi giá đất cao hơn nhiều lần…”.
Do các nguyên nhân chủ quan, khách quan mà việc hỗ trợ quỹ đất cho hộ nghèo thiếu đất sản xuất của cả 9 huyện, thành, thị trong tỉnh đều chưa thể thực hiện được. Trong bối cảnh đó, các địa phương đã chuyển từ chủ trương hỗ trợ đất sản xuất sang hỗ trợ học nghề phù hợp với khả năng nhận thức, tập quán canh tác của người dân các địa phương. Ví dụ như huyện Định Hóa đã đưa những hộ nghèo thiếu đất sản xuất vào Dự án cải tạo vùng chè già cỗi, Dự án phát triển vùng lúa bao thai đặc sản, Dự án chăn nuôi đại gia súc…để các hộ có cơ hội hưởng lợi. T.P Thái Nguyên lại giao nhiệm vụ cho Trung tâm Giới thiệu việc làm Thành phố tổ chức các lớp dạy nghề miễn phí như trồng hoa chất lượng cao, chế biến nấm thực phẩm và các nghề phi nông nghiệp có cơ hội tìm, tạo được việc làm ngay tại chỗ. Đặc biệt đối với địa phương được hưởng chính sách ưu đãi theo Quyết định 135, Quyết định 134 của Chính phủ đã sử dụng nguồn kinh phí từ các trương trình này để tăng cường công tác tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đào tạo nghề miễn phí cho người lao động thuộc diện hộ nghèo, người dân vùng đặc biệt khó khăn.
Chỉ tính từ năm 2006 tới nay, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức tập huấn trang bị kiến thức phục vụ phát triển kinh tế cho gần 30 nghìn lượt người, hỗ trợ xây dựng hàng nghìn mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình. Riêng đối với ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã hỗ trợ kinh phí để phân chỉ tiêu đào tạo nghề cho 9 huyện, thành, thị với tổng số trên 3 nghìn chỉ tiêu mỗi năm để các địa phương tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho người lao động thuộc diện chính sách.
Ngoài các chương trình đào tạo nghề có nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, một số địa phương trong tỉnh cũng đã cân đối ngân sách để hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động của địa phương mình. Cụ thể, huyện Phố Yên mỗi năm chi khoảng 500 triệu đồng nhằm hỗ trợ cho người dân mất đất nông nghiệp, người dân thuộc diện hộ nghèo học nghề miễn phí để chuyển đổi nghề nghiệp. T.P Thái Nguyên cũng đã xây dựng Đề án hỗ trợ nghề miễn phí cho các hộ nghèo và trong năm 2009 đã có trên 60 hộ dân ở các phường Cam Giá, Tân Thành được hưởng lợi từ chương trình này.
Đối với T.X Sông Công lại đầu tư kinh phí để hỗ trợ một số hộ nông dân nghèo sang Vĩnh Phúc học tập kinh nghiệm trồng cây thanh long đỏ và một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Đồng chí Bùi Mạnh Tuyên, Phó trưởng phòng Lao động -Thương binh và Xã hội T.P Thái Nguyên khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề này cho biết: “Qua khảo sát, chúng tôi thấy các hộ nghèo ở nông thôn trên địa bàn đều có diện tích đất canh tác nhất định nên nếu được hỗ trợ nghề phù hợp thì bà con vẫn có cơ hội tận dụng điều kiện hiện có để phát triển kinh tế, tạo nguồn thu nhập ổn định…”.
Trong điều kiện quỹ đất sản xuất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp do nhu cầu phát triển công nghiệp, xây dựng các công trình phục lợi và đô thị hóa thì tình trạng người dân nông thôn, nhất là các hộ nghèo mất đất sản xuất sẽ con xẩy ra. Do vậy, việc tăng cường đào tạo nghề để người dân nông thôn chuyển đổi nghề nghiệp rất cần sự quan tâm của các địa phương và đây mới giải pháp bền vững để người dân ổn cuộc sống.