Phát triển nghề phụ ở Hà Châu

16:09, 18/10/2009

Do đất chật, người đông nên xã Hà Châu (Phú Bình) hàng chục năm qua đã được biết đến là xã phát triển khá mạnh các nghề phụ. Xã có 1.226 hộ dân, với 6.084 nhân khẩu nhưng chỉ có 235ha đất nông nghiệp. Thực tế cho thấy, những gia đình có nghề phụ bao giờ cũng có cuộc sống ổn định, khá giả hơn hẳn những gia đình làm nông nghiệp đơn thuần.

 

Đan rọ tôm là nghề truyền thống của xã Hà Châu, đến nay đã được hơn 60 năm. Với ưu điểm: dễ làm, dễ tiêu thụ, dễ kiếm nguyên liệu, phù hợp với mọi lứa tuổi, có thể làm trong bất cứ thời tiết, thời gian nào nên vào những năm 1994-1996 (thời kỳ phát triển mạnh nhất) cả xã có đến 374 hộ tham gia và được duy trì đến tận hôm nay. Tuy nhiên, do thu nhập không cao (trên dưới 20 nghìn đồng/người/ngày) nên số hộ tham gia nghề này những năm gần đây có xu hướng giảm, hiện cả xã chỉ còn hơn 100 hộ. Được biết, năm 2005, trên cơ sở của nghề đan rọ tôm, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai Đề án phát triển nghề mây, tre đan xuất khẩu tại Hà Châu với mong muốn phát triển nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, chỉ sau 1 thời gian rất ngắn, Đề án đã bị thất bại vì người dân không đáp ứng được yêu cầu mỗi tháng phải thay đổi mẫu mã một lần từ phía đơn vị đặt hàng. Sau nghề đan rọ tôm, những năm qua, Hà Châu còn được biết đến với hàng trăm người làm thợ nề, thợ mộc và buôn bán lợn. Xã hiện có khoảng 400 người chuyên đi làm thợ nề (trong số này có khoảng 30% là phụ nữ làm phụ hồ), hơn 100 người làm nghề mộc và trên 20 hộ buôn bán lợn con.

 

Thực tế cho thấy, những gia đình có nghề phụ bao giờ cũng có cuộc sống ổn định, khá giả hơn hẳn những gia đình làm nông nghiệp đơn thuần. Với nghề xây dựng, nếu chi tiêu tiết kiệm, mỗi tháng cũng bỏ ra được trên dưới 2 triệu, hơn cả năm làm 5 sào ruộng. Hiện nay, thu nhập trung bình của thợ xây là 100 nghìn đồng/ngày; phụ vữa là 50-70 nghìn đồng/ngày; thợ mộc là 60-70 nghìn đồng/ngày. Mức thu này được xem là cao so với làm nông nghiệp. Do đó, số người tham gia vào các nghề phụ ở Hà Châu ngày một nhiều. Không ít gia đình đã xây được nhà, mua được ô tô, sắm sửa được tiện nghi sinh hoạt đắt tiền và nuôi con ăn học cao đẳng, đại học là từ nghề phụ.

 

Đến thăm gia đình bà Phạm Thị Sông, xóm Vôi có nghề buôn bán lợn từ năm 2002, chúng tôi cảm nhận rõ sự khá giả của gia đình bà. Gia đình bà hiện có 2 ô tô chở hàng và mới đây còn mua thêm được 1 ngôi nhà trị giá 370 triệu đồng cho cậu con trai. Trước đây, nguồn sống của 10 thành viên trong gia đình bà trông cả vào 1 mẫu ruộng nên cuộc sống rất vất vả. Những lúc con đóng học, bà lại phải bán đi cả tạ thóc. Hiện, trung bình mỗi tháng gia đình bà có 20-25 chuyến xuất lợn chủ yếu sang Trung Quốc.

 

Với gia đình bà Nguyễn Thị Xoa, xóm Soi lại có nghề phụ là thợ nề. Chồng bà là ông Nguyễn Văn Đức làm thợ xây cách đây hơn 20 năm. Những người con trai của bà lớn lên cũng theo bố làm nghề thợ xây ở Hà Nội. Bà cho biết: Cuộc sống tuy không vất vả như trước nhưng một số thành viên trong gia đình lại phải sống xa nhà. Một số gia đình trong xóm có đến 6 người đi làm thợ xây, thợ mộc. Giá chúng tôi có được công việc với mức thu nhập ổn định tại quê nhà thì tốt biết mấy.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Châu cho biết tỷ trọng sản xuất công nghiệp - tiểu thu công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng, hiện chiếm khoảng 24% trong cơ cấu kinh tế (tăng gấp 2 lần so với năm 2000). Về cơ bản, đời sống của người dân đều có sự thay đổi theo hướng tích cực nhưng tỷ lệ hộ nghèo của Hà Châu hiện vẫn ở mức cao (29,2%, tương ứng với 358 hộ). Không ít người dân vẫn trong tình trạng "nhàn rỗi" vào những ngày nông nhàn. Điều mà cả cán bộ và người dân nơi đây đều mong muốn, đó chính là Nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa đến việc phát triển mạng lưới giao thông ở nông thôn, nhất là tuyến đường chính nối từ xã đến trung tâm huyện và sang các xã lân cận của huyện Phổ Yên để tạo động lực, thu hút các công ty, doanh nghiệp đến với địa phương bước giải quyết việc làm để người nông dân ổn định cuộc sống mà không phải ly hương.