Quyết định 497 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Hỗ trợ lãi suất (HTLS) vay vốn mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn" được ban hành từ ngày 17/ 4/2009. Cho đến nay đã gần 7 tháng triển khai nhưng nguồn vốn này đến với nông dân Thái Nguyên còn quá ít (3 tỷ 147 tỷ đồng)…
Nguồn vốn đến với nông dân quá ít, trong khi đó, tổng dư nợ HTLS đối với cho vay theo Quyết định 131 của Chính phủ về việc cho các tổ chức, cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh (SXKD) ở hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NHNo) tỉnh là 1.416 tỷ đồng; cho vay theo Quyết định 443 về việc HTLS cho các tổ chức cá nhân, vay vốn trung, dài hạn ngân hàng để đầu tư mới phát triển sản xuất kinh doanh là 118 tỷ đồng. Trong số tiền trên 3 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở huyện Phú Bình (trên 2,2 tỷ đồng; tiếp đến là Đồng Hỷ 290 triệu đồng; Phổ Yên 190 triệu đồng; các huyện, thành, thị khác không đáng kể).
Lý giải vấn đề này, ông Bùi Văn Khoa, Phó Giám đốc NHNo tỉnh cho biết: Trên thực tế, nhu cầu của người dân trong tỉnh cũng không nhiều lắm, vì sản xuất nông nghiệp ở tỉnh là sản xuất nhỏ nên việc sử dụng máy móc cũng còn hạn chế. Ở các huyện, thành, thị đã có một số hộ sử dụng máy móc nông nghiệp để cày, bừa, gặt lúa… Song, những máy móc này chủ yếu do Trung Quốc hoặc Nhật sản xuất (máy của Nhật hầu hết đã qua sử dụng) nên giá rẻ. Trong khi đó, tính ưu việt của Quyết định 497 là: đối với các sản phẩm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp được HTLS 100% lãi suất tiền vay, thời hạn vay tối đa 24 tháng; đối với sản phẩm vật tư nông nghiệp được HTLS 4%/năm, thời hạn cho vay tối đa 12 tháng. Đối với vật liệu xây dựng các loại để làm nhà ở, mức tiền vay tối đa bằng 100% giá trị hàng hóa nhưng không vượt quá 50 triệu đồng, mức HTLS 4%/năm. Quyết định này ra đời với mục đích thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển thông qua kích cầu đầu tư và tiêu dùng ở khu vực nông thôn, nên các điều kiện cho vay HTLS không "rộng mở": Máy móc phải do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, có mã số, mã vạch, được đăng ký chất lượng lưu hành trong nước.
Đối với Thái Nguyên, đặc thù là nơi sản xuất nhiều chè nên đã có nhiều địa phương sản xuất máy vò chè, máy sao chè và được người dân sử dụng rất nhiều các loại máy móc trên. Nhưng áp vào các điều kiện cho vay thì những hàng hóa đó đa số sản xuất thủ công, không có mã số, mã vạch, không đăng ký chất lượng sản phẩm nên Ngân hàng không thể cho vay được. Đối với vật liệu xây dựng nhà ở nông thôn cũng vậy, theo quy định thì vật liệu xây dựng cũng phải có thương hiệu… nhưng ở nông thôn, bà con nông dân chủ yếu tự nung gạch để sử dụng, hoặc có mua cũng là gạch sản xuất thủ công; cát khai thác ở sông, suối. Vì vậy, không thể chứng minh được nguồn gốc gạch, cát đó được sản xuất ở một đơn vị nào đó có thương hiệu … Cũng từ lý do này nên trong số trên 3 tỷ đồng đã cho vay, có tới 2,735 tỷ đồng cho các hộ vay để mua ô tô; còn lại là mua máy cày, máy tuốt lúa. Các loại sản phẩm máy móc khác không chứng minh được nguồn gốc, không đăng ký sản xuất, lưu hành trong nước, nếu có nhu cầu vay, các Ngân hàng cũng không thể giải quyết.
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, Ngân hàng đã tổng hợp các ý kiến để kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chính phủ xem xét tiếp. Song trước mắt, Ngân hàng vẫn tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận được với nguồn vốn này. Ông Nguyễn Văn Thưởng, Giám đốc NHNo tỉnh cho biết: "Mặc dù tăng trưởng dư nợ của Ngân hàng đã đảm bảo chỉ tiêu theo quy định từ tháng 6/ 2009, trong khi, việc huy động vốn tại địa bàn để có nguồn vốn cho vay cũng rất khó khăn, tuy nhiên, quan điểm của Ngân hàng là: Dù khó khăn đến đâu, Ngân hàng cũng vẫn đáp ứng đủ vốn cho các hộ vay theo Quyết định 497, nếu hộ vay vốn đủ điều kiện, đầu tư đúng mục đích, có hiệu quả. Nguồn vốn này Trung ương cũng không đề ra chỉ tiêu kế hoạch phải cho vay là bao nhiêu?", trong thời hạn thực hiện "gói kích cầu" Ngân hàng vẫn đáp ứng".
Mới đây, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hội nghị nhằm đánh giá và tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Quyết định 497, sau đó đại diện Hội Nông dân đã làm việc với NHNo tỉnh. Qua thống nhất, Giám đốc NHNo tỉnh đã có văn bản chỉ đạo NHNo các huyện, thành, thị đáp ứng đủ vốn cho khách hàng thuộc đối tượng của Quyết định này nếu đủ điều kiện vay vốn. Các Chi nhánh Ngân hàng tiếp cận Hội Nông dân cùng cấp để tổng hợp nhu cầu của bà con và thiết lập hồ sơ, tiến hành thẩm định, cơ cấu nợ và có kế hoạch bố trí vốn kịp thời. Sau hội nghị này, Hội Nông dân và các Chi nhánh Ngân hàng cấp huyện đã nhanh chóng triển khai. Tuy nhiên, do cách hiểu chưa thấu đáo, nên nhiều nơi, người dân đã đăng ký vay vốn mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp một cách ồ ạt và mang tính phong trào. Ví dụ như ở xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên có tới 60 hộ đăng ký vay vốn để mua máy, nhưng khi cán bộ Ngân hàng vào thẩm định thì chỉ có 5 hộ được vay vốn. Vì, qua khảo sát của Ngân hàng cho thấy: hạn mức đất ruộng đối với các hộ nông dân không nhiều, bình quân chỉ 5 đến 6 sào ruộng một hộ. Nếu trong một xóm có nhiều hộ cùng đầu tư mua máy nông nghiệp để cày, bừa, gặt; nếu không làm dịch vụ cày, bừa thêm thì tính hiệu quả không cao vì hệ số sử dụng trong một vụ rất thấp. Đối chiếu với các điều kiện vay vốn thì đều không đáp ứng theo các quy định.
Bên cạnh động thái tích cực trên, NHNo tỉnh và Công ty TNHH một thành viên máy kéo và máy nông nghiệp Hà Nội đã bàn trên nguyên tắc và đang tiếp tục nghiên cứu để đi đến ký kết văn bản thoả thuận về việc cho vay vốn đối với khách hàng mua máy nông nghiệp thông qua Công ty nhằm thúc đẩy việc thực hiện Quyết định trên. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số đơn vị đã sản xuất các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa chủ động tìm đến nông dân hay đến với Ngân hàng để phối hợp nhằm giúp người dân tiếp cận được với nguốn vốn này. Đây là vần đề các Nhà quản lý cần có sự chỉ đạo; các nhà sản xuất cần năng động hơn nữa trong việc tiếp cận thị trường nội địa. Khi vấn đề trên được giải quyết thì đó là cách làm mang lại hiệu quả nhiều mặt: Vừa tham gia thực hiện tốt các giải pháp kích cầu của Chính phủ, vừa hưởng ứng chủ trương "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".