Giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục

08:24, 04/11/2009

Nâng cao chất lượng giáo dục (GD) hiện nay được coi vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa lâu dài, mà yếu tố quan trọng nhất chính là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên (GV). Sở GD & ĐT Thái Nguyên đã xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo (NG) và cán bộ quản lý GD giai đoạn 2005-2010”. Qua hơn 2/3 chặng đường, những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, song so với đòi hỏi thực tế vẫn còn nhiều khoảng cách chưa được lấp đầy....

 

Tính từ thời điểm 30/6/2005 khi bắt đầu thực hiện Đề án, ở bậc học mầm non toàn ngành GD & ĐT của tỉnh vẫn còn 5,71% GV dưới chuẩn (133 GV), tỷ lệ trên chuẩn chiếm 5,75%. Số GV mầm non chưa đạt chuẩn tập trung chủ yếu ở các xã miền núi, vùng cao. Bậc tiểu học tỷ lệ dưới chuẩn chỉ chiếm 1,30%, song số GV này lại là đối tượng khó đào tạo, bởi tuổi đời họ đã cao, trước đây chỉ đi học các lớp cấp tốc rồi về giảng dạy. Số GV THCS dưới chuẩn là 1,27%, THPT là 3,44% chủ yếu là GV dạy GD thể chất. Ngoài những hạn chế do trình độ chưa đạt chuẩn, số GV có trình độ trên chuẩn thấp thì nhìn chung phương pháp dạy học của nhiều GV còn chậm đổi mới, các tiết dạy có sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học hạn chế, nhất là các môn có nhiều thí nghiệm, thực hành chưa được tiến hành thường xuyên. Còn một số không nhỏ NG trong việc thực hiện chức năng dạy chữ, dạy nghề và dạy người chưa có chuyển biến đáng kể, nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy nghề và chưa hướng tới mục tiêu cao cả là dạy làm người. Bên cạnh đó, cơ cấu bộ môn học còn thiếu nhiều ở các môn như âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ, vật lý, hoá học....

 

Về đội ngũ cán bộ quản lý GD ở các nhà trường phần lớn tuổi đời cao, tuy có kinh nghiệm trong nghề nghiệp nhưng trình độ năng lực điều hành còn nhiều hạn chế, bất cập, hẫng hụt về nhiều mặt nhất là tính chuyên nghiệp trong nghề nghiệp và khả năng cập nhật tin học, ngoại ngữ, xử lý các văn bản quy phạm pháp luật. Theo đồng chí Vũ Thị Hoà, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Sở GD & ĐT: "Mục tiêu mà Đề án hướng tới là xây dựng đội ngũ NG và cán bộ quản lý GD theo hướng chuẩn hoá, nâng cao chất lượng, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống, lương tâm, tay nghề của NG. Mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2010 100% GV mầm non, tiểu học, THCS, THPT đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn ở bậc mầm non là 20%, tiểu học 45%, THCS 40%, THPT 10-12%; 100% NG được bồi dưỡng thường xuyên theo chu kỳ để cập nhật kiến thức chuyên môn mới, 100% cán bộ quản lý GD được bồi dưỡng nghiệp vụ.

 

Để thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra trong Đề án, ngành đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, hướng dẫn các phòng GD & ĐT khảo sát, thống kê tình hình đội ngũ, xây dựng kế hoạch thực hiện theo mục tiêu của Đề án ở đơn vị mình. Đối với bậc học mầm non, từng bước khắc phục tình trạng bất hợp lý trong cơ cấu biên chế, tuyển dụng kịp thời GV cho các xã vùng cao, điều kiện kinh tế khó khăn. Đối với GD trung học, ưu tiên đào tạo các loại hình đang thiếu. Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng đội ngũ NG và cán bộ quản lý GD, từng nhà trường tiến hành xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, bố trí sắp xếp đội ngũ theo hướng chuẩn hoá về mọi mặt. Đối với những trường hợp không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cho đi đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao, luân chuyển, giải quyết chế độ hưu trước tuổi".

 

Trong 3 năm qua, ngành đã cử đi đào tạo đạt chuẩn và nâng chuẩn 876 trường hợp, trong đó tiến sỹ 2, thạc sỹ 79, đại  học GD thể chất 36, đại học mầm non 166.... Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo chương trình thay sách giáo khoa.... cho hàng nghìn cán bộ, GV. Nhiều GV đã khắc phục khó khăn đi học để cập chuẩn và nâng chuẩn. Bên cạnh đó, một biện pháp hữu hiệu nhất để nâng cao chất lượng đội ngũ GV đó là tổ chức đánh giá, xếp loại năng lực GV tuy đã được quan tâm song chưa đúng mức. Việc đánh giá, xếp loại năng lực GV có hai cách, đó là thông qua chất lượng giờ dạy và các sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) giảng dạy. Tiêu chí đánh giá, xếp loại giờ dạy dựa trên 3 yêu cầu là tính tư tưởng-thực tiễn; tính khoa học và tính nghiệp vụ. Trong 3 yêu cầu này thì tính khoa học là trọng tâm. Trên thực tế việc nhận xét, đánh giá giờ dạy của GV ở không ít trường vẫn rất hình thức, không nghiêm túc, nặng “bệnh" thành tích, nên kém tác dụng, hiệu quả.

 

Yếu tố thứ hai để đánh giá năng lực GV là thông qua các đề tài, SKKN giảng dạy. Nhưng trên thực tế, có khá nhiều đề tài không xuất phát từ thực tiễn giảng dạy mà được làm mang tính chất đối phó. Một phần do năng lực của GV hạn chế, do đó chất lượng sáng kiến, đề tài cũng yếu.... nên việc áp dụng các SKKN để góp phần cải tiến, đổi mới phương pháp dạy học cho phù hợp đối tượng của các trường vẫn còn hạn chế.

 

Sau gần 4 năm thực hiện Đề án, tính đến thời điểm này số GV mầm non đạt chuẩn toàn tỉnh trở lên chiếm 95,66% (trong đó trên chuẩn là 23,29%); tiểu học đạt chuẩn trở lên là 99,36% (trong đó trên chuẩn là 70,3%); THCS đạt chuẩn trở lên 99,05% (trong đó trên chuẩn 30,43%); THPT đạt chuẩn trở lên là 99,15% (trong đó trên chuẩn là 7,45%). Như vậy, bậc học mầm non hiện vẫn còn 4,34% GV chưa đạt chuẩn. Chỉ còn hơn 1 năm nữa là thời điểm kết thúc Đề án, nhưng tỷ lệ GV ở bậc THCS, THPT số trên chuẩn còn thấp hơn so mục tiêu của Đề án.

 

Thiết nghĩ để thực hiện thắng lợi Đề án thì bên cạnh việc tiếp tục tuyển dụng đủ GV theo cơ cấu bộ môn, tạo điều kiện cho đội ngũ GV chưa đạt chuẩn và phấn đấu nâng chuẩn đi học, các nhà trường cần đặc biệt quan tâm đến việc đánh giá, xếp loại GV. Chỉ có đánh giá, xếp loại giờ dạy, SKKN một cách nghiêm túc, khách quan, trung thực mới có thể đánh giá  đúng năng lực thực của mỗi GV. Đây là công việc vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nhân văn. Bởi nó đụng chạm tới danh dự, uy tín, ảnh hưởng đến đời sống của GV. Nhận xét tốt, xấu với tinh thần khách quan, công tâm, có sơ sở khoa học, những người đánh giá sẽ làm cho người được đánh giá tâm phục, khẩu phục, tạo sự phấn khởi cho GV, khích lệ họ cố gắng hơn nữa hoặc nhìn nhận ra các thiếu sót, hạn chế về bản thân để phấn đấu vươn lên. Làm tốt công việc này, chính là giải pháp hữu hiệu để chống "bệnh" thành tích, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ GV.