Hướng tới phát triển chăn nuôi trang trại tập trung

08:56, 30/11/2009

Để cải thiện cuộc sống, tạo việc làm ổn định thì phát triển chăn nuôi là sự lựa chọn của nhiều hộ dân làm nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, chăn nuôi ở Thái Nguyên vẫn là nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả kinh tế chưa cao. Dự ước năm 2009, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi mới đạt trên 1.815 tỷ đồng, chiếm trên 31% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.

 

thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ), ai cũng thán phục sự mạnh dạn của gia đình ông Nguyễn Văn Tùng bởi ông đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng chuồng tri chăn nuôi khoảng 2.000 con gà siêu trứng và 40 con lợn nái/năm, thu lãi hàng chục triệu đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 5 lao động. Ông Tùng chỉ là một trong rất nhiều người dân ở Thái Nguyên dám đầu tư khoản tiền lớn cho phát triển chăn nuôi. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, gần 10 năm trở lại đây, Thái Nguyên đang phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, đầu tư sản xuất hàng hóa, phát triển vật nuôi có lợi thế, giá trị kinh tế cao.

 

Hiện tại, toàn tỉnh có 212 trang trại chăn nuôi, trong đó có 18 trang trại chăn nuôi trâu, 16 trang trại chăn nuôi bò quy mô từ 10 - 60 con; 83 trang trại chăn nuôi lợn quy mô từ 20 - 600 nái ngoại, nái lai; 95 trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô từ 2.000 - 6.000con. Đây là một tín hiệu đáng mừng song những trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô khá lớn của tỉnh ta chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương bởi Thái Nguyên là tỉnh trung du miền núi, có nhiều diện tích đất đồi bãi có thể trồng cỏ phục vụ chăn nuôi trâu bò; có nhiều mặt bằng rộng để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn, gà... Đặc biệt, dân số Thái Nguyên đông, bình quân có 325 người/km2 nên nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm cũng khá lớn…

 

Tính đến thời điểm này, đàn trâu của tỉnh là trên 106,5 nghìn con, đàn bò gần 51 nghìn con, đàn lợn hơn 547,6 nghìn con và đàn gia cầm là trên 55 triệu con. Về cơ cấu vật nuôi, đàn gia súc chiếm gần 69,9%, gia cầm chiếm gần 18,8%, sản phẩm không qua giết mổ chiếm 8,6%, sản phẩm và chăn nuôi khác chiếm 2,7%. Đối với công tác giống vật nuôi, hiện Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh có 1 trang trại giống lợn ông, bà quy mô 150 nái ngoại; 1 trại gà giống ông, bà quy mô 1.000 con; 1 trạm truyền giống, quy mô 60 đầu lợn đực giống ngoại, hằng năm sản xuất 150 nghìn liều tinh trùng, đáp ứng 45% nhu cầu trong tỉnh. Ngoài ra, còn có 20 cơ sở sản xuất giống gia cầm. 83 trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại như đã nêu ở trên cũng sản xuất con giống kết hợp với nuôi lợn thịt. Từ những con số này cho thấy, nhiều giống gia súc, gia cầm có năng suất, chất lượng đã được đưa vào nhân giống, sản xuất ở tỉnh ta. Mặc dù vậy, tỷ lệ giống ngoại, giống lai còn chiếm tỷ lệ thấp, đàn lợn nái ngoại mới chiếm 4,5%, nái lai: 3,9%, nái Móng Cái và giống địa phương khác vẫn chiếm tới 91,5%; gà, vịt siêu trứng mới chiếm 20%; bò lai Sind mới chiếm 24% tổng đàn.

 

Ông Trần Văn Cung, một người dân ở xã Bình Thuận (Đại Từ) cho biết: “Giá một con nái ngoại lên tới 10 đến 15 triệu đồng nên người nông dân chúng tôi không có đủ tiền đầu tư. Vì thế, 10 năm nay, gia đình vẫn đầu tư nuôi lợn nái Móng Cái, mỗi khi đến kỳ lợn sinh sản, gia đình thuê thụ tinh nhân tạo với giống lợn ngoại để có đàn con lai có tỷ tệ thịt hướng nạc, dễ tiêu thụ.

 

Mặc dù số gia súc, gia cầm của Thái Nguyên so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước không nhiều song 3 công ty chế biến thức ăn chăn nuôi trong tỉnh là Công ty CP Nam Việt, Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Đại Minh và Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Nam Hòa vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Chỉ tính riêng nhu cầu thức ăn cho đàn lợn, 1 năm cần khoảng 250-270 tấn thức ăn tinh, trong khi công suất chế biến của các công ty kể trên chỉ đạt từ 50 đến 100 tấn/năm nên việc chế biến thức ăn tại chỗ chỉ đáp ứng 20-25% nhu cầu cho đàn lợn, số còn lại phải mua từ các tỉnh khác. Theo đó, diện tích trồng cỏ toàn tỉnh hiện có 300 ha, chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu chăn nuôi đàn trâu, bò nên việc chăn thả vẫn phụ thuộc vào tự nhiên.

 

Với những thực trạng như đã nêu thì để chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Thái Nguyên phát triển đòi hỏi phải có những giải pháp khả thi. Theo đồng chí Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Hiện nay, tỉnh ta đã xây dựng xong quy hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi. Thời gian tới, Thái Nguyên sẽ triển khai quy hoạch này theo hướng phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, áp dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất hàng hóa, an toàn, hiệu quả, bền vững gắn với quy hoạch giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Trong đó, các công ty sản xuất, kinh doanh chăn nuôi là trung tâm hỗ trợ các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi trong việc cung cấp con giống, nguồn thức ăn và bao tiêu sản phẩm. Việc đầu tư chăn nuôi sẽ theo hướng thâm canh, bán thâm canh là chủ yếu, có kết hợp chăn nuôi truyền thống được áp dụng khoa học, kỹ thuật.

 

Về hình thức chăn nuôi theo kiểu trang trại, gia trại là chủ yếu, giảm dần chăn nuôi nông hộ. Các loại vật nuôi năng suất cao như trâu lai, bò lai sind, lợn ngoại, lợn lai, nhóm gia cầm siêu thịt, siêu trứng và vật nuôi có giá trị kinh tế cao sẽ được đưa vào chăn nuôi ở vùng trung  du. Trâu nội, bò lai sind, dê, lợn lai, lợn Móng Cái, lợn và gà giống địa phương… được đưa vào chăn nuôi ở vùng núi, vùng khó khăn. Về giống, tỉnh sẽ tập trung sản xuất các con giống năng suất, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong tỉnh; bình tuyển nâng cao chất lượng đàn đực giống trâu, bò, lợn; xây dựng vùng sản xuất con giống; tăng cường công tác quản lý giống vật nuôi theo Pháp lệnh Giống vật nuôi. Đối với nguồn thức ăn, khuyến khích trồng cỏ có năng suất, chất lượng cao để phát triển chăn nuôi đại gia súc; tạo điều kiện thuận cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến thức ăn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là khuyến khích phát triển chăn nuôi vật nuôi có giá trị kinh tế cao; thành lập hệ thống thông tin, thị trường chăn nuôi làm cơ sở cho tổ chức sản xuất, kinh doanh đảm bảo hiệu quả, bền vững; đầu tư xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm và đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao…

 

Với nhiều biện pháp tích cực, chúng tôi tin rằng tỉnh ta sẽ đạt được kế hoạch đề ra là: Đến năm 2015, toàn tỉnh phấn đấu có 110 nghìn con trâu, 90 nghìn con bò, 960 nghìn con lợn và 75 triệu con gia cầm các loại, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 3.712 tỷ đồng, chiếm 38% trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.