Khó khăn trong công tác phát triển Đảng ở Tân Khánh

16:47, 14/11/2009

Mặc dù rất nỗ lực trong công tác phát triển Đảng và xoá xóm “trắng” đảng viên nhưng đến nay, Tân Khánh vẫn là đảng bộ cuối cùng của huyện Phú Bình còn xóm “trắng” đảng viên và có đến 3 chi bộ sinh hoạt ghép, lãnh đạo 9 xóm. Thực tế này đã và đang khiến công tác lãnh đạo, điều hành của Đảng bộ xã cũng như ở những xóm “trắng” đảng viên, xóm không có chi bộ gặp nhiều khó khăn.

 

Là xã miền núi của huyện Phú Bình, đời sống của người dân Tân Khánh còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những xóm có đông đồng bào công giáo và dân tộc thiểu số sinh sống. Đảng bộ hiện có 203 đảng viên, sinh hoạt ở 22 chi bộ, trong đó có 3 chi bộ nhà trường, 1 chi bộ phố, còn lại 18 chi bộ nông thôn. Tân Khánh có 24 xóm. Ngoài Cầu Cong và La Muôi là những xóm “trắng” đảng viên, Tân Khánh hiện còn 4 xóm chưa có chi bộ, phải sinh hoạt ghép, đó là: Làng Chanh, Làng Kê, La Tú và Làng Cả. Trong số 3 chi bộ sinh hoạt ghép, có chi bộ Bằng Sơn lãnh đạo 4 xóm, gồm: Bằng Sơn, Cầu Cong, Làng Chanh và Làng Kê; chi bộ Kim Bảng lãnh đạo 3 xóm gồm: Kim Bảng, La Tú và La Muôi; chi bộ La Ri lãnh đạo 2 xóm là Làng Cả và La Ri. Đầu nhiệm kỳ (năm 2005), Đảng bộ Tân Khánh chỉ có 11 chi bộ. Lúc này, trung bình 1 chi bộ lãnh đạo 3 đến 4 xóm nên việc điều hành, chỉ đạo của Đảng bộ xã gặp nhiều khó khăn.

 

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện Phú Bình lần thứ XXIV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVIII, Tân Khánh đã tách 11 chi bộ thành 22 chi bộ. Việc chia tách này một mặt là để củng cố vai trò lãnh đạo của chi bộ, mặt khác giúp công tác phát triển đảng, nhất là ở những xóm trắng đảng viên có điều kiện thuận lợi hơn thông qua việc tổ chức các phong trào, hoạt động, trong đó có việc phát hiện, tạo nguồn và bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng. Nhờ đó, từ 5 xóm trắng đảng viên, đến nay, con số này đã giảm xuống còn 2 xóm và hiện 2 xóm này đều đã có nguồn, làm xong thủ tục, đang chờ quyết định chuẩn y kết nạp của Huyện uỷ.

 

Trên thực tế, nhiều năm trở lại đây, mỗi năm, toàn xã đều có trên dưới 20 đối tượng tham gia các lớp bồi dưỡng kết nạp đảng viên. Nhưng chỉ khoảng non nửa số này được xét kết nạp Đảng (chủ yếu là giáo viên). Số đối tượng còn lại không được xét kết nạp do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là đi làm ăn xa.

 

Khó khăn nhất trong công tác phát triển đảng hiện nay ở Tân Khánh là thiếu nguồn. Đại đa số thanh niên cả nam và nữ sau khi tốt nghiệp THPT đều theo học ở các trường đại học, cao đẳng, trung học nghề hoặc đến các thành phố lớn làm thuê. Rất ít thanh niên ở nhà, mà những thanh niên này thường chưa tốt nghiệp THPT, trong khi theo quy định, nếu không phải ở những xóm trắng đảng viên; vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; hoặc tham gia công tác ở xóm; có tác dụng tích cực với phong trào địa phương thì phải đảm bảo điều tốt nghiệp THPT thì mới là đối tượng để các chi bộ hướng đến. Đồng chí Vũ Duy Kính, Bí thư Đảng uỷ xã không ngần ngại cho chúng tôi biết về tình trạng 2 năm trở lại đây, một số xóm ở Tân Khánh phải bầu lại bí thư chi đoàn đến 2 đến 3 lần. Hoạt động đoàn ở xã vốn sôi nổi, hiệu quả là vậy nhưng giờ trở nên chệch choạng. Hè năm học 2008-2009, 5/24 xóm của xã không tổ chức được hoạt động sinh hoạt hè cho học sinh do bí thư chi đoàn đi làm ăn xa. Từ thực tế này nên việc để phát hiện các nhân tố tích cực, điển hình để chi bộ bồi dưỡng, kết nạp Đảng càng trở nên khó khăn.

 

Anh Nguyễn Văn Tú, xóm La Muôi - nơi có đông đồng bào công giáo sinh sống, người mà tới đây sẽ được đứng trong hàng ngũ của Đảng tâm sự: Trước sự quan tâm, động viên của các bác trong Chi bộ xóm Kim Bảng, tôi đã theo học lớp bồi dưỡng kết nạp đảng viên. Tuy nhiên, không ít người trong xóm đã "khuyên" tôi không nên vào Đảng. Họ bảo: Trước nay, ở La Muôi chưa có ai vào Đảng; vào Đảng rồi việc gì cũng sẽ đến tay, sẽ rất mất thời gian… Đã có lúc, tôi bị dao động, định thôi không làm hồ sơ nhưng bố mẹ tôi thì luôn khuyến khích, tạo điều kiện và mong muốn tôi được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Các bác trong Chi bộ và ngay cả bác Bí thư Đảng uỷ xã và Cha đạo cũng rất quan tâm, động viên, phân tích, để tôi nhận thức đúng đắn về Đảng. Vì thế, tôi đã quyết định làm hồ sơ và tiếp tục phấn đấu để được kết nạp vào Đảng. Hồ sơ của tôi đã hoàn thiện, chỉ chờ Huyện uỷ ra quyết định kết nạp.

 

Về những khó khăn trong công tác phát triển đảng cũng như trong việc sinh hoạt ghép của chi bộ, đồng chí Lê Duy Kiêm, Bí thư Chi bộ Kim Bảng cho biết: Chi bộ hiện có 9 đảng viên, trong đó có 8 đảng viên thuộc xóm Kim Bảng, 1 đảng viên xóm La Tú. Tổng số hộ dân của 3 xóm này là 270 hộ. Việc ra Nghị quyết hàng tháng bao giờ cũng phải tỉ mỉ, cụ thể đối với từng xóm. Trong khi đó, do không phải là người của xóm nên cấp ủy không phải vấn đề nào cũng nắm được, nhất là với xóm La Muôi vì không có đảng viên tham gia sinh hoạt. Để ra được Nghị quyết, Chi bộ đều phải nghe qua báo cáo của trưởng xóm và trưởng các ngành, đoàn thể của xóm. Nhiều thông tin khi nắm được đã bị chậm. Việc kiểm tra, đôn đốc cũng không thể sâu sát được bằng ở xóm mình. Từ khó khăn đó nên những năm qua, chi bộ đã rất tích cực trong công tác phát triển đảng. Tuy nhiên, để có thể phát triển được 1 đảng viên lại không hề đơn giản. Thường mất ít nhất 2 năm kể từ khi phát hiện nguồn đến việc theo dõi, giúp đỡ, làm hồ sơ… Đầu năm 2008, chi bộ đã tạo được nguồn ở xóm La Muôi nhưng lại không thành do đối tượng này sinh con thứ 3. Hiện, ngoài anh Nguyễn Văn Tú, Chi bộ cũng đã hoàn thiện hồ sơ, đề nghị cấp trên chuẩn y kết nạp cho 2 đối tượng ở xóm La Tú.

 

Làm thế nào để tháo gỡ khó khăn trong công tác phát triển Đảng, theo đồng chí Vũ Duy Kính thì rất cần sự quan tâm đầu tư của Nhà nước trong việc phát triển ngành, nghề phụ tại địa phương để "giữ chân" thanh niên sau khi ra trường ở lại quê nhà, từ đó có nguồn để xem xét, bồi dưỡng, kết nạp; linh hoạt, vận dụng kết nạp những trường hợp chưa tốt nghiệp THPT hoặc đã sinh con thứ 3 từ nhiều năm trở về trước; có chế độ đãi ngộ, ưu tiên cho cán bộ, đảng viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, công giáo; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, giúp đồng bào phát triển kinh tế, văn hoá để người dân tin và phấn đấu vào Đảng… Bên cạnh đó, theo chúng tôi, Đảng uỷ xã cũng như các chi bộ cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân, đặc biệt là ở những xóm có đông đồng bào công giáo và dân tộc thiểu số sinh sống hiểu đúng về Đảng, về những giá trị, quyền lợi khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tránh việc do thiếu hiểu biết mà nhiều người dân xóm La Muôi đã "khuyên" anh Tú không vào Đảng như đã nêu ở trên.