Lời giải cho "bài toán" phát triển cây lúa lai

10:19, 09/11/2009

Với mục tiêu tăng năng suất, chất lượng cây trồng để tăng sản lượng lương thực, Thái Nguyên  đã đưa cây lúa  lai vào gieo trồng từ năm 1995. Nhưng, thực tế cho thấy: cây lúa lai vẫn chưa phát triển. Hiện, toàn tỉnh chỉ có 7.645ha lúa lai, chiếm 11% diện tích, năng suất  đạt 56 đến 59 tạ/ha, cao hơn từ 10 đến 12% so với giống lúa thuần, song lại thấp hơn so với năng suất lúa lai bình quân của cả nước…

 

Kỳ 1: Nhiều ưu thế nhưng chưa phát triển

 

Ưu thế vượt trội

 

Lúa lai là sự lai tạo giữa các giống lúa thuần có ưu điểm vượt trội để tạo ra một con lai theo mong muốn. Ông Hồ Quang Chiến, một người dân ở phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) đã trồng lúa lai giống TH 3-3, khẳng định: Lúa lai có rất nhiều ưu điểm vượt trội so với giống lúa thuần như: cây cứng, chống đổ, chống rét tốt, bệnh đạo ôn, khô vằn thường chỉ bị nhẹ; thời gian sinh trưởng ngắn hơn giống lúa thuần từ 7-10 ngày; năng suất cao hơn giống lúa thuần trung bình từ 10-15%. Và hiệu quả kinh tế của cây lúa lai cũng được khẳng định bởi tính vượt trội về năng suất so với giống lúa thuần. Còn ông Nguyễn Văn Thông, một người dân ở xã Động Đạt (Phú Lương) tâm sự: Qua gieo cấy giống lúa lai TH 3-3, tôi thấy hiệu quả kinh tế của cây lúa lai thương phẩm cao hơn 30-40% so với giống lúa thuần Khang Dân.

 

Đồng chí Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhận xét: Năng suất lúa lai ở Thái Nguyên nhiều năm đạt từ 56-59 tạ/ha và cao hơn so với năng suất giống lúa thuần từ 10-12%. Qua kết quả nghiên cứu của Khoa Nông học, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Thái Nguyên được thiên nhiên ưu đãi cho canh tác nông nghiệp, đặc biệt là có đủ điều kiện tự nhiên để trồng lúa lai thương phẩm và sản xuất hạt lúa lai F1. Còn đồng chí Hà Văn Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng tỉnh, đơn vị nhiều năm trồng khảo nghiệm các giống lúa lai cũng khẳng định: Lúa lai phù hợp với đồng đất Thái Nguyên, đặc biệt là ở các huyện miền núi như: Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai, Định Hóa. Để khuyến khích nông dân gieo trồng cây lúa lai, nhiều năm qua, tỉnh ta đã thực hiện chính sách trợ giá giống, công chỉ đạo sản xuất lúa cao sản. Mức trợ giá giống thay đổi theo từng năm để phù hợp với điều kiện cụ thể, dao động từ 7 đến 15 nghìn đồng/kg.

 

Về chất lượng lúa lai, qua nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy trong gạo - một loại ngũ cốc, cung cấp tới 85% năng lượng trong các bữa ăn của người Việt Nam - có chứa rất nhiều chất quý. Trung bình trong 100g gạo có khoảng trên 12g prôtêin, 22g lypit, 40g glicid và nhiều nguyên tố vi lượng, đặc biệt là vitamin B1 chiếm khoảng 0,1g... Và các loại gạo được sản xuất ra từ lúa lai cũng có đủ các vi chất dinh dưỡng này. Điều này cho thấy, chất lượng lúa lai không hề thua kém so với lúa thuần.

 

Nhưng người dân chưa “mặn mà”

 

Mặc dù có nhiều ưu điểm vượt trội, lại được trợ giá giống, nhưng đến nay cây lúa lai vẫn chưa phát triển trên đồng đất Thái Nguyên. Năm 2007, diện tích lúa lai thương phẩm chỉ chiếm 6.730 ha trong tổng diện tích 70.227 ha lúa của tỉnh, chiếm 9,5%; năm 2008 là 5.846/68.856 ha, chiếm 8,4%; năm 2009 là 7.645/69.803 ha, chiếm 11%. Các giống lúa lai được đưa vào gieo trồng chủ yếu là: các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 125 đến 138 ngày, được gieo vào trà đầu vụ xuân muộn như Nhị ưu 838, Q ưu số 1, Thục Hưng 6, Phú ưu số 1, Syn6; các giống có thời gian sinh trưởng ngắn hơn 125 ngày, gieo cấy từ giữa đến cuối trà xuân muộn, gồm lai hai dòng được trọn tạo trong nước như TH 3-3, VL20, Bồi tạp 49, Bồi tạp Sơn Thanh. Các giống lúa lai hai dòng trong nước, có thời gian sinh trưởng từ 100-120 ngày được gieo trồng khá  nhiều trong vụ mùa. Trong đó, các huyện Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ có diện tích lúa lai nhiều hơn cả do đất trồng lúa ở các địa phương này thuộc loại đất thịt, sâu chân rất phù hợp với quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa lai. Riêng Đại Từ có diện tích lúa lai cao nhất tỉnh, đạt 19% trong tổng diện tích 12.200 ha lúa cả năm của huyện. Đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Hiện nay, giống lúa Khang Dân - giống lúa được gieo trồng đại trà ở Đại Từ - đang có nhiều biểu hiện thoái hóa, năng suất thấp, một bộ phận người dân đã chuyển sang gieo cấy lúa lai. Tuy nhiên, số người trồng lúa lai của huyện vẫn thấp hơn ở huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), nơi giáp ranh với Đại Từ.

 

Tại các cuộc họp của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh, khi bàn về vấn đề này, rất nhiều người khẳng định: Việc mở rộng diện tích lúa lai trên địa bàn tỉnh những năm qua chậm, rất ít vụ, ít năm hoàn thành kế hoạch đề ra dù diện tích gieo trồng theo kế hoạch không lớn (chỉ chiếm từ 10 đến 15% tổng diện tích cấy lúa cả năm). Dù là tỉnh trung tâm của vùng Đông Bắc Bộ, nhưng hiện nay, Thái Nguyên mới đứng thứ 13/15 tỉnh về tỷ lệ diện tích lúa lai so với lúa thuần, thấp hơn nhiều so với các tỉnh trong khu vực (tỷ lệ lúa lai trong khu vực là 27,1%).

 

Vì sao cây lúa lai chưa phát triển ở Thái Nguyên, trong khi các tỉnh: Tuyên Quang, diện tích lúa lai chiếm trên 30%, Bắc Kạn: trên 50% và Yên Bái: trên 70%. Một điều đáng lưu tâm là trình độ canh tác, dân trí của người dân Thái Nguyên không thua kém và thậm chí có thể nói là hơn các tỉnh miền núi, vùng cao vì chúng ta là trung tâm các tỉnh miền núi phía Bắc, thuận lợi trong việc tiếp cận với các nguồn thông tin cũng như kiến thức trong phát triển cây lúa lai. Đó là chưa kể tới việc những năm gần đây, trình độ canh tác và thâm canh cây trồng trong đó có cây lúa của người dân không ngừng được nâng cao khi mà các trang báo điện từ đã về tới tận xã, thị trấn.

 

Đồng chí Nguyễn Đình Ngoạt, Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên - một trong những đơn vị nhiều năm cung ứng mặt hàng giống lúa lai trên địa bàn tỉnh cho rằng: Lúa lai chưa phát triển ở Thái Nguyên là do những năm trước, nhiều loại giống lúa lai của Trung Quốc được đưa vào gieo trồng tuy năng suất cao, nhưng chất lượng gạo không ngon nên đã phần nào ảnh hưởng tới tâm lý của người nông dân. Theo đó, nhiều hộ dân trồng lúa lai nhưng lại thâm canh theo kiểu truyền thống nên cây lúa lai chưa được chăm bón, đầu tư đúng mức dẫn tới năng suất, chất lượng không cao như mong muốn. Còn tại Hội thảo về phát triển cây lúa lai của tỉnh tổ chức ngày 8/10 vừa qua, đồng chí Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho hay: Một số bộ giống lúa lai sản xuất trong nước chưa ổn định. Theo đó, công tác khảo nghiệm, sản xuất thử đối với các giống lúa lai của tỉnh đã tổ chức thường xuyên và được đánh giá tốt song việc tổ chức triển khai phát triển trên diện rộng còn hạn chế...

 

Chị Dương Thị Thoa, một người dân ở xã Cây Thị (Đồng Hỷ) nói: Tôi có tìm hiểu một số giống lúa lai nhưng nghe nói các giống lúa lai rất mẫn cảm với thời tiết, khó chăm sóc nên gia đình không dám trồng. Điều này cho thấy mạng lưới cán bộ khuyến nông cơ sở chưa thực sự đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trồng cây lúa lai; nhiều địa phương chưa quan tâm tới việc chỉ đạo tăng diện tích lúa lai, lúa cao sản. Nói về nguyên nhân vì sao chưa "mặn mà" với cây lúa lai, bà Phạm Thị Na, xóm Thanh Trà 2, xã Sơn Cẩm (Phú Lương) cho biết: Năng suất lúa lai cao nhưng nhiều người còn chưa quen chế biến loại gạo này nên lúa lai chúng tôi sản xuất ra rất khó tiêu thụ. Cách đây 2 năm, gia đình tôi có gieo cấy thử giống lúa Nhị ưu 838 nhưng phần lớn chỉ dùng để chăn nuôi, chứ không bán được...

 

Trong khi diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa thì để đảm bảo an ninh lương thực, việc đưa các giống lúa lai năng suất cao, chất lượng tốt vào gieo trồng là một giải pháp hữu hiệu nhất. Vậy giải pháp trong vấn đề này là gì và cần được thực hiện như thế nào?

 

(Còn nữa)