Qua đánh giá, Thái Nguyên có nhiều tiềm năng để phát triển diện tích gieo cấy lúa lai. Diện tích có thể trồng và thâm canh lúa lai ở Thái Nguyên lên đến trên 30% trong tổng diện tích cấy lúa cả năm của tỉnh. Như vậy, hiện nay chúng ta có thể phát triển thêm 19% diện tích lúa lai nữa. Tuy nhiên, để đạt được con số này đòi hỏi rất nhiều yếu tố...
Kỷ 2 : Làm gì để mở rộng diện tích ?
Lựa chọn bộ giống lúa lai năng suất cao, chất lượng tốt
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã nêu rõ: Để chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất ruộng, trong nhiệm kỳ 2006-2010, tỉnh ta tiếp tục ổn định diện tích gieo trồng cây lương thực hằng năm. Trong đó, tập trung đầu tư vùng lúa thâm canh có năng suất, chất lượng cao. Sử dụng các giống lúa mới, giống lúa đặc sản địa phương để sản xuất sản phẩm hàng hóa có giá trị và bảo đảm an ninh lương thực... Theo kế hoạch, năm 2010, toàn tỉnh phấn đấu đạt tổng sản lượng lương thực là 400 nghìn tấn, trong đó thóc: 333,3 nghìn tấn. Theo đó, Thái Nguyên sẽ phấn đấu gieo trồng 5 nghìn ha lúa lai, 11 nghìn ha lúa cao sản trong vụ xuân và 5 nghìn ha lúa lai, 7 nghìn ha lúa cao sản trong vụ mùa với các giống lúa chủ yếu là Syn6, TH 3-3, VL20, Nhị ưu 838...
Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tham mưu cho tỉnh các biện pháp để tăng diện tích lúa lai. Trong đó, giải pháp đầu tiên là đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền. Khác với những năm trước là các giống lúa lai chủ yếu là của nước ngoài, hiện nay, các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu thành công nhiều giống lúa lai chất lượng cao, được nhiều người nông dân chấp nhận. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sau khi bà con nông dân đã "thông" thì việc phát triển diện tích lúa lai chắc chắc sẽ thuận. Điều này đã được minh chứng qua việc phối hợp sản xuất hạt lúa lai F1 giữa Công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp Thái Nguyên với một số hộ nông dân ở xã Động Đạt (Phú Lương). Do chưa hiểu nên ban đầu, khi Công ty đến đặt vấn đề về việc sản xuất hạt giống lúa lai F1 (tổ hợp VL 24 và TH 3-3) trong vụ mùa 2009, các hộ dân phản đối rất quyết liệt. Hàng chục cuộc họp giữa doanh nghiệp, chính quyền địa phương với người dân đã được tổ chức, thậm chí có những buổi họp kéo dài từ 19 đến tận 24 giờ, vẫn chưa đi đến thống nhất về vấn đề này. Nhưng với sự quyết tâm, kiên trì thuyết phục của các cấp, ngành và doanh nghiệp, 9,5ha lúa giống đã được cấy, hiện đã cho thu hoạch, năng suất đạt 26,5tạ/ha, cao hơn so với dự kiến. Với cơ chế 1 kg thóc giống đổi lấy 3kg thóc thịt, 1ha sản xuất các giống lúa lai này khi quy đổi cho khoảng 8 tấn lúa.
Ngoài ra, theo đồng chí Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thì để tăng diện tích lúa lai ngành sẽ tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa lai; nâng cao trình độ thâm canh lúa lai cho nông dân, đặc biệt là chế độ bón phân cho lúa lai; ứng dụng đồng bộ các biện pháp canh tác tiên tiến. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc trồng khảo nghiệm cũng như sản xuất thử và trình diễn các giống lúa lai chất lượng cao tại các huyện, thành, thị để người dân được "mắt thấy, tai nghe, tay sờ". Qua đó sẽ lựa chọn bộ giống lúa lai có năng suất khá, chất lượng gạo ngon phục vụ sản xuất. Hơn 10 tháng qua, Trung tâm Giống cây trồng tỉnh đã trồng khảo nghiệm thành công một số loại giống lúa lai do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, lai tạo như Phú ưu 1, Đắc ưu 11, BiO 404, CNR 8101... Nhưng các giống lúa lai này lại chưa được nhân ra diện rộng do thiếu kinh phí. Vì thế, để khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng các giống lúa lai, tỉnh nên có cơ chế hỗ trợ hợp lý đối với những giống lúa lai có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với đồng đất và thị hiếu của người dân.
Cần tạo sự gắn kết giữa "4 nhà"
Nhằm phát triển nhanh, bền vững cây lúa lai, thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều công văn chỉ đạo rất quyết liệt về vấn đề này. Tuy nhiên, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh thì rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành liên quan từ cấp tỉnh, huyện đến xã, đặc biệt là mạng lưới khuyến nông cơ sở cũng phải chung tay, gắng sức bám đồng ruộng, hướng dẫn người nông dân trồng, chăm bón các giống lúa lai đúng quy trình kỹ thuật...
Cùng với đó, một trong những giải pháp có tính chất lâu dài là phải có sự gắn kết giữa "4 nhà". Trong đó, nhà quản lý có chính sách phù hợp, có trình độ quản lý, bản lĩnh vững vàng, uy tín với nhân dân và tạo sự đồng thuận xã hội cao nhất. Nhà khoa học là những người có tâm huyết, nhiệt tình với nông dân và có kinh nghiệm ứng dụng KHKT trong sản xuất thực tiễn. Đặc biệt, nhà quản lý và nhà khoa học cần chủ động hơn nữa trong việc tiếp cận, phân tích nhu cầu và tư vấn hỗ trợ người nông dân xây dựng, đề xuất các nhiệm vụ khoa học, công nghệ. Kết quả đạt được từ các nhiệm vụ trên sẽ đáp ứng nhu cầu thiết thực của người nông dân. Thái Nguyên có thuận lợi là nhiều trường đại học, cao đẳng đứng chân trên địa bàn. Trong đó, Trường Đại học Nông lâm đã nhiều năm gắn bó với nông dân Thái Nguyên sẽ có nhiều nghiên cứu để tìm ra các giống lúa lai chất lượng cao phù hợp với đồng đất và trình độ canh tác của bà con cũng như tư vấn cho bà con cách lựa chọn bộ giống lúa lai thích hợp.
Đối với Nhà doanh nghiệp, không chỉ đủ năng lực về tài chính, khả năng đầu tư cho khoa học mà còn phải có cơ chế hợp lý trong quá trình phối hợp giữa doanh nghiệp với nông dân, tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm cũng như phải đầu tư lại cho người dân cải tạo đồng ruộng, chăm bón cây trồng... Còn Nhà nông phải là những thành viên tích cực trong nhóm ứng dụng KHKT vào thực tiễn sản xuất. Chính sự kết hợp chặt chẽ này là yếu tố quyết định đến sự thành công của việc sản xuất hạt giống lúa lai F1 trên địa bàn xã Động Đạt (Phú Lương) trong vụ mùa vừa qua. Và đây sẽ là tiền đề để Thái Nguyên cân đối được một phần nhu cầu hạt giống lúa lai F1, với giá rẻ hơn một nửa so với giống lúa lai nhập ngoại, phục vụ cho tỉnh mở rộng diện tích lúa lai thương phẩm mà không phải phụ thuộc vào các giống lúa lai của Trung Quốc. Đồng chí Nguyễn Đình Ngoạt, Giám đốc Công ty CP Vật tư Nông nghiệp Thái Nguyên nói: Nếu tỉnh mở rộng diện tích lúa lai thương phẩm lên 30%, Công ty sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, các nhà khoa học và nông dân mở rộng diện tích sản xuất hạt lúa lai F1 cũng như bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con.
Về vấn đề đầu ra cho sản phẩm lúa lai, không nhất thiết phải tiêu thụ trong nội tỉnh. Nếu sản xuất được các sản phẩm lúa lai có chất lượng tốt thì chúng ta có thể liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu hoặc bán cho các tỉnh bạn. Thậm chí, chúng ta có thể thu hút các nhà doanh nghiệp chế biến sâu các loại gạo của lúa lai thành bột dinh dưỡng dành cho mọi lứa tuổi, cháo ăn liền…
Những yếu tố, vấn đề trên khi được thực hiện tốt chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả thiết thực. Và như vậy, mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về sản xuất sản phẩm lúa hàng hoá có giá trị kinh tế cao và góp phần bảo đảm an ninh lương thực sẽ được thực hiện tốt hơn…