Thành công từ một mô hình chuyển đổi

08:38, 01/11/2009

Sau 4 năm thực hiện chuyển đổi từ mô hình Công ty nhà nước sang Công ty TNHH Nhà nước một thành viên, giá trị sản xuất công nghiệp của Công ty Diesel Sông Công tăng từ 106 tỷ đồng (năm 2005) lên 298,6 tỷ đồng (năm 2008) đạt mức tăng trưởng bình quân 123,9 %/năm. Kết quả này đã phần nào khẳng định sự thành công của Công ty trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 của Đảng về đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước…

 

Được thành lập 25/04/1980, Nhà máy Diesel Sông Công (nay là Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Diesel) được xây dựng hoàn toàn trong thời kỳ quản lý kinh tế theo cơ chế tập trung bao cấp, chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí, động cơ diesel phục vụ sản xuất nông nghiệp, thuộc Tng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam. Từ 2004 trở về trước, do thực hiện cơ chế bao cấp theo mô hình sản xuất khép kín, kỹ thuật lạc hậu, bộ máy quản lý cồng kềnh, nên doanh thu của Công ty đạt thấp, năm cao nhất cũng chỉ mới chỉ đạt xấp xỉ 100 tỷ đồng, dẫn đến thu nhập của người lao động thấp. Giữa lúc đó, Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) ra đời chỉ ra những giải pháp lớn, trong đó có giải pháp "sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước theo hướng hiệu quả, kinh doanh tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hợp tác và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Các công ty sẽ được chuyển đổi thành công ty TNHH 100% vốn Nhà nước, hoặc công ty cổ phần với cổ phần chi phối của nhà nước đối với những lĩnh vực và ngành nghề quan trọng cần thiết."

 

Nắm bắt thời cơ, Ban giám đốc Công ty đã triệu tập cuộc họp với sự có mặt của đông đủ các thành phần để quán triệt các nghị quyết của Đảng, các chủ trương, chính sách của Nhà nước, đồng thời căn cứ vào tình hình hoạt động của Công ty để có chủ trương, kế hoạch chuyển đổi phù hợp. Ông Ngô Văn Tuyển, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty cho biết: Khó khăn lớn nhất lúc đó là làm sao để ổn định tư tưởng cho công nhân vì theo mô hình chuyển đổi mới sẽ phải tinh giản bớt bộ máy lao động, đồng nghĩa với việc hơn 2 trăm công nhân sẽ phải nghỉ chế độ. Để giải quyết khó khăn này, công tác tuyên truyền đặc biệt được Công ty chú trọng. Thông qua các cuộc họp, các buổi sinh hoạt đoàn thể như công đoàn, đoàn thanh niên…nội dung, kế hoạch cũng như ý nghĩa, sự cần thiết phải chuyển đổi Công ty đã được phổ biến sâu rộng trong toàn thể cán bộ công nhân viên chức và người lao động. Nhờ đó, chủ trương đổi mới mô hình hoạt động của Công ty đã đạt được sự đồng thuận cao trong toàn thể công nhân viên chức lao động, 289 lao động thuộc diện phải tinh giản đã tự nguyện xin về nghỉ chế độ theo quy định. Ngày 01/12/2004, Bộ trưởng Bộ công nghiệp đã có quyết định chuyển đổi Công ty thành Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Diesel Sông Công.

 

Bắt đầu từ năm 2005, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Diesel Sông Công hoạt động theo mô hình mới với cơ chế quản lý tự chủ và năng động hơn. Trên cơ sở nắm bắt được nhu cầu của thị trường, Công ty đã chủ động đầu tư 140 tỷ đồng mua 2 dây chuyền rèn công nghệ cao tại Phân xưởng rèn 2, nhờ đó đã tiết kiệm 50% thời gian và chi phí cho sản phẩm. Anh Vũ Hữu Kỳ, Quản đốc Phân xưởng rèn 2, cho biết: Trước đây nung phôi phải chạy bằng lò than nên năng xuất thấp và độc hại, nay được đầu tư dây chuyền mới chạy bằng điện theo công nghệ Nhật Bản nên năng xuất tăng gấp 2 lần, đáp ứng được yêu cầu chất lượng cũng như tiến độ giao hàng được các đối tác đánh giá cao.

 

Liên tục trong 2 năm 2005, 2006 công ty đã mạnh thành lập xưởng đúc mới (Đúc 2), tạo điều kiện cho phát triển đúc chi tiết, nâng cao hiệu quả sản xuất và quản lý thép. Năm 2007, Công ty đầu tư máy đúc dòng liên tục thay thế đúc thép thỏi thủ công lạc hậu, chủ động chấm dứt sản xuất thép cán khi không có hiệu quả. Ngoài ra Công ty còn đầu tư một xưởng lắp ráp động cơ lớn (100 - 400 hp) và một loạt các thiết bị rèn, đúc gia công khác đã làm tăng năng lực sản xuất của công ty, mở ra nhiều loại sản phẩm mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, ngoài mặt hàng truyền thống là các sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, công ty còn sản xuất các thiết bị khác như phụ tùng ô tô, xe máy... Cuối năm 2008, đầu năm 2009, trước tác động của suy thoái toàn cầu, số đơn đặt hàng ít, nên đ thu hút và tạo điều kiện cho khách hàng, Công ty đã có các chương trình giảm giá, riêng đối với mặt hàng cơ khí giảm tới 10% giá thành. Nhờ đó mà giá trị sản xuất của Công ty không ngừng tăng qua các năm. Nếu như năm 2005 giá trị sản xuất công nghiệp của Công ty  đạt 106 tỷ, thì đến năm 2008 đã đạt  298,6 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng bình quân 123,9 %/năm, thu nhập bình quân của người lao động tăng từ 1.187 nghìn đồng/người/năm (năm 2005) lên 2.449 nghìn đồng/người/tháng (năm 2008). 8 tháng đầu năm 2009 doanh thu của công ty đạt 210 tỷ đồng, đảm bảo việc làm ổn định cho 1.100 lao động với mức thu nhập bình quân 2.500 nghìn đống/người /tháng. Anh Nguyễn Tài Thực, công nhân Phân xưởng cơ khí 1 tâm sự: "Công ty phát triển, thu nhập của  người lao động tăng cao nên chúng tôi rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ Công ty và yên tâm công tác."

           

Với những kết quả đã đạt được Công ty Diesel Sông Công là một điển hình trong việc chuyển đổi từ một Công ty Nhà nước sang Công ty TNHH Nhà nước một thành viên, vẫn giữ được vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc hoạch toán kinh tế, ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động. Về định hướng của Công ty trong thời gian tới ông Ngô Văn Tuyển, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công ty cho biết: "Công ty sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh để phấn đấu chuyển đổi thành công thành Công ty cổ phần vào năm 2010".