Ứng dụng công nghệ trong các ngành công nghiệp

08:14, 05/11/2009

Công nghiệp truyền thống của Thái Nguyên là cơ khí chế tạo và luyện kim, nhưng hiện nay cơ bản các dây chuyền công nghệ sản xuất của ngành này đang trong giai đoạn xuống cấp và trở nên lạc hậu. Điều đáng ngạc nhiên là công nghệ các ngành công nghiệp khác như sản xuất vật liệu xây dựng hay chế biến nông-lâm sản, thực phẩm, đồ uống lại đang đạt ở trình độ khá cao. Phải chăng, chúng ta đang phát triển  trình độ công nghệ theo hướng thiên lệch?

 

Thế mạnh lâu nay của chúng ta là luyện kim đen và luyện kim màu với chủ lực là các nhà máy sản xuất tại các KCN Gang thép, Sông Công. Mặc dù gần đây, ngành luyện kim đã được quan tâm đầu tư phát triển theo chiều sâu, nâng cao công suất, ứng dụng một số công nghệ tiên tiến như: luyện thiếc bằng lò điện, thiêu quặng kẽm, điện phân kẽm bằng lò lớp sôi, đúc thép liên tục, cán thép bằng dây chuyền tự động…, nhưng nhìn chung, do quy mô công suất nhỏ nên về tổng thể công nghệ, thiết bị ngành luyện kim của tỉnh còn chưa tương xứng. Sản phẩm luyện kim của chúng ta không đa dạng, trình độ chế biến tinh chưa cao, chưa có các sản phẩm cao cấp dùng cho ngành công nghiệp chế tạo máy và đóng tàu. Ông  Phạm Văn Khay, Giám đốc Công ty cổ phần Phụ tùng máy số 1 đã có lần trò chuyện với chúng tôi: Toàn bộ nguyên liệu phục vụ chế tạo máy của Công ty đều phải nhập từ các tỉnh bạn vì tỉnh ta chưa có công nghệ sản xuất thép chế tạo. Có thể vì mức đầu tư cho luyện thép phục vụ cơ khí chế tạo quá lớn nên chưa có doanh nghiệp nào trong tỉnh đầu tư. Chúng tôi hy vọng tới đây sẽ có nguyên liệu sản xuất phụ tùng ngay tại địa phương.

 

Nhà máy kẽm điện phân tại Khu công nghiệp Sông Công là một trong những Dự án luyện kim màu có quy mô sản xuất lớn, công nghệ điện phân kẽm bằng lò lớp sôi với hàng chục nghìn tấn kẽm thỏi mỗi năm. Tuy vậy, do đầu tư dây chuyền thiết bị thiếu đồng bộ, chắp vá, đặc biệt là hệ thống xử lý chất thải, khí thải không đảm bảo, thường xuyên gặp sự cố, nên một thời gian dài Nhà máy gặp nhiều khó khăn trong tìm hướng giải quyết. Cho tới nay, hệ thống xử lý môi trường của Nhà máy vẫn chưa thể khắc phục.

 

Phải thừa nhận thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh nhiều nhà máy luyện kim đã mọc lên, nhưng nhìn chung trình độ công nghệ còn rất thấp. Hầu hết các nhà máy này đều nhập công nghệ, thiết bị từ Trung Quốc-một trong những nước đứng đầu về ngành luyện kim-nhưng lại chủ yếu mang về những dây chuyền lạc hậu từ những năm 80 của thế kỷ trước. Khi được hỏi tại sao không nhập công nghệ mới, hiện đại thì nhiều chủ doanh nghiệp không ngần ngại trả lời: Công nghệ cũ một chút nhưng giá thành rẻ, phù hợp với khả năng đầu tư của doanh nghiệp nhỏ. Hơn nữa, công suất luyện kim của các nhà máy bé nên không nhất thiết phải đầu tư dây chuyền tiên tiến, hiện đại. Tuy nhiên, theo chúng tôi những suy nghĩ và cách thức đầu tư như trên là hoàn toàn sai lầm. Bởi chúng ta đều biết, công nghệ lạc hậu thường cho ra đời các sản phẩm chất lượng thấp và để lại hậu quả xấu cho môi trường tự nhiên. Hơn nữa, các dây chuyền lạc hậu sẽ chỉ có thể sản xuất các sản phẩm thô, gây thất thoát và lãng phí tài nguyên. Đánh giá của ngành chuyên môn cho thấy: Ngành luyện kim của chúng ta chủ yếu khai thác nguồn nguyên liệu từ quặng nguyên khai với rất nhiều thành phần hợp chất. Vậy nên, khi công nghệ chế biến khoáng sản lạc hậu sẽ chỉ có thể tách lọc được những thành phần chủ đạo mà sẽ bỏ qua những hợp chất khác. Ví dụ, trong quặng titan sẽ chứa khoảng 70% titan, 20% hỗn hợp gang và 10% chất rắn khác. Thường các nhà máy công nghệ lạc hậu chỉ tách và lấy được xỉ titan mà bỏ đi phần hợp chất gang và các loại chất khác.

 

Đối với ngành cơ khí, chế tạo, chúng ta có năng lực đúc và rèn dập khá mạnh trong cả nước. Thái Nguyên là địa phương duy nhất có thiết bị dập song động, có hệ thống nhiệt luyện liên hoàn tương đối hiện đại. Tuy nhiên, hiện trạng thiết bị của các nhà máy cơ khí, chế tạo trên địa bàn phần lớn đã cũ, xuống cấp được nhập về từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước như: Công ty Diezel Sông Công, Công ty cổ phần phụ tùng máy số 1, Công ty cơ khí Phổ Yên… Theo đánh giá chuyên môn thì các loại thiết bị chế tạo của các nhà máy trên đều có cấp độ chính xác loại trung bình, nên tiêu hao năng lượng lớn, hiệu quả sản xuất thấp.

 

Gần như ngược lại hoàn toàn với ngành luyện kim và cơ khí chế tạo, thời gian qua nhờ có chiến lược đầu tư mạnh mẽ, trọng tâm, trọng điểm và mang tính lâu dài, ngành sản xuất vật liệu xây dựng trong tỉnh đã tạo ra bước vượt trội trong đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại. Đầu tiên phải kể đến là Nhà máy xi măng Thái Nguyên, công suất 1,5 triệu tấn với mức đầu tư lên tới trên 3 nghìn tỷ đồng. Đây là Dự án được lắp đặt dây chuyền công nghệ hiện đại của Cộng hoà Pháp và được chính các chuyện gia Pháp chuyển giao. Mặc dù tỷ lệ nội địa hoá các thiết bị chế tạo và xây dựng khá cao nhưng đều được giám sát trực tiếp của các chuyên gia, nên chất lượng công nghệ luôn được đảm bảo. Tới đây, dây chuyền này sẽ cho ra lò những sản phẩm xi măng chất lượng không thua kém các sản phẩm uy tín khác trên thị trường. Cùng với đó, một số nhà máy sản xuất xi măng công nghệ cao như: Xi măng Quan Triều, công suất 770 nghìn tấn, Xi măng La Hiên, công suất 750 nghìn tấn…Các nhà máy sản xuất vât liệu xây dựng khác là: Gạch Ceramic của Công ty cổ phần Prime Phổ Yên, công suất 12 triệu m2/năm; Nhà máy gạch ốp lát Việt - Ý 2 triệu m2/năm; Nhà máy vật liệu chịu lửa Samốt, Cao nhôm và Magiê Các bon của Công ty cổ phần Vật liệu chịu lửa Thái Nguyên…cũng đều đạt trình độ sản xuất khá do được đầu tư dây chuyền thiết bị đồng bộ, hiện đại nhập khẩu từ các nước tiên tiến.

 

Cũng tương tự như ngành sản xuất vật liệu xây dựng, trình độ công nghệ ngành chế biến nông-lâm sản, thực phẩm, đồ uống đã được cải thiện rõ rệt. Điển hình là Công ty TNHH sữa Vĩnh Phúc (Phổ Yên) với dây chuyền hiện đại nhập từ Thuỵ Điển, có trình độ tự động hoá cao. Tiếp đó là dây chuyền sản xuất chè xanh đồng bộ nhập từ Nhật Bản của Công ty cổ phần chè Sông Cầu; dây chuyền sản xuất chè túi lọc, chè đen của Công ty cổ phần tập đoàn Tân Cương- Hoàng Bình…

 

Qua đây có thể nhận thấy, trình độ công nghệ của các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp mũi nhọn của tỉnh đang phát triển chưa đồng đều, có chiều hướng thiên lệch. Thái Nguyên là tỉnh có thế mạnh về ngành luyện kim và cơ khí chế tạo, bởi vậy theo suy nghĩ của chúng tôi đây là lĩnh vực rất cần sự đầu tư công nghệ mạnh mẽ và theo hướng hiện đại hơn nữa để tạo ra các sản phẩm chất lượng, uy tín, tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên.