Hiện trên địa bàn tỉnh có 6 khu công nghiệp (KCN) tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư xây dựng là KCN Sông Công I (năm 1999), KCN Sông Công II (năm 2006) và 4 KCN được bổ sung thành lập mới là: KCN nam Phổ Yên, KCN tây Phổ Yên, KCN Quyết Thắng, KCN Điềm Thuỵ (Phú Bình). 6 KCN trên có tổng diện tích được quy hoạch là 1.220 ha; đã thực hiện quy hoạch chi tiết 413 ha. Ngoài ra, còn có 22 cụm công nghiệp (CCN), trong đó có 16 CCN đã thực hiện quy hoạch chi tiết là 510,99 ha.
Theo ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng Ban quản lý các KCN Thái Nguyên (viết tắt là BQLKCNSC) cho biết: Trong 6 KCN tập trung nêu trên, đến nay cũng chỉ có duy nhất KCN Sông Công I đi vào hoạt động. Diện tích quy hoạch chi tiết giai đoạn I và II là 168,58 ha; diện tích đất đã có quyết định thu hồi và giải phóng mặt bằng (GPMB) là 70,29 ha. Trong đó, đất cho doanh nghiệp (DN) thuê là 45,2 ha; đất chưa cho thuê lại là 20,27 ha; còn lại là đất công trình hạ tầng, trung tâm điều hành, đất xây dựng công trình trả cho địa phương. Các KCN tập trung khác đang ở giai đoạn GPMB hoặc làm thủ tục giao đất. Đối với các CCN có 12 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN, nhưng mới có CCN Đu (Động Đạt, Phú Lương) được giao đất. Đối với KCNSC thu hút được 34 dự án, thực tế có 24 dự án đã đi vào hoạt động. Nhìn chung, đa số các dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đều sử dụng đất đúng với nội dung đã đăng ký, đầu tư sản xuất kinh doanh (SXKD) có hiệu quả, nộp tiền thuê đất đầy đủ (đã thu được 11,05 tỷ đồng tiền thuê đất). Tuy nhiên, vẫn còn một số nhà đầu tư sử dụng đất chưa hiệu quả như: Nhà máy thép ống hình của Công ty (CT) Xây lắp điện Thái Nguyên do sản phẩm làm ra tiêu thụ khó nên ngừng hoạt động từ 2 năm nay; Chi nhánh Công ty TNHH Gia Thành (3.000m2) thuê đất kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng không phát triển. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư triển khai dự án chậm, ngành nghề không thực hiện theo đúng cam kết, phải thay đổi nhiều lần như: Công ty TNHH đúc Vạn Thông sản xuất ống gang phục vụ thoát nước công nghiệp, nhưng do thị trường không còn nhu cầu sử dụng nên phải dừng lại. Còn HTX Vận tải Chiến Công (4 ha) ban đầu xin cấp phép đầu tư xây dựng Nhà máy cán thép, phôi thép, do suy thoái kinh tế đã thay đổi phương án nhiều lần, mới đây HTX lại chuyển sang xây dựng nhà máy luyện Feromangan. Hoặc như Trung tâm Thương mại và Dịch vụ của ông Đặng Lê Hoa (thuê 4ha đất, mới sử dụng 3 ha, còn để lại 1ha chưa sử dụng), Trung tâm đang tiếp tục làm thủ tục đầu tư xây dựng Nhà máy cơ khí chính xác; Công ty cổ phần công nghệ Sao Xanh (1ha) cũng gặp khó khăn trong sản xuất nên sử dụng đất kém hiệu quả. Đối với các CCN, các nhà đầu tư đã triển khai tích cực nhưng tiến trình giao đất chưa thực hiện được do công tác bồi thường GPMB chậm.
Như vậy, nhìn về tổng thể, tỉnh Thái Nguyên đã có sự ưu tiên rất lớn để quy hoạch các KCCN nhằm thu hút đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, diện tích đất quy hoạch thì lớn, hầu hết các KCCN được quy hoạch từ nhiều năm nay (KCNSC được quy hoạch hàng chục năm; các KCCN khác cũng vài năm nay) nhưng tiến độ lấp đầy và hiệu quả sử dụng đất ở các KCCN còn quá khiêm tốn. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do công tác bồi thường GPMB quá chậm; cơ sở hạ tầng các KCCN chưa được hoàn thiện nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư lớn. Các nhà đầu tư vào KCN chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, năng lực đầu tư và cạnh tranh thấp, không chống đỡ được với những "cơn bão" khủng hoảng kinh tế dẫn đến một số DN làm ăn kém hiệu quả phải thay đổi phương án SXKD. Vì thế, không những sử dụng đất kém hiệu quả mà còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác. Ông Hoàng Công Doãn, Giám đốc CT phát triển hạ tầngKCN Thái Nguyên (viết tắt là CTHTKCN) tâm sự : Công ty được chuyển giao nhiệm vụ xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCNSC từ cuối năm 2003, nhưng do nhiều nguyên nhân nên Công ty chưa bao giờ có "đất sạch" để giao cho nhà đầu tư. Những năm trước, nguồn vốn tỉnh cấp cho công tác BTGPMB rất hạn chế (bình quân mỗi năm 10 tỷ đồng) nên không đủ kinh phí hỗ trợ BTGPMB. Vì thế, một số nhà đầu tư phải ứng vốn ra trước để thực hiện công tác này. Năm 2009, Công ty được cấp trên 30 tỷ đồng, trong đó, có 24 tỷ đồng được cấp bổ sung giữa năm để thực hiện bồi thường GPMB nhưng đến nay lại "không tiêu được" với lý do không có phương án để bồi thường. Nếu để trả nợ thì số tiền trên cũng chỉ đủ trả cho 4 dự án cũ nhà đầu tư đã tự ứng vốn trước, không có vốn để thực hiện dự án mới. Bên cạnh đó, nguồn vốn cấp để vận hành sửa chữa các công trình hạ tầng đã xuống cấp (ví dụ gạch lát vỉa hè bị lún, nứt, vỡ nhiều; nạo vét cống thoát nước, sửa chữa đường điện…) cũng không nhiều (mỗi năm chỉ được cấp từ 1,3 tỷ đến 1,5 tỷ đồng) nên hạ tầng KCNSC chưa hoàn thiện. Do thiếu kinh phí nên Công ty vừa triển khai vừa đền bù, dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư có năng lực tài chính lớn không chờ đợi được đành phải "bỏ đi" nơi khác. Hoặc có tình trạng, dự án đã giao mặt bằng nhưng các công trình hạ tầng phục vụ cho DN lại không kịp thời (ví dụ dự án của CT cổ phần Đầu tư và Thương mại Thái Nguyên hiện chưa có đường vào). Cũng chính vì không có "đất sạch" nên việc giao đất cho các DN thường chậm từ 1 năm đến một năm rưỡi. Đơn cử như: nhà đầu tư WIHA của Đức, từ khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư đến khi chính thức ký hợp đồng thuê đất đã kéo dài một năm rưỡi, từ tháng 4-2009 đến nay, CT gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế, không ký được hợp đồng bán hàng, đành phải dãn tiến độ triển khai, nên đất vẫn tạm bỏ không.
Những năm qua, tỉnh ta đã có những động thái tích cực như: mở rộng các KCCN, có các cơ chế chính sách khuyến khích nhà đầu tư, các tuyến đường giao thông chính được đầu tư xây dựng. Đặc biệt, năm 2009, Ban QLKCNSC đã cấp 12 Giấy chứng nhận đầu tư cho các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật các CCN và 3 chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN tập trung. Đây là điều kiện để tỉnh ta đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng các KCCN. Song, để có "đất sạch" thu hút các nhà đầu tư lớn, tỉnh cần có sự chỉ đạo quyết liệt đồng bộ từ khâu xây dựng cơ chế, chính sách bồi thường GPMB phù hợp, không thay đổi nhiều nhằm chấm dứt tình trạng người dân hay ỉ lại không chịu nhận tiền đền bù để đợi năm sau sẽ được hỗ trợ cao hơn năm trước. Đồng thời, cần xây dựng các khu tái định cư đi trước công tác GPMB. Các KCN tập trung cần được tăng kinh phí hỗ trợ bồi thường GPMB (theo ông Hoàng Công Doãn, CTHTKCNSC phải cần từ 40 tỷ đến 50 tỷ đồng mới đảm bảo có từ 2 ha đến 2,5 ha đất sạch) và kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng (KCNSC nhu cầu cần từ 2,3 đến 2,5 tỷ đồng mới đáp ứng được công tác duy tu, vận hành các công trình hạ tầng). Có các điều kiện tối thiểu trên, những KCN mới đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư khi "bước" vào các KCN, vì thấy được những ưu điểm vượt trội so với việc thuê đất ở bên ngoài. Từ đó, các KCCN mới nhanh chóng lấp đầy diện tích và không bỏ lãng phí đất như hiện nay.