Không điện, không có diện tích cấy lúa, không có nước sạch sinh hoạt...và thiếu thốn nhiều thứ (thiếu vốn, thiếu kiến thức KHKT, thiếu thông tin...), nhưng trong 3 năm gần đây, 58 hộ đồng bào dân tộc Mông ở bản Lân Thùng (Phương Giao -Võ Nhai) đã chủ động từng bước khắc phục khó khăn để vươn lên, giảm số hộ nghèo từ 100% năm 2006 xuống còn gần 50% ở thời điểm này.
Vượt qua những đoạn đèo dốc cao ngất, đến khi thấy “thở qua tai”, chúng tôi mới tới được bản Lân Thùng, mặt trời đã đứng bóng, cũng là lúc các bà, các chị từ trên nương trở về nhà lo bữa cơm trưa cho gia đình. Những chiếc váy xòe có nhiều nếp gấp của phụ nữ Mông rung rinh theo nhịp bước chân như những cánh bướm muôn màu sắc, trẻ nhỏ lon ton chạy theo sau. Trời lạnh, mà chúng chỉ phong phanh manh áo mỏng, thậm chí có đứa bé không mặc gì, nhưng nhìn đứa nào cũng chắc nịch như nắm cơm. Cảnh sắc thanh bình, yên ả. Người bạn dẫn đường phá tan sự yên lặng bằng một câu ví von: Trẻ nhỏ ở đây cứ lớn lên như cây rừng, nên chúng thích ứng một cách “vững vàng” với thiên nhiên, thời tiết. Chỉ tiếc, vì điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nên sự học chưa được tới nơi tới chốn... Cả bản chỉ có duy nhất gia đình bà Sầm Thị Xía dám bán tất cả ruộng vườn, nhà cửa cho con theo học đại học thôi và cũng là gia đình duy nhất có vài sào ruộng để cấy một vụ lúa...
Nghe tới đây, dù đang rất mệt sau một hành trình vất vả vật lộn với đèo dốc, nhưng tôi vẫn quyết tâm men theo con đuờng đất nhỏ bám vào sườn núi tìm đến gia đình bà Xía. Ngôi nhà sàn đơn sơ nằm dưới một thung lũng nhỏ, trong nhà có lẽ thứ quý giá nhất là vài bao tải ngô xếp ở góc nhà. Vợ chồng bà Xía tiếp chúng tôi nồng hậu. Bà kể: Vợ chồng bà sinh được 11 người con, 4 trai, 7 gái. Trong đó, có một cậu tốt nghiệp Đại học Quân sự; một cậu tốt nghiệp Học viện Chính trị Quân sự, cả hai đều đã có việc làm ổn định; cậu con trai út đang học lớp 11, năm nào cũng đạt học sinh tiên tiến. Đó là niềm tự hào của gia đình bà. Ông Xía tiếp lời: Trước kia gia đình tôi ở bản Chòi Hồng, xã Tràng Xá. ở đó điều kiện phát triển kinh tế rất thuận lợi, nhưng vì không đủ tiền lo cho các con ăn học, gia đình tôi quyết định bán cả cơ ngơi được 40 triệu đồng, bỏ ra 20 triệu lo cho các con, còn 20 triệu vào đây mua đất và dựng được căn nhà này. Giờ các con tôi đang đóng góp công sức xây dựng và bảo vệ đất nước, lòng già này thấy toại nguyện lắm. Bây giờ hai vợ chồng già chỉ lo làm ăn kinh tế, lo nốt phần học hành cho cậu út. Kể cả phải bán tiếp căn nhà này, chúng tôi cũng bằng lòng...
Một làn gió nhẹ thổi qua các khung cửa sổ nhà sàn không có phên liếp che chắn, bà Xía thoáng rùng mình vào buồng lấy thêm áo mặc. Tấm áo có nhiều mảnh vá, một cảm giác xúc động trào dâng trong lòng tôi. Người mẹ người Mông nhân hậu cả một đời cặm cụi lo toan cho 11 người con. Nay tuổi đã cao, sức đã yếu, vợ chồng bà vẫn còn sống trong thiếu thốn, nhưng niềm hạnh phúc thì có lẽ ít ai bằng.
Dời nhà bà Xía, chúng tôi đứng trên đỉnh dốc cao ngắm bản người Mông Lân Thùng trong nắng vàng rực rỡ. Sáng lạnh là vậy, trưa trời cao và xanh thẳm, những ngôi nhà gỗ mái lợp prôximawng, nhà đất lợp lá nằm ẩn khuất sau những ruộng ngô đang đến kỳ thu hoạch. Ngô là nguồn lương thực duy nhất của 58 hộ dân nơi đây, sau đó là cây đỗ tương. Mấy năm gần đây, người Mông ở Lân Thùng đã biết trồng thêm cây lạc, cây sắn. Đất đai thì nhiều, nhưng phần lớn là núi đá, đất có thể sản xuất được lại khô cằn, thiếu nước, nên đồng bào không thể gieo cấy lúa được. Ông Tráng bảo: Nước sinh hoạt còn không đủ dùng, nói gì đến nước sản xuất. Hầu hết các gia đình trong bản phải đi gánh nước xa hàng cây số, đường đi lại gập ghềnh. Gia đình tôi phải dùng ống nứa bắt nước tít trên đỉnh núi cao về nhà.
Thiếu thốn, khó khăn là vậy, nhưng các hộ dân trong bản Lân Thùng không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà chịu khó học hỏi cách làm ăn để chủ động vươn lên. Tiêu biểu là gia đình chị Triệu Thị Lý, gia đình anh Lý Văn Sầu, Dương Văn Sùng... Các gia đình này trước kia đều là hộ nghèo, nhưng nay đã trở thành các hộ khá giả trong bản, là những mô hình kinh tế phát triển, làm gương cho bà con trong bản học theo. Anh Sầu đã mạnh dạn vay ngân hàng 10 triệu đồng mua máy xay xát ngô; còn anh Sùng thì vay 10 triệu đồng đầu tư thâm canh cây đỗ tương; chị Lý cũng thoát đói nghèo nhờ trồng ngô giống mới... Mỗi người tự vươn lên theo mỗi cách khác nhau, nhưng ở họ đều tựu chung sự cần cù, chịu thương, chịu khó, ham học hỏi. Hơn 100 ha ngô ở bản Lân Thùng giờ được trồng chủ yếu bằng các giống ngô lai, năng suất đạt 3-4 tạ ngô/kg giống. Ngoài trồng màu, người Mông Lân Thùng đã tận dụng địa hình có nhiều đồi bãi, cỏ dại, để phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn. Mới đây, 8 hộ thuộc diện nghèo ở Lân Thùng đã được vay 15 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội với lãi suất ưu đãi để đầu tư cho chăn nuôi. Ông Tráng bảo: Cuộc sống tuy còn nghèo khó, nhưng trong bản hễ có ai gặp rủi ro, hoạn nạn là cả bản xúm vào giúp đỡ, động viên. Việc ma chay, cưới hỏi đều được tổ chức theo nếp sống mới, loại bỏ các hủ tục lạc hậu. Các cặp vợ chồng trẻ đều chỉ sinh hai con để nuôi dạy cho tốt, không sinh nhiều con như các bà, các mẹ nữa...
Trước khi chia tay, Trưởng bản Đào A Tráng chỉ về phía khoảng đất trống trước mặt: Chúng tôi đang vận động nhân dân trong bản đóng góp công sức, tiền của để xây dựng nhà văn hóa của bản ở khu đất này. Uớc trị giá khoảng hơn 20 triệu đồng. Lần sau chị về, chắc chắn Lân Thùng sẽ có thêm nhiều cái mới. Chúng tôi sẽ vươn lên bằng chính thực lực của mình, tuy nhiên nếu nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành là điều rất đáng quý đối với mỗi người dân nơi đây.
Thấy Trưởng bản nhanh nhẹn, nói năng lưu loát, gẫy gọn, tôi hỏi: -Trước kia bác đã từng tham gia quân ngũ phải không?
-Không. Thời trai trẻ, tôi đã từng làm kế toán cho một HTX, rồi làm công an viên..
Tôi thầm nghĩ: Người Mông Lân Thùng thật may mắn khi có người “trưởng tàu” như ông Đào A Tráng!