Bộc Nhiêu nỗ lực vượt khó

08:29, 29/12/2009

Theo con đường đất đỏ ngoằn ngoèo sỏi đá, chúng tôi tìm về xã Bộc Nhiêu (Định Hoá) - nơi hơn 1.000 hộ dân đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Kinh… đang sống đoàn kết bên nhau. Ngắm nhìn những cành hoa mai, hoa mận nở trắng hai bên đường vào xã, chúng tôi như thấy mùa xuân đang đến rất gần.

Vậy là một năm mới nữa lại về với người dân Bộc Nhiêu. Đồng chí Đường Đình Chất, Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bộc Nhiêu đã phải vượt qua biết bao gian khó. Là địa phương có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, diện tích đất tự nhiên rộng (trên 2.615ha) trong khi đó diện tích đất canh tác ít (gần 846ha), lại không tập trung nên việc xây dựng các công trình thuỷ lợi trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, địa phương không chủ động được nước tưới phục vụ sản xuất. Thêm vào đó, thời tiết của năm 2008 vô cùng khắc nghiệt, đầu năm rét đậm, rét hại kéo dài, tiếp đó đến tháng 8, địa phương lại bị ảnh hưởng của cơn bão số 4 nên đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất và đời sống của người dân. Rồi việc giá cả vật tư phân bón tăng cao cũng khiến cho không ít hộ gia đình lao đao…

 

Khó khăn là vậy, nhưng nhờ nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của UBND và các phòng, ban của huyện Định Hóa trong việc tổ chức các lớp chuyển giao KHKT, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi nên nhận thức của người dân đã được nâng lên. Bên cạnh đó, Đảng bộ, chính quyền xã đã đưa ra những chủ trương, nghị quyết phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tích cực hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, đặc biệt là việc tu sửa các đập chứa nước, nạo vét kênh mương để bà con có nước phục vụ sản xuất. Ngoài sự tận tâm với công việc, năm qua, nhờ được tập huấn nghiệp vụ, đội ngũ cán bộ của xã đã có thêm kiến thức nên chất lượng công việc đã được nâng lên. Người dân nơi đây luôn cần cù, chịu khó, có tinh thần ham học hỏi, nhanh nhạy ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông - lâm nghiệp, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hộ, biết khai thác, sử dụng  nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương nên đã tạo ra sản phẩm cho gia đình và xã hội… Do đó, năm 2008, Bộc Nhiêu vẫn thu được những kết quả đáng khích lệ. Xã đã gieo cấy được 117ha lúa vụ xuân, năng suất đạt 50tạ/ha; 128ha lúa vụ mùa, năng suất đạt gần 48tạ/ha, trong đó 50ha lúa Bao thai, 25ha lúa lai. Về cây chè, hiện xã có 130ha, năng suất 70tạ/ha, tăng khoảng 2-3tạ/ha so với 2 năm trước. Đối với diện tích chè trồng mới, năm qua, xã cũng đã trồng mới được 10ha, trong đó có 2ha trồng bằng các giống chè cành cho năng suất cao, chất lượng tốt. Bên cạnh đó, xã cũng đã vận động nhân dân trồng mới được 195ha rừng, đạt trên 220% kế hoạch, nâng tổng số diện tích rừng hiện có của xã lên 900ha, trong đó 170ha được trồng theo Dự án 661. Trong chăn nuôi, xã cũng khuyến khích người dân mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện, xã đã có trên 800 con trâu, bò; trên 3.000 con lợn; 380 con dê và khoảng 30.000 con gia cầm các loại. Từ phát triển chăn nuôi đã mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho người dân Bộc Nhiêu. Nay, xã đã có khá nhiều mô hình kinh tế phát triển theo hướng trang trại tổng hợp (trồng rừng kết hợp với chăn nuôi), trong đó có 6 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận, hằng năm cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng…

 

Cùng với những nỗ lực trong phát triển kinh tế, trong năm qua, một số hộ nghèo trong xã cũng đã được hỗ trợ trang thiết bị phục vụ sản xuất như: 6 bộ máy cày 6, 2 bộ máy hái chè, 23máy bơm nước; 25 con lợn nái sinh sản … nên đời sống của các hộ nghèo đã được cải thiện. Năm qua, xã đã có trên 20 hộ dân thoát nghèo…

 

Để năm mới có thêm nhiều thành tựu mới, năm 2009, Bộc Nhiêu phấn đấu gieo cấy trên 200ha lúa 2 vụ, tăng diện tích cấy lúa xuân sớm, mùa sớm để trồng cây màu vụ đông; làm tốt công tác dự thính, dự báo và phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; quản lý tốt công tác khai thác, vận chuyển lâm sản trên địa bàn, củng cố lực lượng phòng cháy, chữa cháy, tuyên truyền hướng dẫn nhân dân thực hiện việc khai thác, vận chuyển lâm sản đúng quy định; thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước, chọn đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, góp phần xoá đói, giảm nghèo bền vững...